Phòng GD&ĐT Yên Dũng (Bắc Giang): Sinh hoạt chuyên môn theo hình thức trực tuyến

GD&TĐ- Những năm gần đây, CNTT và sự phát triển của Internet mở ra một kho kiến thức đa dạng, phong phú cho người học, người dạy, giúp cho việc tìm hiểu kiến thức đơn giản hơn rất nhiều, cải thiện chất lượng học và dạy.

Ban giám hiệu và giáo viên Tin học trường Tiểu học Thị trấn Tân An chuẩn bị thiết bị kết nối với điểm cầu chính vào sáng ngày 22/01/2021
Ban giám hiệu và giáo viên Tin học trường Tiểu học Thị trấn Tân An chuẩn bị thiết bị kết nối với điểm cầu chính vào sáng ngày 22/01/2021

Công nghệ thông tin thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp con người tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian. Từ đó con người phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức và tư duy. Chương trình giáo dục mở giúp con người trao đổi và tìm kiếm kiến thức một cách hiệu quả. Đi kèm với giáo dục mở là tài nguyên học liệu mở, giúp người học, người dạy kết nối với kiến thức hiệu quả dù họ ở đâu và trong khoảng thời gian nào. Tài nguyên học liệu mở là một xu hướng phát triển tất yếu của nền giáo dục hiện đại.

Nếu như trước đây, việc tiếp thu kiến thức được cung cấp từ sách vở và giáo viên thì hiện nay, nguồn kiến thức đa dạng này được cung cấp trực tuyến qua kết nối internet. Người thầy chủ yếu là người truyền thu kiến thức. Điều này đóng một vai trò to lớn trong quá trình đổi mới giáo dục. Đổi mới giáo dục phải chuyển nền giáo dục từ chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học, bằng cách giúp người học phương pháp tiếp cận và cách tự học, cách giải quyết vấn đề. Việc truyền thụ, cung cấp kiến thức, dần dần sẽ do công nghệ thông tin đảm nhận, giải phóng người thầy khỏi sự thiếu hụt thời gian, để người thầy có thể tập trung giúp học sinh phương pháp tiếp cận và giải quyết vấn đề, tổ chức các hoạt động học tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực của học sinh.

Công nghệ thông tin tạo điều kiện cho người học có thể học tập và tiếp thu kiến thức một cách linh động và thuận tiện. Mọi người có thể tự học ở mọi lúc, mọi nơi, có thể tham gia thảo luận một vấn đề mà mỗi người đang ở cách xa nhau, góp phần tạo ra xã hội học tập,  người học có thể học tập suốt đời.

Có lẽ cũng bởi vì thấy được những giá trị to lớn mà CNTT đem lại trong quá trình dạy và học nên Sở Giáo dục & Đào tạo Bắc Giang đã định hướng phát huy hơn nữa vai trò của CNTT. Điều này được thể hiện rõ thông qua phát biểu của đồng chí Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang “Chuyển đổi số trong giáo dục thúc đẩy học tập suốt đời”.

Do đó Sở GD & ĐT Bắc Giang đã chỉ đạo sinh hoạt chuyên môn (SHCM) trực tuyến nhằm giúp cho việc SHCM được diễn ra trực tiếp trên diện rộng và truyền tải nhanh. Đây là điều hoàn toàn mới mẻ và mang tính sáng tạo, đột phá. Trước đó, năm học 2019 – 2020 với sự xuất hiện của dịch Covid 19, trên khắp cả nước nói chung và nhiều trường học thuộc tỉnh Bắc giang nói riêng đã triển khai việc dạy học trực tuyến, họp trực tuyến.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do lần đầu tiên các thầy cô giáo, các phụ huynh và các học sinh tiếp cận đến hình thức dạy học này. Nhưng sau một thời gian học hỏi và tìm hiểu, các thầy cô giáo, các phụ huynh và học sinh đã có thể thực hiện được và ít nhiều đã mang lại hiệu quả nhất định, được phụ huynh, học sinh, và xã hội nhiệt tình hưởng ứng và tham gia.

Dù rằng trong quá trình dạy học trực tuyến còn xảy ra nhiều vấn đề khó khăn như lỗi mạng, giáo viên khó kiểm soát được việc học của học sinh song nó cũng là bước ngoặt lớn trong tư duy, nhận thức và đã mở ra cho giáo viên, cho học sinh nâng tầm hiểu biết và tiếp cận đến một chương trình chuyển đổi số trong giáo dục để thay đổi nhận thức của giáo viên như mong muốn, định hướng của Bộ Giáo dục & Đào tạo nói chung và Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang nói riêng.

Bắt nguồn từ những lí do trên, ngày 22 tháng 01 năm 2021 vừa qua, Phòng Giáo dục & đào tạo Yên Dũng, dưới sự chỉ đạo của Sở Giáo dục & Đào tạo Bắc Giang và trực tiếp là đồng chí Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Tiểu học, đồng chí Vũ Trí Ngư – Phó Trưởng phòng Tiểu học Sở GD & ĐT Bắc Giang đã về chỉ đạo và tham gia buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến trong toàn huyện Yên Dũng.

Đây cũng là buổi sinh hoạt chuyên môn đặc biệt nhất mà tôi đã từng được tham dự trong suốt hơn 28 năm trong ngành giáo dục. Nó đặc biệt bởi một buổi sinh hoạt với một phạm vi rộng lớn với gần 1000 giáo viên có thể tham gia. Điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có được. Chúng tôi đã được quan sát, được trao đổi và học hỏi rất nhiều về kinh nghiệm và phương pháp dạy học của người dạy, của các đơn vị bạn và của lãnh đạo Phòng GD & ĐT, lãnh đạo Sở GD & ĐT.

Buổi sinh hoạt chuyên môn này diễn ra với điểm cầu chính tại trường Tiểu học Thị trấn Nham Biền số 1 cùng với 20 điểm cầu khác trong toàn huyện. Chúng tôi được dự giờ bài học “Sự biến đổi hóa học” - Môn khoa học lớp 5 do cô Đặng Thị Quỳnh – Giáo viên trường Tiểu học Thị trấn Nham Biền số 1 thực hiện.  Chúng tôi đã quan sát được toàn bộ hoạt động của giáo viên và học sinh trong bài học đó dưới các góc của máy quay do trường tôi bố trí 4 máy tính có thể kết nối với điểm cầu chính và mỗi máy tính sẽ quan sát ở một góc độ để từ đó có thể quan sát được toàn cảnh của lớp học.

Đồng thời nhà trường đã đầu tư một camera ghi hình được toàn bộ không gian phòng dự SHCM của giáo viên toàn trường. Để có được buổi sinh hoạt chuyên môn với chất lượng hình ảnh, âm thanh và đường truyền tốt như vậy là nhờ vào quá trình chuẩn bị nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo Sở GD &ĐT, lãnh đạo Phòng GD & ĐT, Ban giám hiệu, giáo viên bộ môn Tin học các nhà trường.

Đúng 13 giờ 45 phút bài học chính thức bắt đầu. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến sẽ thành công bởi khi đó đã có 100% các trường tham dự với thời gian không lệch so với quy định. Có được điều này là nhờ vào việc các nhà trường đã tiến hành củng cố, bổ sung các thiết bị và trực tiếp chỉ đạo, tham gia một số buổi kết nối thử, làm thử  trước đó.

Bài học bắt đầu cũng là lúc toàn thể giáo viên trong nhà trường chăm chú quan sát, dõi theo từng cử chỉ, hành động, thái độ học tập của các em học sinh trong lớp học. Chúng tôi bị thu hút vào bài học một cách tự nhiên như chính mình đang có mặt trực tiếp ở trong lớp học đó. Tôi cảm nhận được một thái độ làm việc nghiêm túc từ tất cả các thành viên tham dự buổi sinh hoạt chuyên môn hôm đó qua các hình ảnh từ các điểm cầu và qua việc trực tiếp tham gia dự giờ học của các đồng chí lãnh đạo, lãnh đạo Sở GD & ĐT, Phòng GD & ĐT.

Chúng tôi quan sát và lựa chọn những chi tiết, hình ảnh của học sinh để phân tích bài học. Các hình ảnh có thể chụp hoặc ghi lại trực tiếp trên máy tính hoặc bằng phương tiện điện thoại cá nhân. Ai nấy đều chăm chú và có những cảm nhận riêng, lựa chọn riêng của mình và ghi lại những khoảnh khắc về hoạt động học tập của học sinh. Tất cả đều sẵn sàng cho một mục tiêu phân tích bài học để từ đó tự mình rút ra được những điều cần thiết nhằm vận dụng và thực hiện vào bài giảng của mình sao cho linh hoạt, hướng tới việc dạy học đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh chứ không chỉ chú trọng cung cấp kiến thức như trước đây.

Riêng tôi nhận thấy trong giờ học này các em học sinh đã chủ động học tập ngay từ giây phút ban đầu nhờ vào việc giáo viên nêu vấn đề rất phù hợp vừa sức với học sinh đồng thời cũng phát huy được sự chủ động, tích cực, sáng tạo của học sinh. Với câu hỏi “làm thế nào để làm biến đổi tờ giấy” đã kích thích tư duy của các em và lôi cuốn các em vào hoạt động tìm tòi khám phá. Yêu cầu này giúp các em vừa tái hiện được kiến thức cũ vừa hình thành và phát hiện được kiến thức mới. Học sinh thực hiện được các cách như vò, xé, đốt giấy. Thông qua các cách làm của học sinh, giáo viên đã giúp các em phân tích, nhận xét để thấy được sự biến đổi của tờ giấy sau khi đốt khiến tờ giấy trở thành một chất khác. Điều đó đã giúp học sinh phát hiện được được kiến thức mới một cách dễ dàng, tự nhiên.

Học sinh thực hiện làm biến đổi tờ giấy bằng cách đốt tờ giấy
Học sinh thực hiện làm biến đổi tờ giấy bằng cách đốt tờ giấy

Sau khi hiểu được thế nào là sự biến đổi hóa học, các em học sinh đã phát hiện và nêu được các ví dụ về sự biến đổi hóa học. Chẳng hạn như ví dụ về cơm để lâu bị thiu. Các em cũng đã có những trao đổi, chia sẻ sâu với các câu hỏi vì sao cơm thiu? Nguyên nhân nào…? Tại sao….?

Để khắc sâu kiến thức, hiểu biết về sự biến đổi hóa học, giáo viên tiếp tục cho học sinh tiến hành làm một số thí nghiệm và ghi chép lại kết quả. Hoạt động này thực sự lôi cuốn các em và phát triển được năng lực cũng như phẩm chất của các em.  

Học sinh chăm chú, tích cực thực hành thí nghiệm
Học sinh chăm chú, tích cực thực hành thí nghiệm

Sau thời gian thực hành thí nghiệm, các em đã phân tích, đánh giá và phân biệt sự biến đổi lí học và sự biến đổi hóa học trong các thí nghiệm. Kết thúc bài học, các em học sinh được chứng kiến một thí nghiệm để thấy việc ứng dụng sự biến đổi hóa học trong hoạt động tình báo với bức thư mật viết bằng nước chanh và dưới tác dụng của nhiệt bằng việc hơ giấy trên lửa làm cho hiện lên nội dung của tài liệu.

Thí nghiệm thành công cũng là lúc bài học kết thúc. Lúc này chúng tôi có 30 phút để chuẩn bị cho phần trao đổi, phân tích bài học. Đây là nội dung quan trọng và là trọng tâm của buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến lần này. Mỗi trường học đều khẩn trương chuẩn bị hình ảnh, video để đưa ra các phân tích cụ thể cho từng hoạt động học của học sinh trong giờ học.

Sau 30 phút, quá trình trao đổi bắt đầu. Trường Tiểu học Thị trấn Tân An của chúng tôi được vinh dự chia sẻ đầu tiên. Chúng tôi đã có được những hình ảnh và phân tích cụ thể từ việc đánh giá xây dựng mục tiêu bài học của giáo viên. Đó là giáo viên đã xây dựng được mục tiêu theo định hướng phát triển năng lực của học sinh theo các mức độ biết, hiểu, vận dụng.

Điều này được thể hiện qua các từ có trong mục tiêu như: nêu, phân biệt, làm thí nghiệm. Việc tìm hiểu, xác định mục tiêu của bài học là vô cùng quan trọng trong mỗi bài học của giáo viên. Do đó việc đánh giá phân tích giờ học cũng cần phân tích được mục tiêu của bài học đã đảm bảo hay chưa. Từ đó mới xác định được giờ học đạt ở mức độ như thế nào.

Đây là điều mà xưa nay và kể cả hiện nay vẫn còn nhiều nhà trường, nhiều giáo viên chưa mấy quan tâm, chú ý mà thay vào đó chỉ chú ý đến hoạt động dạy – học của giáo viên và học sinh trong giờ học. Có thể sau sự chia sẻ của trường tôi cũng giúp cho một số trường bạn và các giáo viên có cái nhìn mới về việc phân tích bài học với việc quan tâm đến mục tiêu của bài học. Ngược lại, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều thông qua sự chia sẻ của các trường bạn. Đó là sự chia sẻ của các đồng chí giáo viên trường Tiểu học Nham Biền số 1, Trường Tiểu học Lãng Sơn, trường Tiểu học Đồng Phúc, …

Mỗi một chia sẻ, một phân tích đều mang lại cho chúng tôi những bài học giá trị về đổi mới phương pháp dạy học. Nhưng có lẽ chia sẻ ấn tượng và sâu sắc nhất của buổi SHCM hôm ấy chính là những chia sẻ của đồng chí Vũ Trí Ngư và đồng chí Hà Huy Giáp.

Từng câu nói, từng phân tích của đồng chí Vũ Trí Ngư về bài học làm cho tôi thật thấm thía và quả thực thấy đồng tình với những suy nghĩ và những gợi ý của đồng chí nhằm giúp giáo viên biết chủ động lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức sao cho hiệu quả nhất, đảm bảo được mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tôi nhớ mãi lời của đồng chí chia sẻ: “Các câu hỏi của giáo viên rất hay nhưng khi giáo viên gọi học sinh trả lời ngay là rất lãng phí. Học sinh cần phải viết ra giấy.  Từ đó mới nảy sinh khó khăn, học sinh mới được suy nghĩ, được trao đổi, được thảo luận, được hợp tác, được giúp đỡ lẫn nhau. Khi đó học sinh mới có cơ hội để hình thành năng lực và phẩm chất.

Yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là phát triển toàn diện về kiến thức, kĩ năng, năng lực và phẩm chất nên chúng ta phải tận dụng từng tình huống trong dạy học.  Nếu muốn các em hình thành được cả năng lực và phẩm chất thì không thể dễ dàng cũng không thể làm nhanh do đó các thầy cô cần phải lựa chọn thật khéo, phải suy nghĩ trước khi dạy là chúng ta sẽ lựa chọn tình huống nào, biết giảm bỏ những thứ không cần thiết và lựa chọn bao nhiêu thí nghiệm để có thể giải quyết được mục tiêu cần đạt”.

Chỉ với một chia sẻ ngắn của đồng chí mà tôi và chắc hẳn các đồng chí khác cũng thấu hiểu sâu sắc điều đồng chí muốn nói và việc chúng tôi cần vận dụng vào quá trình dạy học của mình. Lời chia sẻ của đồng chí tuy ngắn gọn mà dễ hiểu, dễ nghe và dễ thuyết phục. Bản thân tôi rất tán thành và xác định rõ hơn mình cần phải làm gì và sẽ làm gì để giúp cho việc dạy học nhằm phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh qua mỗi tình huống, mỗi hoạt động dạy học.

Giáo viên các điểm cầu chuẩn bị trao đổi phân tích bài học
Giáo viên các điểm cầu chuẩn bị trao đổi phân tích bài học

Cùng với sự chia sẻ của đồng chí Vũ Trí Ngư, chúng tôi còn được lắng nghe sự chia sẻ của đồng chí Hà Huy Giáp – Trưởng phòng Tiểu học Sở GD & ĐT Bắc Giang về mục tiêu, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giáo dục. Đặc biệt đồng chí định hướng từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong giáo dục.

Bước đầu tiên là sinh hoạt chuyên môn trực tuyến, tiếp theo sẽ giao bài cho học sinh trên hệ thống Microsoft teams, rồi xây dựng hệ thống trường học thông minh, giáo dục thông minhbđể đồng bộ với việc dạy học trực tuyến, chuyển đổi hình thức sinh hoạt chuyên môn, hội họp, các thông tin, điều hành, quản lý về dạy học, giáo dục. định hướng cho phép giáo viên sử dụng giáo án soạn trên máy tính đối với cấp Tiểu học để hướng đến bài soạn chất lượng.

Bên cạnh những lời chia sẻ về định hướng chuyển đổi số trong giáo dục, đồng chí cũng nêu những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện. Đó là việc dạy học trực tuyến sẽ mất thời gian, khó quan sát được ở các điểm cầu khác cũng như quan sát được thái độ, việc học của học sinh, sẽ khó khăn khi nhận xét học sinh. Trong quá trình SHCM trực tuyến có khi còn nhiều người muốn nói nhưng không nói được vì không có thời gian, không kết nối nhanh,…

Đây cũng chính là những điều mà chúng tôi đã thấy rất rõ trong thời gian tiến hành dạy học trực tuyến cho học sinh thời điểm bùng phát dịch covid 19 năm học  2019 – 2020. Điều này cho thấy đồng chí rất thấu hiểu những ưu điểm cũng như những mặt còn hạn chế trong quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.

Đồng chí Vũ Trí Ngư trao đổi, chia sẻ trong buổi sinh hoạt chuyên môn
Đồng chí Vũ Trí Ngư trao đổi, chia sẻ trong buổi sinh hoạt chuyên môn

Nghe những lời đồng chí chia sẻ, tôi hiểu được rằng từ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục một chặng đường dạy học mới với nhiều thử thách đòi hỏi mỗi giáo viên chúng tôi phải không ngừng cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, đặc biệt là việc tiếp cận trình độ kĩ thật ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Đây là một bước tiến mới trong quá trình dạy học nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của thời đại mà chúng tôi phải là một mắt xích trong guồng quay của nó và không cho phép một ai tụt lại phía sau.

Phần cuối của buổi sinh hoạt chuyên môn các đồng đồng chí lãnh đạo Phòng GD & ĐT, Sở GD & ĐT cùng các nhà trường trao đổi những vấn đề còn vướng mắc hay còn khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đối với lớp 1 và mọi vấn đề cần giải quyết. Đây cũng là điều mà không buổi sinh hoạt chuyên môn nào trước đây có thể làm được.

Đồng chí Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Tiểu họcchia sẻ trong buổi sinh hoạt chuyên môn
Đồng chí Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Tiểu họcchia sẻ trong buổi sinh hoạt chuyên môn

Buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến của Phòng Giáo dục & Đào tạo Yên Dũng đã khép lại nhưng nó mở ra cho mỗi giáo viên một cái nhìn mới, một nhận thức mới và một tương lai mới trong quá trình dạy học tiếp theo. Hi vọng rằng, mỗi người giáo viên thuộc Phòng giáo dục Yên Dũng nói riêng và cả nước nói chung sẽ đủ bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục của Bộ Giáo dục & Đào tạo nhằm đạt được mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện để phát triển đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.