Để phòng ngừa, các nhà trường không ngừng nâng cao đạo đức, kỹ năng sư phạm cho nhà giáo.
“Loại” bạo lực học đường từ người thầy
Cô Vũ Thị Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) - trao đổi: Dịch bệnh dài ngày ảnh hưởng tới tâm lý, thay đổi thói quen học tập của học sinh. Do đó, một trong những việc khi đón các em trở lại trường học tập được ban giám hiệu yêu cầu giáo viên là sự chia sẻ, nhẹ nhàng, thân thiện. Việc dạy học chú trọng tạo không khí vui vẻ, hòa đồng không áp lực về kiến thức. Vì vậy, áp lực của giáo viên thời gian này cơ bản được giải tỏa.
Mặt khác, quá trình xây dựng trường học hạnh phúc cũng như thực hiện chủ đề năm học “Lễ phép, thân thiện, trung thực, trách nhiệm”, các hoạt động nâng cao đạo đức nhà giáo được lồng ghép thường xuyên trong buổi sinh hoạt chuyên môn của tổ, nhà trường…
Đặc biệt, cô Vũ Thị Thanh cho rằng: Chống bạo lực học đường bắt đầu từ nhà quản lý. Ban giám hiệu không cho phép nặng lời, xúc phạm giáo viên, học sinh; luôn đồng hành chia sẻ trong quá trình giảng dạy học.
Đặc biệt, nhà trường luôn khuyến khích: “Giáo viên khi gặp bất cứ vấn đề về chuyên môn, tình huống sư phạm gây áp lực tinh thần… có thể ra khỏi lớp, nhờ ban giám hiệu hỗ trợ. Trong bất kỳ tình huống nào, giáo viên không được mắng mỏ học sinh, dẫn tới tổn hại về tinh thần… khiến các em sợ hoặc bỏ học…”, cô Thanh nhấn mạnh.
Khẳng định tình trạng bạo lực giữa giáo viên với học sinh chưa từng xảy ra đối với giáo viên Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Song không vì thế mà chủ quan trong việc nâng cao đạo đức, chuyên môn, hành vi, lời nói, việc làm của nhà giáo để phòng ngừa.
Theo cô Hoàng Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường, trường thường xuyên lồng ghép phòng, chống bạo lực học đường trong sinh hoạt chuyên môn để giáo viên trao đổi, rút kinh nghiệm. Ví như khi trở lại trường học trực tiếp đã đưa ra vấn đề chia sẻ với học sinh sau đại dịch ra sao? Tâm sự động viên trò cách nào để đạt được tiếng nói chung? Vấn đề đồng hành cùng học sinh trong kỳ thi cuối năm và chuyển cấp thế nào?
Thậm chí, những sự việc ảnh hưởng tới tinh thần học sinh gần đây khiến dư luận bức xúc đã trở thành chủ đề trao đổi, phân tích, rút kinh nghiệm trong giáo viên.
Tại Trường Mầm non Ngôi sao mới (Cầu Giấy, Hà Nội), do trẻ mầm non các em chưa có kỹ năng phòng vệ, bảo vệ bản thân nên vấn đề phòng ngừa bạo hành tinh thần thể chất được nhà trường đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Theo cô Lê Thị Thơm - Hiệu trưởng nhà trường, ban giám hiệu luôn làm tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ dưới nhiều hình thức như trao đổi, trò chuyện để trẻ chia sẻ tình cảm của mình, của các bạn về cô giáo.
Cùng đó, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh về tình hình ở lớp của trẻ, nhất là khi thấy trẻ có biểu hiện quấy khóc, không chịu đi học, sợ cô giáo... để nắm bắt được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng của phụ huynh, nếu có vấn đề thì kịp thời chấn chỉnh giáo viên.
Trường cũng lắp camera giám sát ở hành lang, sân chơi, lớp học để kịp thời phát hiện những hành vi chưa đúng của giáo viên. Hòm thư góp ý đặt ở vị trí thuận lợi, dễ quan sát để phụ huynh có thể phản ánh, trao đổi các nội dung liên quan đến chăm sóc giáo dục trẻ của giáo viên, nhà trường.
“Hoạt động giám sát hiệu quả sẽ giảm thiểu đáng kể hành vi bạo lực trẻ, hạn chế được những hành vi đáng tiếc. Việc bị kiểm tra giám sát có thể khiến giáo viên khó chịu hoặc không thoải mái. Nhưng những hành vi chuẩn mực được diễn ra thường xuyên và có sự giám sát sẽ dần trở thành thói quen, nền nếp và cán bộ, giáo viên sẽ thực hiện tự nhiên, thoải mái…”, cô Lê Thị Thơm trao đổi.
Quản lý cảm xúc - Không dễ nhưng phải làm
Trao đổi về vấn đề quản lý cảm xúc, tránh để xảy ra những sự việc bạo lực tinh thần, thể chất đáng tiếc đối với học sinh từ phía giáo viên khi gặp những tình huống sư phạm “đặc biệt”, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng - Khoa Tâm lý Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) - khẳng định: Tất cả hành vi của giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm về mặt nhân cách, tác động đến tinh thần, thể chất của học sinh là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không được phép.
Tuy nhiên, để ngăn chặn, phòng ngừa hành động bạo lực đó cần tìm ra nguyên nhân. Thực tế cho thấy, nhiều yếu tố dẫn tới tình trạng trên như: Áp lực của giáo viên sau dịch Covid-19; mong muốn quá sức của giáo viên với học sinh nhưng các em chưa đáp ứng được; các điều kiện về sức khỏe thể chất, tâm trí của giáo viên… Từ đó có thể dẫn tới những quát mắng, quẳng sách vở, ném đồ dùng vào sọt rác…
Để phòng ngừa, ngăn chặn, trước hết mỗi giáo viên phải quản lý được cảm xúc bằng cách cân bằng sức khỏe, tâm trí. Khi có áp lực cần biết cách tự giải tỏa, tìm cách chuyển trạng thái tâm lý. Ví như khi căng thẳng nên tránh tiếp xúc với học sinh, ra khỏi lớp để hạ bực tức, uống nước mát cân bằng lại tâm lý... Điều đó sẽ giúp giáo viên phòng, tránh được những hậu quả khôn lường, kiềm chế được nóng giận và những hành vi mang tính bột phát với học sinh.
Đối với cán bộ quản lý nhà trường cũng cần theo sát giáo viên để phát hiện những trạng thái cảm xúc được bộc lộ ra bên ngoài (sức khỏe, tâm trí, thể chất có vấn đề). Cần để giáo viên nghỉ ngơi, lên phòng chờ, trao đổi chia sẻ, động viên… trong thời gian nhất định khi đang gặp stress, bức xúc.