Một số thiết bị trong số này tính năng được miêu tả như: “Tai nghe siêu nhỏ kỹ thuật số dùng nghe lén, chơi bài, thi cử”, “camera 4G iPhone chụp đề rõ nét và tai nghe”, “camera 4G siêu nhỏ chụp ảnh đề thi siêu nét”... Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Cục phó Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) thông tin, năm 2021, lực lượng công an cũng phát hiện một vụ gian lận bằng thiết bị công nghệ cao với thiết bị đa dạng, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện bằng mắt thường.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT có tính chất quan trọng. Kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, nhưng số lượng lớn thí sinh đồng thời sử dụng kết quả này để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Hành vi gian lận thi cử luôn là nỗi lo của những người làm nhiệm vụ tổ chức thi. Mặc dù những năm gần đây, số thí sinh vi phạm quy chế thi giảm dần, nhưng chúng ta không thể chủ quan; bởi với sự phát triển của công nghệ, các hành vi gian lận dự liệu ngày càng phức tạp, tinh vi. Những người trực tiếp phát hiện vi phạm là cán bộ coi thi cần được tập huấn, cập nhật những thiết bị có thể dùng để gian lận. Điều này không hề dễ dàng, do đó càng cần hơn bao giờ hết tinh thần trách nhiệm của thầy cô được giao trọng trách ở mỗi phòng thi.
Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, cán bộ làm thi tại nhiều địa phương đã trực tiếp được lực lượng công an tập huấn, chia sẻ về cách nhận diện các thiết bị, cũng như hành vi vi phạm. Một cán bộ trường THPT sau tập huấn đã thực sự bất ngờ khi số lượng thiết bị quá phong phú, tinh vi. Vị này nhắc đến điện thoại di động giấu trong vỏ máy tính; tai nghe siêu nhỏ gắn sim, không dây; mắt kính gắn camera siêu nhỏ; chiếc bút được thiết kế để có thể chụp ảnh đề thi truyền ra ngoài hay tai nghe không dây để nghe được lời giải từ bên ngoài…
Ngoài ra, một số thiết bị được ngụy trang, sử dụng khéo léo như chìa khóa ô tô, xe máy. Đối tượng cũng có thể dùng thiết bị giống như thẻ ATM (kèm thêm sim, tai nghe siêu nhỏ), rất khó phát hiện. Loại đồng hồ thông minh có màn hình cảm ứng, hiển thị được file hình ảnh, văn bản cũng mới được một số thí sinh sử dụng thời gian gần đây trong phòng thi…
Bên cạnh nhận biết thiết bị, nhiều cán bộ coi thi có kinh nghiệm cũng cho biết chỉ cần tinh ý quan sát là có thể đoán được ai có ý định gian lận. Đơn cử, thí sinh quần áo kín đáo, mặc áo khoác, áo dài tay, khăn và một số trang sức khác; hay quan sát giám thị, có biểu hiện đọc thầm, thường xuyên xem đồng hồ, rà đề thi trước mắt kính... Trong điều kiện còn ảnh hưởng của dịch bệnh, khẩu trang cũng là vật dụng cần lưu ý vì thí sinh có thể lợi dụng để gắn thiết bị.
Quy chế thi đã có những quy định chặt chẽ để hạn chế tối đa gian lận thi cử. Quy định mới phải bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu, vật dụng bị cấm chính nhằm ngăn chặn điều này. Tuy nhiên, ý thức của từng cá nhân mới là yếu tố quyết định. Bởi thế, quan trọng nhất vẫn là làm sao để thí sinh nắm chắc quy định, hiểu rõ hậu quả xảy ra nếu vi phạm. Mức xử lý khi mang vật dụng trái phép vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ là đình chỉ thi, hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó. Việc tìm cách đưa đề thi ra ngoài còn bị coi là làm lộ bí mật Nhà nước và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.