Điều này cho thấy giáo dục phòng, chống bạo lực học đường (BLHĐ) đang cần sự đổi mới, bám sát thực tế từ nhà trường, gia đình, xã hội.
Quyết liệt với giáo dục phòng, chống
Cô Hoàng Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân, chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội rồi hẹn giải quyết, đánh nhau ngoài trường học. Do xuất phát từ mạng xã hội nên hầu hết xích mích thường diễn ra giữa học sinh khác lớp, khác trường nên nhà trường, gia đình khó có thể kiểm soát hết.
Trước thực trạng này, Trường Hà Huy Tập đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống BLHĐ trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép nội dung vào môn học; tăng cường kỹ năng giáo tiếp trên mạng xã hội… Bên cạnh đó, nhà trường còn chủ động “lọc” những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt (bố mẹ ly hôn, ở với ông bà, cô chú… không có người quản lý giám sát gần gũi, giáo dục uốn nắn thường xuyên) để chú ý lắng nghe, chia sẻ.
“Do mức độ nguy hiểm của BLHĐ ngày càng tăng nên công tác giáo dục phòng, chống cần có những nội dung tư vấn sát sườn, phù hợp. Không thể mãi tuyên truyền, giáo dục tư vấn theo cách chạy theo số đông, đại trà. Phải tùy hoàn cảnh, lứa tuổi để có phương pháp phù hợp. Giáo dục phòng, chống BLHĐ trong nhà trường phải mất tâm sức, thời gian chứ không thể làm vài buổi cho có, cho xong nhiệm vụ....”, cô Thanh trao đổi.
Tại Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội), hoạt động tuyên truyền, phòng chống BLHĐ được tổ tư vấn tâm lý học đường đảm trách chính, nhưng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu… cũng tham gia kiêm nhiệm. Đặc biệt, gần đây, trong bối cảnh BLHĐ xuất hiện nhiều, thể hiện sự manh động, liều lĩnh của học trò, nhà trường đã mời Đoàn Luật sư Hà Nội về trao đổi, tuyên truyền, tư vấn, giáo dục pháp luật với học trò. Trong đó, nội dung phòng chống BLHĐ được đẩy mạnh. Thậm chí, thời điểm học online, công tác tư vấn, tuyên truyền giáo dục phòng, chống BLHĐ vẫn được nhà trường tiến hành trực tuyến cho từng lớp.
Cô Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: Cách làm này đã phát huy hiệu quả. Được trực tiếp trao đổi với luật sư có chuyên môn sâu về pháp luật đã tác động mạnh đến nhận thức của các em.
Từ cách làm phù hợp, sự quyết tâm trong giáo dục phòng, chống BLHĐ nên 5 năm qua học sinh của trường không liên quan hoặc không xảy ra tình trạng BLHĐ trong và ngoài trường học. Công tác giáo dục pháp luật được nhà trường đẩy mạnh và mang tính chủ động để ngăn chặn từ sớm, chứ không chạy theo giải quyết sự vụ.
Khi dịch chưa xảy ra, Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) đã triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa, sân khấu hóa về phòng chống BLHĐ trong các tiết sinh hoạt dưới cờ, chuyên đề... Các tình huống dẫn tới BLHĐ (trên mạng và môi trường học tập) được phân tích, tuyên truyền giáo dục tự nhiên, nhẹ nhàng. Khi dịch bệnh xảy ra không thể tập trung học trò, hoạt động tuyên truyền giáo dục phòng chống BLHĐ được chuyển về theo từng nhóm, lớp.
Quá trình tham gia hoạt động phòng, chống BLHĐ, cô Phạm Thị Thu Phương - Bí thư Đoàn trường, Tổ trưởng Tổ Tư vấn tâm lý nhận thấy những năm gần đây BLHĐ chủ yếu phát sinh từ mâu thuẫn trên mạng xã hội. Do đó, cô đã chủ động tham gia vào các nhóm kín của học sinh để quan sát, nắm bắt thực tế, từ đó đưa ra biện pháp tư vấn, giáo dục, hạn chế, đẩy lùi BLHĐ.
Cũng từ quan sát theo sát thực tế, diễn biến tâm lý học sinh, cô Phương chủ động xây dựng các nội dung tuyên truyền giáo dục phòng, chống BLHĐ để lồng ghép vào môn học, giờ sinh hoạt phù hợp nhất.
Cần giải pháp tổng thể
Theo cô Hoàng Thị Thanh, BLHĐ nói chung và bạo lực trong học sinh nữ có xu hướng phát triển cả về tính chất nguy hiểm lẫn số vụ việc. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bạo lực học sinh nữ như ganh nhau câu nói trên mạng, mặc bộ quần áo “nổi” hơn, cùng quan tâm đến 1 bạn nam, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng kiềm chế cảm xúc…
Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Bạo lực trong học sinh nữ ngày càng nhiều bởi các em đang bị xâm nhiễm bởi những bộ phim, trò chơi điện tử có nhân vật, hình mẫu nữ mang tính bạo lực, mạnh mẽ, giải quyết được mọi vấn đề không kém gì nam giới.
Mặt khác, nhiều học sinh nữ sống trong cảnh bố mẹ ly dị, mẹ nắm quyền hành, xử lý điều hành mọi vấn đề, mẹ quát tháo thậm chí bạo lực với con cái, người cha không có vai trò trong gia đình…
Để hạn chế, giải quyết tình trạng BLHĐ nói chung, bạo lực trong học sinh nữ nói riêng, PGS.TS Trần Thanh Nam chỉ ra: Các biện pháp phòng, chống BLHĐ phải là một hệ thống đồng bộ. Làm sao để trong sạch, hạn chế bạo lực ở tất cả môi trường mà học trò đang sống (môi trường mạng, học đường, gia đình…). Thầy cô, cha mẹ cần là tấm gương, hình mẫu không bạo lực cho những đứa trẻ.
Mặt khác, hầu hết các vụ bạo lực đều xuất phát từ xích mích nhỏ nhặt nhưng lại không được xử lý, hỗ trợ kịp thời nên dẫn tới bùng phát trở thành các vụ bạo lực nghiêm trọng. Như vậy các dịch vụ để phòng chống bạo lực cần được kích hoạt và hỗ trợ tích cực.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng lưu ý vấn đề, tổn thương sức khỏe tâm thần của học trò cần được chăm sóc bởi đằng sau nhiều vụ BLHĐ là sự ấm ức, tổn thương tinh thần. Do đó khi xích mích nhỏ với học sinh đều có thể trở thành cơn bùng phát bạo lực. Học sinh càng chịu áp lực, tổn thương tinh thần… càng dễ bị bùng phát và trở thành bạo lực nghiêm trọng.
Một vấn đề được cảnh báo đó là học sinh cũng đang thiếu và yếu nhiều kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc, vượt khó, chịu đựng sự ấm ức… do bố mẹ ít thời gian hướng dẫn giáo dục, không làm gương cho con. Ngoài ra, môi trường mạng đang tràn ngập những tin giả, mang tính chất âm mưu, thù địch sau một hành động cụ thể cũng tác động xấu tới học sinh. Những thông tin này đang làm thay đổi thế giới quan, nhãn quan của trẻ và từ đó dẫn đến những hành động bạo lực.