Sát ngày thi THPT quốc gia 2019, thị trường “đen” mua bán các thiết bị gian lận công nghệ cao trở nên sôi động, nhộn nhịp. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm, trang bị cho mình những thiết bị tinh vi, giúp thực hiện các hành vi “quay cóp”.
Từ những chiếc bút bi gắn camera siêu nhỏ, đến những tai nghe hình hạt đậu, điện thoại truyền tin dưới dạng thẻ ATM… Qua mỗi năm các thiết bị này lại được nâng đời, tích hợp nhiều tính năng, dưới nhiều hình dạng, mẫu mã mới nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Hàng "thửa riêng"
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, các đối tượng mua bán loại thiết bị này hoạt động rất tinh vi. Các địa chỉ quảng cáo trên các trang mua bán trực tuyến, đều là địa chỉ “ma”, các giao dịch chủ yếu được thực hiện online.
Thủ đoạn giao dịch của nhóm đối tượng này rất tinh vi, kín lẽ nên rất khó bị phát hiện.
Khách mua hàng chuyển khoản trước, hàng sẽ được vận chuyển đến tận tay người mua thông qua một đơn vị giao hàng trung gian. Khi bị phát hiện, các đối tượng này lập tức thay đổi địa điểm chứa hàng, số điện thoại giao dịch. Bằng cách thức hoạt động này, các cơ quan chức năng rất khó phát hiện, triệt phá.
Bộ thiết bị gian lận công nghệ cao dùng để thi trắc nghiệm.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhóm phóng viên Dân trí thâm nhập một cơ sở chuyên cung cấp các thiết bị gian lận cao, siêu tinh vi ở Hà Nội. Qua điện thoại, người này quảng cáo: “Hàng nhà em là hàng độc quyền, có đủ loại được thiết kế riêng chỉ phục vụ cho sỹ tử mùa thi”. Tuy nhiên, khi ngỏ lời mua số lượng lớn, muốn xem trực tiếp, các đối tượng tỏ ra thận trọng, chỉ thông báo ngắn gọn: “Sẽ liên hệ lại sau” rồi cúp máy.
Khoảng 2 giờ chiều, ngày 15/6 trước ngày thi khoảng 10 ngày, một nam thanh niên chủ động liên hệ với phóng viên, hẹn điểm giao dịch trực tiếp. Đầu tiên, người bán này cung cấp địa chỉ tại một quán cà phê trên đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Khi phóng viên đã đến điểm hẹn, nam thanh niên này lại bất ngờ đổi địa điểm sang khu vực Mỹ Đình. Tại đây, một người đàn ông chừng 30 tuổi, tay xăm trổ đứng chờ sẵn tiếp tục dẫn phóng viên đi vòng vèo, đến một xóm trọ ở Mễ Trì (Quận Nam Từ Liêm). Điểm giao dịch là căn phòng nằm trên tầng 3, rộng khoảng 30m2. Bên trong có các tủ kính bày biện rất nhiều đồ thiết bị quay tinh vi.
Công nghệ quay cóp siêu tinh vi
Khi phóng viên bước vào, cửa phòng lập tức khóa. Quá trình giao dịch, luôn có các đối tượng cảnh giới bên ngoài. Một thanh niên chừng 25 tuổi cho biết: “Hàng lậu, cấm bán nên phải thận trọng trong giao dịch”.
Nói rồi người này đưa ra một bộ thiết bị “tự chế” quảng cáo là hàng đang “hot” nhất trên thị trường chuyên dùng cho thi trắc nghiệm.
“Chỉ cần hai người quen nhau, cùng mã đề. Người này làm xong, bấm phím thiết bị cho người kia biết. Ví dụ câu 1 đáp án là A, bấm một lần, là thiết bị của người kia sẽ rung lên báo hiệu. Cực kỳ đơn giản mà rất khó phát hiện”, người này quảng cáo.
Để minh chứng “công hiệu”, nam thanh niên này đưa cho phóng viên thiết bị rung, để nhét dưới đáy giày. Thiết bị còn lại để trong túi quần mình. Mỗi lần nam thanh niên thao tác bấm thiết bị, phóng viên nhanh chóng bắt được tín hiệu mà người bên cạnh không thể hay biết. Giá của bộ “công nghệ gian lận” này khoảng 1 triệu, “nếu mua nhiều sẽ bớt”.
“Nếu hai thí sinh cùng phòng thi sử dụng thiết bị gian lận này, rất dễ “nhắc bài” nhau theo các tín hiệu đã thỏa thuận trước. Bộ này giờ đang hot, bán chạy lắm”, người này nói.
Ngỏ ý muốn lấy thêm một bộ thiết bị tinh vi hơn, có thể hỗ trợ giải đề tự luận, nam thanh niên này lập tức lấy ra một bộ “đặc chế”, quảng cáo là “hiện đại nhất thị trường hiện nay” chuyên dùng cho các kỳ thi quan trọng.
Theo quan sát, bộ sản phẩm gồm 1 tai nghe siêu nhỏ hình hạt đậu, camera 4G hình cúc áo chuyên dùng chụp chữ viết.
Thiết bị được kết nối với điện thoại có thể cài trước ngực, nhét trong tay áo người viết. Cứ 3 – 5 giây, máy ảnh trên nút áo sẽ tự động chụp hình đề thi mà thí sinh giả vờ để trước mặt để đọc.
Máy chụp ảnh xong, truyền dữ liệu về máy của người trợ giúp ở nhà. Khi giải đề xong, người ở ngoài sẽ tắt chức năng chụp hình của máy ảnh thông qua bộ điều khiển, sau đó đọc lời giải cho thí sinh, qua chiếc tai nghe siêu nhỏ đủ cho một người nghe.
Nam thanh niên này giới thiệu, khi mua, khách sẽ được tặng thêm một bộ cúc hình dạng giống đầu mắt camera, thay thế hàng cúc trên áo phông, hoặc sơ mi tạo sự đồng bộ. Với cách ngụy trang này, người bán khẳng định “cực kỳ an toàn”, “rất khó phát hiện”. Thậm chí, rất nhiều người mua đã “quay cóp” trót lọt mà không ai biết.
Đầu mối bán hàng này cũng cho hay, nếu không mua có thể thuê thiết bị gian lận theo ngày với giá 350 nghìn đồng/ ngày.
Theo các chuyên gia, đối với các thiết bị gian lận công nghệ cao, không dây cán bộ coi thi sẽ rất khó phát hiện. Từ năm 2015 đến năm 2018, phòng PC50 - Công an Hà Nội đã tra phát hiện hơn 10 vụ việc, thu giữ 263 bộ thiết bị siêu nhỏ dùng để gian lận thi cử. Đây là thủ đoạn quay cóp rất tinh vi, cực kỳ nguy hiểm rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, triệt phá.