Dạy bằng lý thuyết
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 370.000 trẻ em bị tai nạn, thương tích. Riêng năm 2022, dù chỉ mới tháng 5 nhưng đã có nhiều vụ đuối nước thương tâm liên tiếp xảy ra.
Hoạt động dạy học bơi trong nhà trường đã được quan tâm chỉ đạo từ sớm. Ngày 5/2/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chỉ sau đó hơn 3 tháng, Thủ tướng tiếp tục ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.
Sau giai đoạn này, Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 được tiếp nối, ban hành kèm theo Quyết định số 1248/QĐ-TTgCP ngày 19/7/2021. Cũng trong năm 2021, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4501/QĐ-BGDĐT Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, thực tế triển khai từ cơ sở giáo dục còn vô vàn khó khăn. Trong đó khó khăn thường gặp nhất là thiếu hồ bơi để triển khai hoạt động dạy học bơi trong nhà trường.
Là vùng sông nước, ngành Giáo dục huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long luôn quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường triển khai, tuyên truyền đến học sinh, phụ huynh về phòng chống đuối nước đối với học sinh, trẻ em thông qua các văn bản từ Trung ương, tỉnh, huyện, ngành Giáo dục…; đặc biệt là trong mùa hè, nước lớn, triều cường dâng. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Sinh hoạt dưới cờ, chuyên đề, ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, tiết dạy thực hành môn Giáo dục thể chất, tờ rơi, panô, áp phích...
Qua đó phần nào giúp học sinh, phụ huynh có thêm kỹ năng, nhận thức đúng đắn về công tác phòng chống đuối nước để có giải pháp quản lý con em, tránh những vụ đuối nước thương tâm. “Trong khoảng 2 năm gần đây, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 2 vụ đuối nước đối với học sinh”, ông Lê Hữu Hùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Ôn chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng thừa nhận, việc triển khai dạy học bơi cho học sinh trong nhà trường còn khó khăn. Hầu hết cơ sở giáo dục không có hồ bơi nên việc tập huấn, hoặc tổ chức các lớp dạy bơi gặp rất nhiều rào cản. Học sinh chỉ được tuyên truyền, giáo dục bằng lý thuyết và thị phạm bằng mô hình. Toàn huyện có 6 hồ bơi do tư nhân đầu tư. Học sinh chỉ học được vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật, tốn nhiều thời gian đi lại, trong khi đó đa phần phụ huynh đều phải đi làm để bảo đảm cuộc sống. Vì vậy, đa phần gia đình chưa sắp xếp được công việc để đưa các em tham gia các lớp dạy bơi.
Tại Trường THCS Phú Long (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), theo thầy Hiệu trưởng Phan Lê Huy, nhà trường đã có những giải pháp khuyến khích học sinh học bơi, trong đó có việc quy đổi điểm kiểm tra thường xuyên khi các em hoàn thành khóa bơi; có đội tuyển bơi tham gia Hội khỏe Phù Đổng… Tuy nhiên, còn một số phụ huynh chưa quan tâm với nhiều lý do như: Học sinh mắc bệnh mãn tính, sợ nước; gia đình con một nên sợ nguy hiểm khi học bơi… Nhưng khó khăn lớn nhất là nhà trường không có hồ bơi nên phải hợp đồng với hồ bơi ở xa trường. Cùng với đó, nhà trường phải có sự đồng ý của phụ huynh thì học sinh mới có thể đăng ký học...
Tương tự, Trường Tiểu học và THCS Ea Trol (huyện Sông Hinh, Phú Yên) cũng không thể triển khai dạy bơi cho học sinh ở hai cấp học dù giáo viên Thể dục của trường đã có chứng chỉ, được tập huấn dạy bơi. Khó khăn, vướng mắc lớn nhất là cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt là không có hồ để dạy bơi. Thầy Phó Hiệu trưởng Lê Xuân Thiều cho rằng: Để dạy học bơi hiệu quả, nhà trường cần xây dựng hồ bơi, đầu tư các trang thiết bị theo đúng quy định. “Hàng năm, trường vẫn phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã truyền thông về tai nạn thương tích và phòng chống đuối nước cho học sinh; bên cạnh đó đề nghị phòng GD&ĐT tranh thủ các nguồn đầu tư để xây dựng bể bơi cho trường”, thầy Lê Xuân Thiều cho biết.
Chương trình mang tính chất ngoại khóa
Theo cô Hồ Thị Diệp Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Hòa (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), việc dạy học bơi trong trường tiểu học trên địa bàn được thực hiện trên cơ sở đăng ký tự nguyện của học sinh và học vào buổi 2. Từ thực tế, cô Trinh nhìn nhận: Vướng mắc lớn của việc phổ cập bơi lội cho học sinh tiểu học là chương trình bơi lội còn mang tính chất ngoại khóa. Học sinh đăng ký tự nguyện và một số trường học 1 buổi thì không tổ chức được các buổi học buổi 2. Bên cạnh đó, các trường học cũng chưa có điều kiện về đội ngũ, bể bơi để tổ chức dạy trong trường. Để tổ chức hiệu quả hoạt động này, nhất là ở tiểu học, cần đưa bơi lội vào chương trình thể dục chính khóa, bắt buộc học sinh phải tham gia; đồng thời tạo điều kiện để các trường liên hệ hợp đồng với trung tâm đủ điều kiện để dạy cho học sinh.
Tại huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), chia sẻ của đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT, trong những năm gần đây, ngành GD-ĐT huyện luôn quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai dạy học kỹ năng sống, đặc biệt quan tâm tổ chức dạy bơi cho học sinh. Bởi hầu hết các cơ sở giáo dục của huyện đều nằm dọc theo bờ sông Đà, hoặc là địa bàn có hồ, ao lớn, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, mất an toàn cho trẻ.
Hàng năm, để đảm bảo an toàn cho học sinh, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến với cha, mẹ học sinh và nhân dân các biện pháp an toàn phòng, chống đuối nước, tổ chức dạy bơi cho học sinh. Đồng thời, cử giáo viên tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng về tổ chức dạy bơi. Đến nay, hầu hết giáo viên thể dục của huyện đều có chứng chỉ dạy bơi theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế công tác tổ chức dạy bơi của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn, kết quả thu được chưa được như kỳ vọng, một số đơn vị chưa tổ chức được việc dạy bơi cho học sinh.
“Chủ trương dạy bơi cho học sinh được lãnh đạo huyện, ngành Giáo dục quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên trên thực tế, công tác dạy bơi cho học sinh của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Việc dạy bơi cho trẻ chưa phải là chương trình bắt buộc, chủ yếu là do cơ sở giáo dục tuyên truyền, phổ biến và đưa vào nội dung dạy học ngoại khóa, dạy học tự chọn hoặc có sự thỏa thuận với cha, mẹ học sinh. Do đó, số lượng học sinh tham gia học bơi chưa nhiều, chưa phủ rộng ở tất cả cơ sở giáo dục” - đại diện lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Thanh Thủy trăn trở.
Ngoài ra, khó khăn của dạy học bơi, theo vị này còn bởi thiếu thốn về cơ sở vật chất. Toàn huyện mới có 2/55 cơ sở giáo dục có bể bơi và các công trình phụ trợ đảm bảo điều kiện tối thiểu để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Các cơ sở giáo dục còn lại chủ yếu là liên kết, phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ có bể bơi trên địa bàn để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy bơi cho trẻ…
Vướng mắc lớn nhất là kinh phí
Đây là điều được ông Lê Hữu Hùng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trà Ôn, nhấn mạnh khi nói về khó khăn của hoạt động dạy học bơi. Theo ông Hùng, khi xây dựng thì không có trường nào được đầu tư hồ bơi nên việc phổ cập bơi cho học sinh bậc tiểu học và THCS đến nay vẫn chưa thực hiện được. Mặc dù, nhu cầu học bơi của học sinh hiện nay rất nhiều, nhưng phụ huynh không đủ điều kiện về thời gian để tham gia các lớp bơi do tư nhân tổ chức. Hơn nữa, Trà Ôn là huyện thuộc vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long, diện tích khá rộng, có 14 xã thị trấn nhưng chỉ có 6 hồ bơi tư nhân là quá ít, không tạo được điều kiện thuận lợi để các em tham gia học bơi.
Khắc phục khó khăn trên, ông Lê Hữu Hùng cho biết: Giải pháp của ngành Giáo dục huyện là khoanh vùng các trường lân cận có hồ bơi tư nhân, chỉ đạo các trường thực hiện công tác xã hội hóa để thuê bể bơi và thực hiện dạy bơi cho học sinh, tăng cường công tác quản lý, tuyệt đối đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình học. Trong mỗi buổi học bơi, ngoài giáo viên dạy bơi còn có giáo viên chủ nhiệm tham gia quản lý học sinh; Ban giám hiệu, huấn luyện viên, nhân viên y tế thường xuyên trực. Cùng với đó, phòng GD&ĐT phối hợp với phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện tham mưu với sở Lao động - Thương Binh và Xã hội mở các lớp dạy bơi trong hè cho học sinh tiểu học. Trung bình mỗi năm tổ chức được 8 lớp bơi cho khoảng 300 học sinh. Phối hợp, vận động doanh nghiệp có bể bơi hỗ trợ các trường miễn phí sử dụng bể bơi dạy cho học sinh hoặc giảm tiền thuê mướn để bớt phần nào vấn đề kinh phí.
“Chúng tôi sẽ đề xuất với UBND huyện lắp bể bơi thông minh đặt tại các trường học để thuận tiện cho việc dạy bơi cho học sinh. So với việc xây dựng bể bơi cố định, phương án này vừa tiết kiệm lại vừa an toàn cho học sinh. Ngoài ra, hàng năm phòng GD&ĐT đều phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện tổ chức giải bơi cho học sinh các bậc học. Qua đó, khơi gợi niềm đam mê luyện tập bơi trong học sinh, tạo sự lan tỏa về giáo dục kỹ năng và tuyên truyền phòng chống đuối nước trong trường học. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục trực thuộc tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước kỳ nghỉ hè”, ông Lê Hữu Hùng chia sẻ.