Giáo sư Từ Giấy ngày 10/10/1921, là một nhà khoa học lớn, một nhà giáo và một nhà báo lão thành. Ông là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được nhận giải thưởng “Nhà Dinh dưỡng xuất sắc nhất châu Á” (năm 1993), giải thưởng “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng” (năm 2008) và được vinh danh là một trong 20 “Huyền thoại sống của ngành dinh dưỡng thế giới”, đây cũng là đánh giá quy mô toàn cầu hiếm hoi của Ủy ban Dinh dưỡng thuộc Liên hiệp quốc.
Suốt cuộc đời cống hiến cho khoa học, Giáo sư Từ Giấy vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
3 điều về sức khỏe, trí thông minh và sự khôn ngoan
Giáo sư Từ Giấy sinh năm 1921 tại làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, phủ Hà Đông trong một gia đình nghèo và ông mồ côi cha từ nhỏ. Trải qua một tuổi thơ đầy gian nan, vất vả nhưng vốn thông minh ham học, thiếu niên Từ Giấy đã đỗ đầu cuộc thi luận Quốc văn toàn tỉnh Hà Đông khi mới 16 tuổi.
Vẫn còn nhiều câu chuyện được kể về sự kiện trong cuộc đời Giáo sư Từ Giấy vào năm 1936 đó. Rằng trong đề thi của cuộc luận văn do người Pháp tổ chức có câu hỏi: “Nếu cho em ba điều ước, em sẽ ước gì?”. Không mất quá nhiều thời gian, thiếu niên Từ Giấy đã đưa ra câu trả lời ngắn gọn theo tứ tự ưu tiên như sau: “Sức khỏe, trí thông minh và sự khôn ngoan”.
Giải Nhất cuộc thi văn toàn tỉnh Hà Đông nghe kể được 60 đồng bạc Đông Dương. Rất có giá trị vào thời điểm đó khi một tạ gạo chỉ có giá 5 đồng. Nhưng cuộc thi còn mang một ý nghĩa khác, điều ước đầu tiên trong câu trả lời đã gắn chặt với cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư Từ Giấy.
Năm 1943, người con ưu tú của làng Khê Hồi tốt nghiệp tú tài xuất sắc tại Trường Bưởi (Hà Nội) và cũng ngay năm đó thi đỗ vào trường Đại học danh tiếng Y Dược Hà Nội. Cũng cần phải nhắc lại rằng ngày đó, chỉ tiêu trúng tuyển Trường Y Dược chỉ có 200 người, hết năm thứ nhất sàng lọc chỉ còn 40 người, tức là sẽ có đến 160 người không đáp ứng được yêu cầu. Đến năm cuối thường chỉ trụ lại được không quá 10 người.
Vừa bước vào năm học cuối cùng thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra, các trường tạm ngừng hoạt động. Thành công của cuộc cách mạng vĩ đại này thực sự là bước ngoặt quan trọng và có ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp sinh viên y khoa Từ Giấy. Bác sĩ Từ Giấy chính thức khoác áo lính, trở thành Bộ đội cụ Hồ. Ông tham gia quân đội năm 1945, thực hiện nhiệm vụ y sĩ phẫu thuật ở mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa và tham gia phục vụ chiến đấu, bảo vệ sức khỏe bộ đội, nghiên cứu trong quân đội trong 2 cuộc kháng chiến cho tới năm 1980.
Trở lại với 3 điều ước của cậu thiếu niên Từ Giấy. Tháng 6 năm 1946, ông được Quân đội giao nhiệm vụ xuất bản tờ Báo Vui Sống để tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh, phòng bệnh, ăn uống hợp lý cho quân và dân trong hoàn cảnh hết sức khó khăn gian khổ của những năm tháng đầu tiên của nền Dân chủ Cộng hòa. Đó là một giai đoạn có thể lý giải tại sao trong 3 điều ước của Từ Giấy thì sức khỏe lại được xếp đầu tiên.
Trong ký ức của cựu phi công chiến đấu Từ Đễ, con trai trưởng cố Giáo sư Từ Giấy lẽ tất nhiên có nhiều câu chuyện giản dị, xúc động về cha mình. Đơn giản như câu chuyện về ông Lang Khoai, bút danh của Giáo sư Từ Giấy khi làm tờ Vui Sống.
Ông Từ Đễ kể: Chọn một loại khoai làm bút danh là liên quan đến tên gốc của ông cụ nhà tôi cũng là một loại khoai. Khi bố tôi ra đời, các cụ đặt tên là Từ Dáy. Ở làng quê thì Dáy mọc hoang nhiều lắm, nó là một dòng khoai nước, có chất gây ngứa nên không ai ăn loại khoai này cả. Vào những năm đầu thế kỷ 20, đời sống đói khổ, ý thức vệ sinh thấp kém nên cả nghìn đứa trẻ ra đời, qua một năm chỉ còn lại phân nửa. Quan niệm cũ cho rằng do ma quỷ ám hại, bắt đi, nên đứa bé sinh ra thường được đặt tên rất xấu để tránh ma bắt.
Khi ông Dáy vào học trường Tây, do thầy Tây đọc âm Dáy khó nên chuyển thành Giấy cho dễ. Cái tên Từ Giấy có từ lúc đó.
Chuyện cụ Từ Giấy chọn khoai lang làm bút danh Lang Khoai, ông lại gửi gắm một ẩn ý khác. Khoai lang là thực phẩm nông dân, theo quan niệm ở Việt Nam ngày trước, nghèo mới ăn khoai, bữa cơm độn khoai độn sắn. Trong thu hoạch vụ mùa, có khi khoai lang thừa mứa, nông dân không tiêu thụ hết đem vất đi nhưng về dinh dưỡng lại rất bổ.
Ở ngữ nghĩa, Lang Khoai là cách chơi chữ của cụ Từ Giấy. Ngày trước người có khả năng chữa bệnh, được dân gian gọi là thầy lang. Ông Từ Giấy học Tây Y, là bác sĩ, nhưng với dân gian, ông là thầy lang. Từ Lang trong khoai lang được ông đảo lên, cũng hàm ý ông là người thầy thuốc, là bác sĩ. Còn Khoai ngoài chuyện là thực phẩm, còn gợi về sự gần gũi, thân quen, gắn bó với người nhà nông. Lang Khoai có thể hiểu thành ông thầy lang tên Khoai, giản đơn hơn chỉ là củ khoai lang. Một bút danh rất gần, rất quen, nhưng lại chứa đựng sự hóm hỉnh, hài hước. Tên gọi Lang Khoai cũng gắn bó mật thiết với hai nghề ông đang thực hiện và tuyên truyền, chính là nghề y (thầy lang) và nghề dinh dưỡng (củ khoai).
Thế mới thấy Giáo sư Từ Giấy là người giản dị, gần gũi từ những điều rất nhỏ.
Vui sống, nơi tập hợp những bậc kỳ tài cách mạng
Có lẽ trong lĩnh vực báo chí ở Việt Nam hiếm tờ báo nào có lịch sử hoạt động kỳ lạ như tờ Vui Sống, tờ báo mà bác sĩ Từ Giấy vừa là chủ bút, cũng là người thực hiện từ khâu quảng cáo, đặt bài, viết bài, seo giấy, sắp chữ, in báo, phát hành… Xưởng giấy phục vụ in ấn cho tờ Báo Vui Sống cũng do nhà báo Từ Giấy tổ chức, công việc đầy vất vả, từ vận chuyển vỏ cây Dó, giang nứa về làm giấy dưới chân núi Tam Đảo, sau đó tự chế mực, chế bản, tự in ấn bằng máy in tay, kiểm tra bản in, phát hành… mọi công đoạn đều không đơn giản ngay cả trong thời bình. Tất cả vì một mục tiêu giáo dục toàn dân ý thức sống sạch, sống vui ngay trong thời kháng Pháp.
Vui Sống là tờ báo ra đời vào ngày 6/6/1946, lãnh đạo tờ báo là bác sĩ Vũ Văn Cẩn. Bác sĩ Từ Giấy là thư ký tòa soạn, phụ trách thực hiện nội dung. Vui Sống mang mục đích tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng. “Vui” để tìm niềm hạnh phúc, tinh thần lạc quan, xóa đi đói khổ, bệnh tật, lạc hậu bằng phương pháp khoa học, đem lại tinh thần tốt, cơ thể khỏe mạnh để tiếp tục “Sống” thực hiện chí khí cao cả là bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ thành quả nhân dân, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tìm lại tự do cho dân tộc.
Trước ngày báo ra khoảng một tuần, bác sĩ Từ Giấy tổ chức hoạt động truyền thông đầy sáng tạo. Ông thuê xe ngựa 4 bánh, kéo xe là ngựa bạch, người nài ngựa đội mũ sừng trâu, tái hiện hình ảnh Napoleon cưỡi ngựa. Đi theo xe ngựa treo cờ đỏ sao vàng, là các nữ tu (ma-sơ) - dân chúng yêu quý các ma-sơ vì lòng nhân ái và những việc thiện nguyện họ làm cho cộng đồng. Một chi tiết li kỳ là nhân vật Nguyễn Văn Mai, người vô danh, vô gia cư, mồ côi từ nhỏ, được bác sĩ Từ Giấy phát hiện trên đường phố, ông gọi về cho vào vai Napoleon, cưỡi ngựa bạch trong sự kiện quảng bá báo Vui Sống.
Nhắc đến sự kiện tuyên truyền cho Báo Vui Sống, cựu phi công Từ Đễ hồi tưởng: Tôi hình dung ngay thế hệ thanh niên Hà Nội cùng thời bố tôi, họ thật giống các nhân tố làm nên thắng lợi cách mạng với khí thế “quân xanh màu lá dữ oai hùm” của đoàn quân Tây Tiến mà Quang Dũng từng miêu tả. Và gần đây, khi xem tác phẩm điện ảnh Những người khốn khổ (2012) của đạo diễn Tom Hooper, tôi nhận ra những bối cảnh hệt trong sự kiện bố tôi làm quảng cáo cho Báo Vui Sống. Đó là âm vang khí thế thành công của Cách mạng tháng 8, với những thanh niên, trí thức yêu nước nhiệt huyết lãnh đạo cách mạng, thấy ở đó hình ảnh người khốn khổ như cậu bé lang thang Gavroche (trong phim) - chính là ông Mai…
Trong lúc ta đang hòa hoãn với Pháp (Hiệp định sơ bộ 6/03/1946), tuyên truyền tờ Vui Sống bằng việc tôn vinh hình ảnh các giai tầng trong thắng lợi Cách mạng Pháp, cũng chính là cách nhà báo Từ Giấy gửi gắm trong đó ẩn ý: Cách mạng Việt Nam cũng đang được giới tinh hoa, tri thức lãnh đạo, với Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Tạ Quang Bửu… tạo cơ sở vững chắc cho niềm tin vào thắng lợi cách mạng, cho lý tưởng giành độc lập.
Báo Vui Sống được nhà báo Từ Giấy đưa ra bốn tiêu chí cụ thể về nội dung là linh hồn của tờ báo gồm: Viết thật ngắn, thật dễ hiểu, chỉ ra việc làm ngay, và phải vui.
Vui Sống tạo nên sự hấp dẫn, vui cười, góp phần cũng cố tinh thần chiến sĩ. Ngay trong số ra đầu tiên 15/06/1946, bác sĩ Từ Giấy đã viết trong thư gửi bạn đọc: “… Các bạn băn khoăn, lo nghĩ đến cuộc sống ngày một khó khăn, bấp bênh gay gắt… đã làm cho nhiều bạn mất ăn, ất ngủ, sống mất vui. Chính vì lo rằng bạn mất vui mà Vui Sống cố gắng tìm tới bạn, mong giải quyết với bạn một phần nào nỗi băn khoăn ấy…”.
Trong khi quân dân có tỉ lệ mù chữ chiếm khoảng 90%, các bài viết cho Vui Sống thực sự cần chuyên gia đầu ngành mới có thể đáp ứng yếu tố ngắn gọn, dễ hiểu. Để làm được điều đó, thư ký tòa soạn Từ Giấy bằng uy tín và chuyên môn của mình, đã tập hợp được các chí sĩ, tinh hoa Việt Nam theo cách mạng, theo Cụ Hồ, thuộc lĩnh vực chuyên môn y học, khoa học như: Tạ Quang Bửu, Đỗ Tất Lợi, Tôn Thất Tùng, Phạm Khuê, Trương Công Quyền, Hồ Đắc Di, Trần Hữu Nghiệp… cho đến các nhà văn, nhà báo Nguyễn Tuân, Từ Bích Hoàng, Tú Mỡ, Vũ Bằng… nhạc sĩ có Nguyễn Đình Phúc, họa sĩ là Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Trần Văn Cẩn… xây dựng nội dung cho tờ Vui Sống theo tiêu chí ông đề ra để tờ báo đến tay công nông binh, nhân dân, mọi người đều dễ đọc hiểu, ứng dụng, làm theo, trong tinh thần vui tươi, lạc quan.
Một tờ báo cách mạng, ra đời trong hoàn cảnh khó khăn, cùng lúc gánh vác nhiều vai trò lớn gồm khoa học đời sống, văn nghệ, giải trí… thật không dễ, nhưng nhìn vào lực lượng tham gia, có thể thấy sự tổng hợp nhân - chí - sĩ khi ấy đều là đại thụ của ngành. Quy tụ được giới tinh hoa đương thời, chứng tỏ ngoài uy tín, trình độ chuyên môn, còn là khả năng thuyết phục thật tài tình của nhà báo Từ Giấy, nhờ đó mọi vấn đề phức tạp của y học, khoa học, chuyển thành dễ hiểu, gần gũi, vui tươi và hóm hỉnh, nhưng cũng rất chừng mực đúng với trách nhiệm và lí tưởng cách mạng, như lời căn dặn của Bác Hồ với nhà báo Từ Giấy trong chuyến ông đến Việt Bắc chúc thọ người vào ngày 19/05/1950, rằng: “Vui sống vui, nhưng không được tếu”.
Từng số Báo Vui Sống được bác sĩ - nhà báo Từ Giấy chăm chút thực hiện, in lên đến hơn 20 nghìn bản, phục vụ tuyên truyền khắp mặt trận cả nước mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Sự thành công của Báo Vui Sống, định hình một ấn phẩm tuy bàn về sức khỏe, giải trí nhưng ẩn sau đó là tinh thần chống giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm thời kháng Pháp, được cán bộ chiến sĩ và nhân dân mong chờ. Báo được Cục Quân y phát hành đến tận cấp đại đội và các địa phương.
Vui Sống hoạt động được 65 số, từ 1946 - 1952, sau đó, nhà báo Từ Giấy tiếp tục dấn thân vào chiến trận trong vai trò bác sĩ, nhà dinh dưỡng, vệ sinh cho quân đội nhân dân Việt Nam với chiến trận khốc liệt phía trước là đảm bảo sức khỏe, an toàn vệ sinh phòng bệnh cho chiến sĩ tham gia mặt trận Điện Biên Phủ.
Dù chỉ hoạt động vỏn vẹn khoảng gần một thập kỷ, nhưng cùng với báo Sự thật, Cứu Quốc, Vệ Quốc Đoàn, Báo Vui Sống là một trong bốn tờ báo đầu tiên của nước Việt Nam mới và là tờ báo chuyên về sức khỏe ra đời sớm nhất ở nước ta. Có những thời điểm, tờ báo này có số lượng phát hành lên tới 4 vạn bản/ kỳ, một con số mơ ước của loại hình báo in. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội thời đó đã biểu dương Báo Vui Sống như sau: “Tờ báo đã góp phần rất quan trọng trong phổ biến kiến thức phòng bệnh đặc biệt là sốt rét, giữ gìn vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, cải thiện ăn uống để phòng các bệnh thiếu vitamin và các bệnh đường ruột thường làm hao hụt quân số và cách giữ gìn tốt đôi chân trong hành quân đường dài”.
Con người hành động và lời giải vấn đề suy dinh dưỡng
Từ năm 1952, bác sĩ Từ Giấy là Trưởng phòng Phòng bệnh của Cục Quân Y, Trưởng ban phòng bệnh quân đội mặt trận Điện Biên Phủ. Từ năm 1956 đến năm 1961, ông đi tu nghiệp tại Liên Xô.
Ngay khi về nước, ông làm Chủ nhiệm Khoa Vệ sinh quân đội – Học viện Quân y rồi Phó Cục trưởng Cục Quân nhu kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ăn mặc quân đội từ 1961-1966. Ông đã dồn hết tâm sức của mình nghiên cứu vấn đề ăn mặc của quân dân ta. Những nghiên cứu, đề xuất của ông đã góp phần quan trọng vào xây dựng ngành vệ sinh quân đội, ngành quân nhu và ngành dinh dưỡng Việt Nam sau này.
Ý tưởng cải thiện bữa ăn của người Việt Nam đã ấp ủ từ lâu, ông mang theo suốt chiều dài cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc từ chiến dịch Ðiện Biên Phủ lừng lẫy đến cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Những sáng kiến của ông đã đi vào cuộc sống, chiến đấu của bộ đội và còn lưu danh đến giờ, đó là: “Gạo 4 túi”, “Rau rừng”, “Trạm, chế biến thực phẩm ở chiến trường”, “Lương khô N70, N71”… mãi gắn liền với tên tuổi của ông.
Tình trạng thiếu dinh dưỡng ở Việt Nam luôn là một vấn đề trong suốt nhiều thập kỷ chiến tranh nhưng đã trở nên trầm trọng hơn từ cuối những năm 70, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em, khả năng lao động của người lớn, làm nghiêm trọng hơn tác động của các bệnh dịch truyền nhiễm và xa hơn là ảnh hưởng đến tương lai của giống nòi và sự phát triển của đất nước.
Một trong 10 vấn đề nghiên cứu trọng điểm của Nhà nước là Chương trình cải tiến bữa ăn do Giáo sư Từ Giấy làm chủ nhiệm đã lựa chọn khu gang thép Thái Nguyên với quy mô 16.000 công nhân và 30.000 người trong gia đình tham gia để làm thí điểm với các nội dung: Xây dựng hệ sinh thái VAC ở gia đình, ở nhà máy và công ty; xây dựng cơ sở chế biến thực phẩm; xây dựng nhà ăn cơ khí và các bếp ăn tiết kiệm chất đốt; giáo dục kiến thức dinh dưỡng…
Kết quả sau 3 năm triển khai chương trình từ 1977 đến tháng 5/1980, Đảng và Nhà nước đã nhìn thấy tầm quan trọng của chất lượng bữa ăn trong các gia đình Việt Nam. Trên cơ sở thực tiễn đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia ngày 13 tháng 6 năm 1980. Sự ra đời Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã mở ra một trang hoàn toàn mới cho sự phát triển khoa học dinh dưỡng ở Việt Nam cơ bản hơn, bền vững hơn.
Nhận nhiệm vụ Viện trưởng khi đã 59 tuổi, Giáo sư Từ Giấy đã cùng các nhà khoa học tâm huyết xây dựng một Viện Dinh dưỡng như ngày hôm nay. Ông là nhà khoa học tiêu biểu cho quá trình xây dựng và phát triển ngành dinh dưỡng, một huyền thoại của ngành dinh dưỡng Việt Nam và mang tầm thế giới là người Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Trong các năm sau ông làm Chủ nhiệm chương trình Cải tiến bữa ăn (1977-1980) và hai chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước như: 64D-02 “Xây dựng bữa ăn hợp lý cho các lứa tuổi và ngành nghề ở Việt Nam”, 64D - “Cải tiến cơ cấu bữa ăn trong những vùng sinh thái khác nhau”.
Đây đều là những căn cứ khoa học và là cơ sở đầy thuyết phục FAO (Tổ chức Nông lương thế giới) đồng ý viện trợ quốc tế can thiệp khẩn cấp cho trẻ em, bà mẹ Việt Nam mang giá trị rất lớn thời bấy giờ với tổng giá trị 55 triệu USD trong hoàn cảnh đất nước khó khăn thời bao cấp, bị bao vây cấm vận.
Ðó là các dự án PAM 2651, 3844 và nhiều dự án khác nhằm cung cấp cho các bà mẹ có thai, các bà mẹ đang cho con bú và trẻ em suy dinh dưỡng, các dự án về lương thực, thực phẩm…
Đó thực sự là những nguồn lực to lớn, trực tiếp tác động tích cực tới sức khoẻ bà mẹ và trẻ em Việt Nam trong những giai đoạn đất nước khó khăn.
Khi nhắc đến VAC, họ nhớ đến Giáo sư Từ Giấy
Giáo sư Từ Giấy là con người của hành động. Những nghiên cứu khoa học của ông rất thiết thực với con người. Ý tưởng đeo đuổi suốt cuộc đời ông là ứng dụng khoa học dinh dưỡng vào đời sống để giải quyết những vấn đề thực tế của Việt Nam.
Ðề xuất và xây dựng hệ sinh thái Vườn - Ao - Chuồng (VAC) là một trong những đóng góp xuất sắc của ông cho khoa học dinh dưỡng, y tế công cộng cho đất nước trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thực phẩm hộ gia đình, cải thiện bữa ăn và phòng chống suy dinh dưỡng.
Hệ sinh thái VAC đã mang lại hiệu quả về kinh tế, làm sạch môi trường, về dinh dưỡng, sức khỏe và ổn định đời sống xã hội ở nông thôn. VAC thể hiện sự kết hợp khéo léo giữa khoa học dinh dưỡng và giải pháp ứng dụng bằng một ngôn ngữ gần gũi, rất Việt Nam, sâu sắc với đầy đủ ý nghĩa nhân văn của dinh dưỡng và phát triển bền vững.
Sau gần bốn thập kỷ qua mô hình VAC đã góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển nông nghiệp toàn diện; thâm canh; kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt; giữa nông – lâm - ngư nghiệp đến tận hộ gia đình trên toàn quốc. Mô hình VAC với vốn đầu tư thấp, đã giúp cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Nhiều hộ đã từng bước giảm nghèo, có tích lũy và tiến tới làm giàu.
Giáo sư Từ Giấy là một nhà hoạch định đường lối chiến lược dinh dưỡng. Ngày 16/9/1995 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch Hành động Quốc gia về dinh dưỡng (KHDDQG), đây có thể coi là bản tuyên ngôn đầu tiên về đường lối dinh dưỡng ở Việt Nam.
Bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam được Bộ Y tế phê duyệt ngày 19/9/1996 và 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý được Viện Dinh dưỡng soạn thảo và được hội đồng khoa học thông qua là những văn bản cụ thể hóa đường lối dinh dưỡng của Việt Nam.
Cho đến nay đường lối chiến lược dinh dưỡng vẫn được duy trì, đổi mới phù hợp theo từng giai đoạn và triển khai rất hiệu quả như: Cải tiến chất lượng bữa ăn, giảm suy dinh dưỡng nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi; kiểm soát thừa cân béo phì và các bệnh liên quan đến dinh dưỡng; phòng chống thiếu vi chất: thiếu vitamin A, thiếu I-ốt, thiếu sắt,….
Giáo sư Từ Giấy là một nhà khoa học hàng đầu và danh tiếng của ngành dinh dưỡng Việt Nam, là Viện trưởng sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia ngày nay, là người có công đầu trong xây dựng Viện Dinh dưỡng trở thành một viện đầu ngành, có đóng góp thiết thực, to lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Năm 1990, ông là chủ nhiệm đầu tiên của Bộ môn dinh dưỡng an toàn thực phẩm tại Trường Đại học Y Hà Nội. Người có vai trò quan trọng trong lĩnh vực đào tạo dinh dưỡng và thực phẩm cho các bác sỹ, đào tạo trên đại học cho các bác sỹ và cán bộ các ngành có liên quan. Ông có công lớn trong đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng một đội ngũ chuyên ngành dinh dưỡng thực phẩm ngày càng lớn mạnh, được đánh giá cao ở trong và ngoài nước.
Đã có một thế hệ những người khi nhắc đến VAC, họ nhớ đến Giáo sư Từ Giấy trong vai trò của một nhà khoa học, một nhà hoạt động chính sách năng nổ về VAC. Henry Kamm, phóng viên nổi tiếng của tờ New York Times, người từng đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá đã lựa chọn Giáo sư - Anh hùng Lao động Từ Giấy là nhân vật mở đầu chương sách: “Những anh hùng trong thời chiến, người hùng trong thời bình” trong ấn phẩm nổi tiếng về Việt Nam sau cuộc chiến năm 1975.
Tấm gương mẫu mực về tinh thần cống hiến
Ghi nhận những đóng góp lớn lao, những cống hiến xuất sắc ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, Giáo sư Từ Giấy đã được Ðảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý: Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, Huân chương Ðộc lập hạng Nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Ðảng và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác…
Hơn nửa thế kỷ làm khoa học, Giáo sư Từ Giấy đã đóng góp hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị. Ông là chủ biên của 32 đầu sách, trong đó có cuốn tải bản 5 lần rất giàu giá trị về học thuật, thực tiễn trong và ngoài nước.
Cả một cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp khoa học, chăm lo sức khỏe, dinh dưỡng và bữa ăn của người Việt Nam, Giáo sư Từ Giấy thực sự là một tấm gương mẫu mực về tinh thần ham học hỏi, tinh thần cống hiến không biết mệt mỏi vì sự nghiệp chung, một tấm gương chói lọi cho lớp lớp học trò của Ông và con cháu noi theo.