Phong Lê - Tài năng và nồng hậu

GD&TĐ - “...Bên một con người Phong Lê tỉnh táo, sắc sảo, riết róng đến quyết liệt, còn là một con người của những tâm tình đằm thắm, của những xúc động nồng nhiệt chân thành”...

Chân dung GS Phong Lê.
Chân dung GS Phong Lê.

Một Phong Lê bời bời tài năng

Cùng vui sinh nhật GS Phong Lê tuổi 80 ngày ấy, tôi ngẩn ngơ say với bài thơ Người nông phu chữ nghĩa giàu biểu cảm, đa tình, trọng nghĩa, trọng tài năng mà tác giả Phạm Xuân Nguyên viết tặng ông tại lễ mừng thọ ấm áp do gia đình tổ chức ở nhà hàng bên đường Lạc Long Quân (Hà Nội). Bài thơ chỉ với 40 câu, vậy mà tác giả phác thảo trọn đời một “nông phu” sinh trên đất nghèo, nhọc nhằn như thể phận đời trời định là thế: “Tên anh đã định một con đường/Người cày xới cánh đồng văn chương/Luống cày mở đi từ Hà Tĩnh/Ra Thủ đô và tới nhiều phương...”.

Sau thơ tặng của Phạm Xuân Nguyên là bộc bạch thân tình, ngắn gọn của nhà văn Ma Văn Kháng, lời ngắn ngủn: “Không có Lê Phong Sừ (Phong Lê) thì không có Ma Văn Kháng cho đến hôm nay... Tôi mãi mãi mang ơn ông. Chúc ông mạnh khỏe, hạnh phúc, nhiều thành công”!... Phong Lê bật dậy, choàng lấy Ma Văn Kháng sắc vẻ đồng nghiệp, nghĩa tình đằm thắm, sẻ chia!... Thú thực, lúc ấy tôi chưa hiểu hết hàm nghĩa những lời thế ấy của Ma Văn Kháng. Tôi thiển nghĩ họ đều là những nhà văn tên tuổi đầu đàn, họ bằng vai phải lứa, chênh lắm cũng chỉ dòng trên dòng dưới. Hay, đây là lời xã giao để nâng vị thế của những người làm lý luận phê bình văn học khiến tác phẩm của các anh lan xa, vang xa? Mà vòng vo đâu phải tính cách của Ma Văn Kháng!...

Sau, tình cờ đọc bài Một cốt cách bạn bè của ông đăng trên Tuần báo Văn nghệ xửa xưa (17/5/2008) mới vỡ ra: “Năm 1982, tiểu thuyết Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng viết về cuộc sống và số phận của những người trí thức thời hậu chiến trong những năm đất nước gieo neo vất vả ở bối cảnh trước đổi mới, gây phản ứng quyết liệt trong giới quan chức lãnh đạo ngành xuất bản và văn nghệ. Một vạn ba ngàn cuốn sách mới ra lò theo một mật lệnh phát ra từ đâu đó đắp chiếu im ỉm tại Quốc doanh phát hành sách suốt nửa năm trời...”.

Và rồi, cuộc hội thảo quyết định tinh thần cuốn tiểu thuyết do Viện Văn học và Báo Văn nghệ chủ trì vào ngày 29/9/1983 với sự tham gia của khoảng 30 nhà văn tên tuổi.

Bìa sách Phong Lê - Viết và Viết.

Bìa sách Phong Lê - Viết và Viết.

Phát biểu khai mạc hội thảo là nhà thơ Viện trưởng Hoàng Trung Thông, vốn giàu thiện cảm với Ma Văn Kháng, ấy vậy mà ngay mấy câu mở đầu khai mạc, ông đã thẳng thừng bài bác tiểu thuyết này. Ông nói: “Anh Ma Văn Kháng ạ. Tôi đã đọc 20 trang tiểu thuyết của anh. Tôi thấy nó nói nhiều chuyện cứt với đái quá...”!... Phong Lê đứng phắt dậy, không cần xin phép người điều khiển, đối mặt ngay với người lãnh đạo cao nhất của cuộc hội thảo, dõng dạc: Anh Hoàng Trung Thông ạ, thay vì đọc hai mươi trang, anh hãy dành thì giờ đọc 200 trang tiểu thuyết của anh Ma Văn Kháng đi. Rồi anh sẽ thấy là phải nhận định khác đi đấy!

Nhà thơ họ Hoàng im lặng. Có thể là ông muốn nhún nhường. Có thể là ông đã nhận ra một điều gì đó hệ trọng. Còn anh Phong Lê, với sự xuất hiện đúng lúc và bằng mấy câu nói nọ, vô tình đã nhập vai người đề dẫn, người gieo niềm cảm hứng cho cuộc bàn bạc tiếp theo... Còn tôi, cùng với nỗi cảm kích, một lần nữa lại đã nhận ra một chiều kích khác, tính cách, năng lực bản lĩnh của Phong Lê...”!

Tôi gắn bó với anh Phong Lê, từ độ anh là Tổng Biên tập Tạp chí Văn học. Tôi và anh cùng đắc cử Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa V (tháng 10/1989). Đó là buổi giao thời giữa tư duy cũ và mới rất quyết liệt, nhất là trên văn đàn.

Tôi yêu quý, kính trọng Phong Lê bởi anh luôn chỉ ra cái tiên phong trong các bài lý luận, phê bình gây sóng lớn, nhưng lẽ đúng luôn thuộc về anh. Nói về tài nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, trong cuốn sách quý Đổi mới đọc và bình văn (Nhà xuất bản Hội Nhà văn; 1999), cố GS Đỗ Đức Hiếu, bàn về hai tập tiểu luận Văn học và công cuộc đổi mới, Văn học trong hành trình tinh thần của con người do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhà xuất bản Lao động ấn hành cùng năm 1994, tác giả khẳng định đó là: “Tiếng nói chân thành và tâm huyết” thể hiện qua chân dung nhân vật và suy tư về lý luận văn học.

Tác giả thấu thiết rút ra: “Hai cách viết này đều tập trung vào vấn đề chủ yếu bao trùm và thấm sâu cả 360 trang của hai tác phẩm, là đổi mới văn học, và, với sự hiểu biết rộng, với tâm huyết của mình, anh cố gắng giải quyết hai điểm cơ bản: Đổi mới là gì? Và đổi mới thế nào? Anh đưa ra những ý kiến, những luận điểm (xuất phát từ sự thôi thúc của con người trung thực) của mình, mong được “trao đổi”, “tranh luận”, “sẻ chia” với người đọc, như anh nói trong Lời dẫn quyển Văn học và công cuộc đổi mới. Tiếng nói của anh chân thành là như vậy... Anh mong được “trao đổi, thảo luận, tranh cãi” xung quanh các ý kiến của anh...

GS Đỗ Hiếu, chốt lại bài viết: Tôi trân trọng tấm lòng thiết tha của Phong Lê với văn học Việt Nam “hôm nay”!... Nghề báo, chúng tôi luôn coi “sự thật” là lẽ sống, “dân chủ” là động lực của đổi mới. Khiến tôi thêm lần yêu kính bản tính nghề nghiệp của Phong Lê ngay từ những ngày xa lắc xa lơ ấy!

Phong Lê với các nhà văn: Ma Văn Kháng, Bắc Sơn, Nguyễn Uyển tại lễ mừng thọ tuổi 80 của ông.

Phong Lê với các nhà văn: Ma Văn Kháng, Bắc Sơn, Nguyễn Uyển tại lễ mừng thọ tuổi 80 của ông.

Một Phong Lê nồng hậu tình nghề

Trong cuốn Phong Lê - Viết và Viết... do Lê Hoàng biên soạn, ở phần III: Kỷ niệm với những người thầy và đồng nghiệp, cho in lại các bài viết về những người thầy mà ông trân quý. Chỉ tên bài đã cho ta nhận ra phẩm đức căn cốt nhất ở họ, nào là: Đặng Thai Mai - Bậc thầy lớn của thế hệ chúng tôi; Hoài Thanh - Những năm ở Viện Văn học; Vũ Đức Phúc - Ba mươi năm phê bình, nghiên cứu... Bởi, hơn 50 năm xây dựng Viện Văn học, những tên tuổi kể trên thuộc trong số ít người có công xây nền, đắp móng... Đương nhiên còn có cả Viện trưởng Phong Lê, nhưng ông rất ít nói về mình, cũng như hội họp lớn ông thường ngồi nép mình tận cuối khán phòng...

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của Giáo sư Đặng Thai Mai, với bài viết cực kỳ súc tích, vót vét chỉ 1.000 từ, ấy vậy mà Phong Lê cho người đọc nhận ra diện mạo, phong cách, nhân cách tiêu biểu thuộc thế hệ vàng của văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại.

Tác giả khẳng định: “Với tôi, Đặng Thai Mai trước hết là một học giả uyên thâm trên nhiều lĩnh vực Đông - Tây, kim - cổ... Ông đã để lại cho đời những bộ sách “kinh điển” thuộc các lĩnh vực nghiên cứu, lý luận phê bình, tiêu biểu là tập Văn học khái luận... được xếp vào ô khoa học văn chương, bên cạnh nghệ thuật văn chương; cả hai làm nên diện mạo hiện đại cho văn chương học thuật Việt Nam, sau 30 năm chuẩn bị mà đến với mùa gặt đầu tiên rất ngoạn mục là mùa gặt 1930 - 1945”... Phong Lê chuốt lại: “Viện Văn học đến nay đã 55 tuổi... Trong dàn sáng lập gồm hàng chục tên tuổi sáng giá, Đặng Thai Mai là người lãnh đạo có uy tín cao nhất, bởi ông là hạt nhân của sự đoàn kết và một “sức mạnh tổng hợp”, nhờ đó mà tạo được một vị thế học thuật rộng rãi và tin cậy trong các giới sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy không riêng trên miền Bắc; và cũng không riêng trong cả nước”! Kính lễ, trọng tài năng và công lao của lớp người đi trước, tôi luôn thấy như thể nét tiêu biểu nhất, đặc trưng nhất, như tâm đức vốn dĩ của GS Phong Lê!...

Tôi thích thú với những kỷ niệm đồng nghiệp viết về Phong Lê. PGS Ninh Viết Giao ở Hội Văn nghệ Dân gian Nghệ An, lớn hơn Phong Lê tới 7 tuổi, ấy vậy mà trong bài Với Phong Lê viết vào tháng 3/2008 với biết bao kỷ niệm quê hương, đến khi Phong Lê ra Hà Nội làm việc ở Tạp chí Văn học, rồi Viện Văn học... đều kiếm cớ gặp Phong Lê, người quanh năm “bận việc”, cốt để tiếp cận tri thức, để học hỏi.

Tôi thích thú nhận xét của Ninh Viết Giao: “Phong Lê là người nhân hậu, dễ gần. Chuyện trò với ai, anh không vòng vo, không rào đón, thường đi thẳng vào vấn đề. Bài viết cũng thế, ít mào đầu, ít dẫn dắt câu nói hay ý kiến của người nọ, người kia. Về tư tưởng anh không giáo điều, máy móc, không gàn như một số ông đồ Nghệ thuở xưa, luôn uyển chuyển cho kịp thời thế”! Khi ấy, PGS.TS Tôn Phương Lan (Viện Văn học) đồng nghiệp và lớp hậu sinh của Phong Lê, trong bài Văn - Ấy là người đăng trên Báo Người đại biểu nhân dân, ngày 7/8/2006, cảm nhận về ấn phẩm Người trong văn đã chia sẻ: “Người trong văn là một trong những biểu hiện sinh động cái lực, cái tâm của anh với văn chương và con người vào cái tuổi gần thất thập. Ở đây ngoài tiếng nói tri ân, tri kỷ, ta còn thấy cả tấm lòng biết ơn của anh đối với những gương mặt xiết bao yêu mến, kính trọng...”.

Cái tâm của GS Phong Lê về tài năng của nhà văn Nam Cao thật đáng nể trọng. Đọc bài viết của bà Trần Thị Hồng (con gái cả của Nam Cao) với tiêu đề Những gợi ý ngàn vàng in trong tập Phong Lê - Viết và Viết... thì thật hiếm có nhà văn nào giàu thiện cảm và hành động thấu thiết với Nam Cao và gia đình nhà văn như thế. Cho dù không cùng thế hệ, không đồng hương, chẳng hề có lần gặp nhau, vậy mà chỉ trong vòng hơn mười năm Phong Lê đã vượt hàng trăm cây số mỗi lần, để có mặt tại quê hương và gia đình tới năm, bảy lần mỗi khi có sự kiện liên quan tới nhà văn Nam Cao. Lần nào ông cũng ghé thăm gia đình, thậm chí ăn cơm quê cùng với gia đình, không ăn ở khách sạn theo hội nghị.

Mỗi lần dự sự kiện cũng như đến với gia đình, Phong Lê thường có những gợi ý quan trọng như lập Nhà Tưởng niệm Nam Cao, Khu vườn hiện thực Nam Cao... Ông động viên và gợi ý bà Hồng viết về cha mình, viết về những người thân với Nam Cao. Bà xúc động ghi lại: “Giáo sư Phong Lê đã dạy cho tôi bài học đầu tiên về nghề viết văn. Ông đã khơi gợi cho tôi những cảm hứng, thôi thúc tôi cầm bút ghi lại những kỷ niệm về cha mình và những người thân yêu trong gia đình... giúp tôi bỏ qua mặc cảm tự ti về khả năng và tuổi tác để có được một số bài báo và ra được quyển sách với cái tên Chuyện chưa biết về nhà văn Nam Cao!

Vâng. Đó là Một cốt cách bạn bè của Phong Lê mà nhà văn Ma Văn Kháng đã giãi bày: “...bên một con người Phong Lê tỉnh táo, sắc sảo, riết róng đến quyết liệt, còn là một con người của những tâm tình đằm thắm, của những xúc động nồng nhiệt chân thành... Trò chuyện với anh, nghe anh nói chuyện, diễn giảng trước đám đông không ít lần, thú thật là tôi không thể quên được cái cảm giác nhiều lúc bị cuốn hút vào một trường lực phát tỏa ra từ nội lực anh; một nội lực kết thành từ hai ngọn lửa, một là sức thuyết phục của logic nội tại, một nữa là sự bốc cháy của cơn nhiệt hứng tưng bừng không biết đến vơi cạn”!

Hà Nội, ngày cuối năm 2021

____________________________________

(*) Nhân đọc sách Phong Lê - Viết và Viết do Lê Hoàng chủ biên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.