Ông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Ban chấp hành Hội Tim mạch Hoa Kỳ và Hội can thiệp Tim mạch học Hoa Kỳ, Giám đốc Nghiên Cứu Tim mạch Bệnh Viện Methodist. Năm 2007, cuốn sách lâm sàng ấn bản thứ 2 của GS Thạch Nguyễn đã được Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, Tạp chí Phẫu thuật Lồng ngực Hoa Kỳ… đánh giá là “Một la bàn chỉ đường cho các bác sĩ tim mạch ngày nay”.
Đưa lĩnh vực tim mạch can thiệp vào Việt Nam
Theo GS Thạch Nguyễn, trong thời gian học về tim mạch ở TP New York (Mỹ), ông quen nhiều người bạn là thầy thuốc châu Á. Ông từng đến Trung Quốc vào những năm 1992 để dạy các bác sĩ ĐH Y Bắc Kinh phương pháp nong mạch vành. Sau đó một người bạn của ông đặt vấn đề “Vì sao anh tới Trung Quốc mà không về Việt Nam?”.
“Mùa thu năm 1993, một cơn gió lành đưa tôi đến Hà Nội. Nhưng lúc này ở Hà Nội chưa có kỹ thuật chụp mạch nên không làm được gì. Tôi phải đợi đến năm 1997. Phái đoàn Mỹ tới Việt Nam lúc đó rất hùng hậu, có giáo sư Eugene Braunwald - một GS nổi tiếng nhất lúc đó tại Mỹ và cả GS Michael Gibson - bác sĩ tim mạch can thiệp, nhà nghiên cứu tim mạch, nhà giáo dục, người đã đi tiên phong về “giả thuyết động mạch hở” và là nhà nghiên cứu hàng đầu trong các thử nghiệm về thuốc làm tan huyết khối, thuốc hạ lipid máu…” - GS Thạch Nguyễn chia sẻ.
Nhớ về giai đoạn này, ông kể: “Ban đầu chúng tôi định đến Bệnh viện 108, nhưng bệnh viện này lúc đó chưa sẵn sàng nên sau đó đoàn được giới thiệu qua Bệnh viện Bạch Mai. Đây đúng là một cơ duyên. Vì bệnh viện Bạch Mai thời điểm này không bị câu thúc bởi những nhiệm vụ quá lớn. Điều này cũng tương tự chuyện của Bệnh viện ĐH Harvard lúc đó, quá nổi tiếng để có thể mạo hiểm làm điều gì mới. Lúc dạy ở đây, chúng tôi gặp GS Phạm Gia Khải. GS Khải làm tim mạch lâm sàng nhưng GS ấy đã có mối quan tâm từ rất sớm tới tim mạch can thiệp. Nhờ vậy, đến hôm nay, bệnh viện Bạch Mai là nơi hàng đầu ở Việt Nam làm về tim mạch can thiệp…”.
Theo GS Thạch Nguyễn, vào năm 1997-1998, Hà Nội có máy chụp hình mạch nên đoàn mới thực sự bắt tay vào việc được. Đồng thời, bệnh viện Bạch Mai cho biết những gì họ cần cho thực tế điều trị lúc đó như các ca bệnh bị hẹp van hai lá lúc đó rất nhiều do thấp khớp vì người dân sống trong vùng nhiệt đới ẩm thấp.
“Chúng tôi mời một GS rất nổi tiếng lúc đó là GS Ted Feldman, trưởng đơn vị tim mạch can thiệp ở ĐH Chicago, người đã khám phá ra nhiều thủ thuật can thiệp mới. GS Feldman dạy thủ thuật nong van hai lá cho bác sĩ Phạm Mạnh Hùng và Nguyễn Quang Tuấn. Tôi hỏi GS Feldman: phải thực tập trên bao nhiêu ca rồi các bác sĩ Việt Nam mới tự làm được một mình? Ông ấy nói làm khoảng 20 ca. Nhưng đồ nghề mang qua lúc đó chỉ có 5 bóng nong Inoue. Sau hai ca, GS Feldman và tôi lên lầu giảng bài. Bên dưới, bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn mang một bệnh nhân vào tự làm và làm thành công, Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Tôi rất thích câu chuyện này. Các bác sĩ Mỹ rất thán phục, chứng tỏ sự đột phá của các bác sĩ Việt Nam…” - GS Thạch Nguyễn kể.
Dành nhiều tâm sức cho nghiên cứu lâm sàng về tim mạch
Trong quá trình làm việc, GS Thạch Nguyễn dành nhiều tâm sức cho nghiên cứu mang tính chất lâm sàng, cải tiến và thiết yếu đối với lĩnh vực tim mạch. Những nghiên cứu này giúp tìm ra những phương pháp mới để cải thiện các can thiệp về nguy cơ mạch vành… và được đánh giá là cách tiếp cận mang tính sáng tạo, đột phá. Lý do là vì chìa khóa thành công ở Mỹ phải là có những ý tưởng mới, sáng tạo và đột phá.
Mới đây, ông cho rằng, việc phát hiện ra một phương pháp mới để xem xét hình ảnh động mạch vành nghiên cứu chi tiết hình thái, hướng và tương tác của các dòng chảy mạch vành là một khám phá quan trọng. Bởi điều này giúp bác sĩ có thể dự đoán vị trí tổn thương, khi nào sẽ xảy ra, giải thích tại sao tổn thương xảy ra ở đây mà không phải ở kia. Đồng thời, khi chúng ta biết được nguyên nhân hay cơ chế của bệnh thì chúng ta mới có cách điều trị hoặc phòng tránh hữu hiệu.
“Trong lĩnh vực tim mạch, một nghiên cứu mới, một cái máy mới hay một thủ thuật mới sẽ cũ trong vòng 6 tháng và sẽ có một cái mới khác thay thế. Vì đó là khoa học, tiến triển, thay đổi rất nhanh. Nên những khám phá của tôi giờ không còn áp dụng nữa. Cần phải nhìn nhận rất thực tế và khiêm nhường điều này. Nhiều khám phá mới sáng tạo của các bác sĩ Mỹ, Nhật lúc đó bây giờ là lạc hậu rồi, vì khoa học tiến rất nhanh. Sách của tôi năm 2007-2010 là best-seller, nhưng bây giờ không còn thời thượng nữa, vì rất nhiều cái mới xảy ra rồi. Nếu sách in đã lỗi thời thì giao diện tiếp xúc mới cho lớp trẻ là internet. Đây là lý do tại sao tôi tập trung vào giao tiếp trên nền tảng trực tuyến và internet. - GS Thạch Nguyễn chia sẻ.
Một chuyện mà theo ông là rất vui. Nhiều năm sau lần ông tới Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu hỏi ông vì sao không tiếp tục về Hà Nội thường xuyên nữa? Ông nói: “Tất cả những gì hay nhất tôi đã dạy rồi, giờ tôi không còn gì mới để dạy thêm”. Các bác sĩ trẻ ngày trước làm việc tới ông nay đều là những người rất thành đạt, giữ những vị trí quan trọng ở nhiều đơn vị y tế. Tuy nhiên để giữ được sự tôn trọng và quý mến từ các bác sĩ bạn hay đồng nghiệp ở Việt Nam, Trung Quốc hay Mỹ hay Âu Châu, tôi phải làm nghiên cứu để đưa ra những ý tưởng mới cho y khoa.
GS Thạch Nguyễn cho biết, nghiên cứu mới nhất của ông là về thủy động học trong lĩnh vực tim mạch, truy về nguyên nhân căn bệnh tim mạch. “Ngày 15/11/2021, năm sinh viên Y của ĐH Tân Tạo sẽ báo cáo ở Hội Nghị Khoa học hàng năm của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) ở Boston. Một báo cáo được tạp chí chuyên ngành Tăng huyết áp (Hypertension) đề nghị đăng trước toàn bài. Tôi muốn trình bày những dữ liệu của báo cáo đó đầu tiên ở Việt Nam để sau này ngành tim mạch Việt Nam được ghi nhận là nơi đầu tiên công bố nghiên cứu mới này, vì có thể đó sẽ là một khám phá mới làm thay đổi cách BS tim mạch chữa bệnh” - ông chia sẻ.
Phát biểu trước sinh viên khoa y khi họ bắt đầu hành trình học ngành y, ông chào đón họ tới “một hành trình khám phá đặc biệt cả về cơ thể và tâm trí con người”, để “bảo vệ và mang lại lợi ích cho cuộc sống con người”. Nhưng ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng: “Với tư cách là nhà khoa học, các bác sĩ không chỉ cần đưa ra các giải pháp điều trị mà còn phải thay đổi cách suy nghĩ và làm thay đổi cách suy nghĩ, tham gia cuộc chiến chống lại nhiều khuôn mẫu xã hội lỗi thời và thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, không tập thể dục hoặc chế độ ăn uống nhiều cholesterol. Hôm nay tôi không muốn nói về quá khứ vì hiện tại và tương lai của y học Việt Nam vẫn quyến rũ và quan trọng hơn..”..