Chuyển đổi số trong Giáo dục: Rộng mở không gian học tập

GD&TĐ - Ngành Giáo dục có bước phát triển ấn tượng trong chuyển đổi số trong những năm vừa qua. Hiện, 100% trường học từ mầm non đến đại học dùng phần mềm quản lý trường học.

Chuyển đổi số của ngành Giáo dục thông qua hình thức dạy trực tuyến, dạy học qua truyền hình đã phát huy hiệu quả. Ảnh minh họa
Chuyển đổi số của ngành Giáo dục thông qua hình thức dạy trực tuyến, dạy học qua truyền hình đã phát huy hiệu quả. Ảnh minh họa

Chuyển đổi số đã mở ra hướng đi mới, với không gian học tập và nền giáo dục mở, hướng tới chất lượng tốt, chi phí thấp và người dân tiếp cận dễ dàng.

Thích ứng môi trường “số hóa” 

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), đại dịch  Covid-19 bùng phát, với phương châm “tạm dừng đến trường, nhưng không ngừng học”, các nhà trường nhanh chóng chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến. Nhờ đó, toàn ngành đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên trước đại dịch. 

Cụ thể, 80% trường phổ thông áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, 240 cơ sở đào tạo đại học đào tạo online theo các mức độ khác nhau; trong đó, 79 cơ sở tổ chức quản lý và dạy học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến. Việc ứng dụng hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) có khả năng quản lý được quá trình tổ chức dạy - học, kiểm tra đánh giá trực tuyến cũng được nhiều trường phổ thông áp dụng. Trên tinh thần đó, giáo viên và học sinh thích ứng môi trường học tập số hóa và sẽ đẩy mạnh áp dụng trong thời gian tới.

Bên cạnh dạy học trực tuyến, các trường tích cực số hóa quy trình nghiệp vụ và thông tin quản lý giáo dục như: Quản lý quá trình học tập, rèn luyện học sinh; quản lý thời khóa biểu, đội ngũ, tài chính, cơ sở vật chất, ứng dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, kết nối gia đình với nhà trường qua Internet...

Chuyển đổi số mở ra không gian học tập mở, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi.
Chuyển đổi số mở ra không gian học tập mở, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Nhu cầu tự thân của trường ĐH

Tại các cơ sở giáo dục đại học, chuyển đổi số đã, đang được chú trọng và trở thành nhu cầu tự thân. PGS.TS Nguyễn Minh Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP Hồ Chí Minh cho biết: Nhờ hệ thống đào tạo trực tuyến nên khi đại dịch Covid – 19 bùng phát, nhà trường vẫn duy trì kế hoạch học tập, tiến độ đào tạo được bảo đảm. Năm 2021 và trong tương lai, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đào tạo trực tuyến và phát triển các khóa học online phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người học. Cùng với đó, nhà trường chú trọng đào tạo từ xa, áp dụng hệ thống LMS trong đào tạo chính quy. Các chương trình, bài giảng của giảng viên đều qua hệ thống này để cung cấp tài liệu, hướng dẫn và tương tác với sinh viên trong quá trình đào tạo.

Theo GS Phạm Hồng Quang – Giám đốc ĐH Thái Nguyên, các trường thành viên đã triển khai mạnh mẽ đào tạo trực tuyến và đạt kết quả tốt. “Dựa vào tiềm năng của đại học và các trường thành viên, chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt nội dung này” - GS Phạm Hồng Quang nói, đồng thời chia sẻ: Đại học Thái Nguyên có trung tâm học liệu lớn, kết nối với các trường. Hiện số hóa được 70.000 giáo trình (tương đương 80%); 100% luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ được số hóa. Điều đó cho thấy, khả năng chuyển đổi số trong giáo dục đại học hoàn toàn có thể thực hiện được.

Nhấn mạnh, chuyển đổi số trong giáo dục đại học đã đạt được một số kết quả khích lệ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) viện dẫn, 100% cơ sở giáo dục đại học triển khai phần mềm quản lý đào tạo; sinh viên đăng ký học tín chỉ qua mạng. Ngoài ra, các dịch vụ thông tin được cung cấp trực tuyến. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19, các cơ sở đã tổ chức thực hiện hướng dẫn dạy - học trực tuyến. Nhiều cơ sở đẩy mạnh phát triển hệ thống LMS và tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực giảng viên và sinh viên theo hình thức online. Công tác tuyển sinh được công khai thông tin trên cổng thông tin; website của cơ sở giáo dục đại học. Thí sinh làm thủ tục đăng ký và thay đổi nguyện vọng thực hiện theo phương thức trực tuyến; việc công khai kết quả tuyển sinh, xét tuyển và phần mềm lọc ảo cũng được thực hiện trên nền tảng công nghệ số.

Giảng viên Trường ĐH Mở Hà Nội dạy trực tuyến tại Studio.
Giảng viên Trường ĐH Mở Hà Nội dạy trực tuyến tại Studio.

Tiếp tục thực hiện chuyển đổi số 

Báo cáo tại Hội thảo Chuyển đổi số trong GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, ngành Giáo dục tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong  GD-ĐT. Theo đó, Bộ sẽ chú trọng triển khai 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT, trong đó tập trung vào một số nội dung: Rà soát, ban hành các văn bản quy định về cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu GD-ĐT; hoàn thiện, tích hợp dữ liệu thiết yếu của các bậc học và kết nối liên thông với dữ liệu quốc gia; đồng thời mở chuẩn kết nối, tạo điều kiện cho các bên tham gia phát triển nền tảng và ứng dụng; khai thác các công cụ phân tích dữ liệu để nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng quản trị, quản lý giáo dục.

Phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số. Theo đó, cộng đồng cùng đóng góp và xây dựng khai thác kho học liệu số; đồng thời tăng cường các hình thức kết hợp, khuyến khích các mô hình thử nghiệm như: Lớp học, trường học thông minh… Ngoài ra, rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện; đặc biệt là tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức, phương pháp dạy học của giáo viên.

Xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; trọng tâm là xây dựng khung kỹ năng số tương thích với các chuẩn phổ biến trên thế giới. Cùng với đó, triển khai qua môn Tin học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và các hoạt động phát triển kỹ năng số của học sinh; đồng thời triển khai các giải pháp công nghệ nhằm đánh giá và nâng cao kỹ năng số của học sinh. Mặt khác, xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, cách học tốt nhất là tự học qua trải nghiệm, học qua sử dụng.

Phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Bộ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế và chính sách thúc đẩy tăng quy mô và chất lượng đào tạo; khuyến khích trường mở các ngành mới; phát triển chương trình đào tạo liên ngành, xuyên ngành. Tận dụng các công nghệ để đào tạo nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số; đồng thời tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tế nghề nghiệp và gắn đào tạo trình độ cao với phát triển khoa học, công nghệ.

Theo báo cáo của Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT),100% các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT đã triển khai hệ thống website giáo dục, thư điện tử dùng riêng và văn bản điện tử tới các đơn vị trực thuộc theo từng mức độ; trên 60% sở GD&ĐT triển khai hệ thống họp, hội thảo, tập huấn chuyên môn theo hình thức trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.