Phòng thông minh có thể giao tiếp bằng tiếng Việt

Phòng thông minh có thể giao tiếp bằng tiếng Việt
(GD&TĐ)-Một căn phòng hiểu tiếng nói không còn là xa lạ với thế giới, nhưng một căn phòng có thể hiểu được tiếng Việt có lẽ là một điều còn mới mẻ tại Việt Nam.
Anh Trần Đỗ Đạt điều khiển bật tắt điều hòa bằng giọng nói. Ảnh: gdtd.vn
Anh Trần Đỗ Đạt điều khiển bật tắt điều hòa bằng giọng nói. Ảnh: gdtd.vn
Giới thiệu với chúng tôi về mô hình căn phòng đặc biệt này, anh Trần Đỗ Đạt – Phụ trách Phòng giao tiếp tiếng nói của Viện MICA (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, kịch bản phòng thông minh thông qua tiếng nói được xây dựng  theo nguyên tắc thực hiện các chức năng thông minh thông qua yêu cầu của người dùng sử dụng khi thiết lập tương tác người máy ở thiết bị điều khiển trung tâm.
Mô hình căn phòng thông minh bao gồm 5 thiết bị: cửa ra vào, camera, đèn, vô tuyến, điều hòa, có khả năng tương tác hai chiều (nghe/nhận/thực hiện lệnh và trả lời) với người điều khiển bằng tiếng nói tiếng Việt theo phương ngữ chuẩn miền Bắc.
Anh Trần Đỗ Đạt cũng cho biết, mọi thiết bị trong chương trình đều được hỗ trợ điều khiển bằng tay và bằng tiếng nói. Khi muốn điều khiển bằng bàn phím - chuột, người dùng clík trực tiếp vào biểu tượng của thiết bị trên giao diện điều khiển. Lúc này một hộp thoại sẽ mở ra giúp người dùng truy cập được vào các chức năng điều khiển tương ứng với thiết bị đó. Riêng chức năng điều khiển cửa, sẽ chỉ được kích hoạt khi người dùng yêu cầu “mở cửa” bằng tiếng nói và trình thẻ ra vào hợp lệ.
Khi điều khiển bằng tiếng nói, người dùng nói tên thiết bị theo sau bởi lệnh điều khiển, ví dụ: đèn bật, đèn tắt, đèn sáng, đèn tối. Hệ thống nhận dạng sẽ thực hiện nhận dạng câu lệnh và gửi tín hiệu tương ứng với câu lệnh cho hệ thống. Các mô đun đã đăng kí nhận tín hiệu này (mô đun xử lí trung tâm) sẽ nhận tín hiệu này và có xử lí tương ứng.
Căn phòng thông minh này, theo anh Trần Đỗ Đạt là một ứng dụng của công nghệ xử lý tiếng nói. Là 1 trong 5 đơn vị của Việt Nam tham gia nghiên cứu lĩnh vực này, Mica tập trung vào phát triển các ứng dụng tự động hóa có sử dụng tương tác tiếng nói bằng tiếng Việt. Sản phẩm ứng dụng căn phòng giao tiếp bằng tiếng Việt cho đến hiện tại ở Việt Nam mới chỉ có Mica phát triển – anh Đạt cho hay.
Điểm khó khăn nhất để ra được sản phẩm này, theo anh Đạt là làm sao để hệ thống có độ ổn định vì bài toán tương tác giao tiếp có nhiều yếu tố ảnh hưởng. Môi trường bên ngoài có nhiều giọng nói, độ ồn và nhiễu cao hơn, sẽ ảnh hưởng đến độ tin cậy, ổn định của máy. Mica mới giải quyết những giọng nói trong điều kiện tiếng ồn không quá nhiều, 
Anh Đạt cũng cho hay, hiện đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm này, tuy nhiên, để phổ biến ứng dụng này thì phải cần khoảng thời gian 5 năm tới. 
Hải Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.