Giải pháp tối ưu phòng ngừa gian lận thi tốt nghiệp THPT bằng thiết bị công nghệ cao

GD&TĐ - Phòng ngừa để hạn chế thấp nhất gian lận, đặc biệt là gian lận bằng thiết bị công nghệ cao là nội dung được quan tâm trao đổi tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sáng 8/6.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị.

Cách ly thiết bị trung gian

Theo quy định tại hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trưởng điểm thi phải bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi theo quy định tại Quy chế thi.

Liên quan đến thực hiện quy định trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho rằng Hà Nội gặp khó khăn khi triển khai; nhiều điểm thi không bố trí được phòng đủ diện tích và điều kiện thực hiện nội dung này. Ông Trần Thế Cương đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội chủ động có phương án thực hiện để bảo đảm an toàn nhất và tránh gây khó khăn cho thí sinh.

Đại diện Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của tỉnh Lai Châu cũng cho biết gặp khó khăn khi bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét vì  một số điểm thi cơ sở vật chất chật hẹp. Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thì cho rằng: Với những địa phương có đông thí sinh dự thi như TP Hồ Chí Minh, quy định này thực hiện có khó khăn. Số lượng thí sinh ở mỗi điểm thi rất lớn; nếu đưa vật dụng của thí sinh vào các phòng tập trung sẽ rất khó khăn cho các em trong việc lấy các vật dụng của mình sau môn thi buổi sáng để chuẩn bị cho bài thi buổi chiều.

Một số địa phương cho biết dù có chút khó khăn thực hiện quy định trên, nhưng vẫn có giải pháp khắc phục. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết phương án của địa phương là bố trí các thùng đựng, tập trung ở địa điểm bảo đảm cách phòng thi tối thiểu 25 mét theo quy định, bảo đảm thí sinh không mang vật dụng trái với quy định của Quy chế vào phòng thi.

Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục A05, Bộ Công an - Ủy viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, quy định bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi giúp hạn chế xảy ra gian lận thi cử sử dụng công nghệ cao.

Thí sinh vi phạm thường sử dụng camera dạng cúc áo và điện thoại chính là thiết bị trung gian được sử dụng để đối tượng bên ngoài điều khiển, kết nối với thí sinh thực hiện hành vi vi phạm. Qua rà soát trên thị trường, cơ bản các thiết bị phát sóng cơ bản trong khoảng từ 20-25m. “Nhưng công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách này có thể xa hơn, nên chúng tôi khuyến nghị nơi bảo quản thiết bị của thí sinh để càng xa càng tốt” - Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Vương Ánh Dương phát biểu tại Hội nghị.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Vương Ánh Dương phát biểu tại Hội nghị.

Linh hoạt quy định đeo khẩu trang trong phòng thi

Vấn đề có cho thí sinh đeo khẩu trang trong phòng thi hay không cũng được một số địa phương đề cập và đặt ra lo ngại thí sinh sẽ lợi dụng việc đeo khẩu trang để mang vào phòng thi thiết bị nhằm gian lận thi cử.

Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 ở Thanh Hóa bày tỏ băn khoăn về việc thí sinh có thể thay khẩu trang khi vào phòng thi. Còn theo đại diện đến từ Hà Tĩnh, dù công tác chống gian lận trong thi cử, trong đó có gian lận từ việc được đeo khẩu trang đã được tập huấn, lưu ý cho cán bộ coi thi trên địa bàn tỉnh, nhưng Hà Tĩnh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn về việc thí sinh có phải thay khẩu trang trước khi vào phòng thi hay không.

Đại diện Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT của Đà Nẵng cũng nêu những băn khoăn về việc đeo khẩu trang của thí sinh trong thi và đề xuất yêu cầu không sử dụng khẩu trang có van thở vì dễ gắn thiết bị công nghệ sử dụng để gian lận.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cũng cho rằng các thiết bị camera giấu kín có thể có hình thức rất nhỏ, thí sinh có ý định vi phạm có thể lợi dụng khẩu trang để giấu thiết bị này. Giải pháp ngăn ngừa chính là cách ly thiết bị trung gian. Quy định bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 mét để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi là nhằm thực hiện điều này.

Về những băn khoăn của các địa phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Vương Ánh Dương cho biết, theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế thì đối tượng F0, F1 bắt buộc đeo khẩu trang.

Ngoài ra, hiện chúng ta vẫn thực hiện quy định 5K, nên địa phương vẫn yêu cầu thí sinh phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên quan điểm của Bộ Y tế là các địa phương có thể thực hiện linh hoạt, khi thí sinh vào phòng thi thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Bởi trong phòng thi, các thí sinh không được phép trao đổi và đã bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét.

“Riêng với phòng thi có F0, chắc chắn thí sinh F0 phải đeo khẩu trang y tế; cán bộ coi thi phải bảo đảm các phương tiện phòng hộ theo quy định.” - ông Vương Ánh Dương nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Đặng Khắc Bình (thứ 4 từ phải sang) chụp hình kỷ niệm cùng học trò. Ảnh: NVCC

Vần thơ xanh thầm

GD&TĐ - Khi tôi viết những dòng này thì thầy đang phải vận lộn chiến đấu để chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác.