Mỗi tháng 7 về, nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức biểu diễn để tri ân các thế hệ cha anh đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho nền độc lập, hòa bình của đất nước.
Những năm trước có thể nhắc tới các chương trình nghệ thuật như: “Khúc tráng ca hòa bình”, “Khát vọng hòa bình”, “Giữ trọn lời thề”, “Hoa tháng Bảy”, “Tiếng gọi non sông”, “Vết chân tròn trên cát”, “Bản hùng ca bất diệt”… Năm nay được nối tiếp với: “Tổ quốc ghi công - Viết tiếp câu chuyện hòa bình” (16/7 tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị);
“Giữ trọn lời thề - Bản hùng ca từ nguồn cội” (20/7 tại Khu di tích lịch sử Nha Công an Trung ương, xã Minh Thanh, Tuyên Quang); “Bản hùng ca bất diệt” (dự kiến diễn ra ngày 25/7 tại phường Tam Kỳ, Đà Nẵng); “Lũy đá bất tử” (27/7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội); cùng trong ngày 26/7 có chương trình “Còn mãi với thời gian” (Bảo tàng Hồ Chí Minh) và “Côn Đảo - Bản hùng ca bất tử” (Sân vận động 30/4, đường Nguyễn Huệ, Đặc khu Côn Đảo, TP Hồ Chí Minh)…
Sân khấu cũng sáng đèn với: “Tôi và chúng ta” (kịch, 12/7 tại rạp Công Nhân, Hà Nội); “Còn mãi với thời gian” (cải lương, 26/7 tại Rạp Chuông Vàng, Hà Nội); “Đi cùng năm tháng - Ký ức Trường Sơn” (chương trình xiếc, từ 25 - 27/7 tại Rạp xiếc Trung ương, Hà Nội); cùng ngày 27/7 có hai vở kịch “Lời thề thứ 9” (Nhà hát Tuổi trẻ) và “Đêm trắng” (Nhà hát Kịch Việt Nam)… Ngoài ra, nghệ sĩ trẻ “Sao Mai” Khánh Ly cũng ra mắt MV “Còn mãi với non sông”, tri ân những người lính đã ngã xuống ở Thành cổ Quảng Trị…
Có thể thấy, mỗi chương trình nghệ thuật luôn là lời tri ân sâu sắc được vọng từ trái tim nghệ sĩ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh - những người đã hy sinh và cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, thông qua cách truyền tải bằng cảm xúc của nghệ thuật, mỗi lời ca, tiếng hát, hình tượng được tái hiện, khắc họa… tiếp tục nhắc nhớ cho thế hệ hôm nay về những giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung không chịu khuất phục trước mọi xâm lăng. Đây cũng là dịp để mỗi người cùng tự nhắc mình phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh anh dũng của cha anh.
Và, khi thưởng thức, khán giả không chỉ được nghe, xem, mà còn là được cảm về nốt trầm trong bài ca chiến thắng được các chương trình, vở diễn thể hiện bằng nhiều phương thức cùng góc nhìn đa chiều và sâu sắc. Đó là không ít hy sinh, nỗi đau hậu chiến vẫn lặng lẽ hiển hiện giữa đời thường, nhưng lòng người vẫn luôn sáng, vững một niềm tin vào tương lai.
Vì vậy, tiếng nói tri ân của nghệ thuật không chỉ là sự cổ vũ, động viên, kết nối, mà còn là những thấu hiểu, chia sẻ, mở đường cho tiếng lòng trung nghĩa với Tổ quốc, với nhân dân được cất lên đầy mãnh liệt, tự hào.