Phòng, chống bạo lực học đường: Cần chính sách đồng bộ

GD&TĐ -Theo các chuyên gia, cần tiếp tục hiện thực hoá các chỉ thị, kế hoạch hành động về phòng ngừa, hỗ trợ giáo viên và học sinh trong phòng, chống bạo lực học đường.

Bạo lực học đường đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Ảnh minh hoạ/internet
Bạo lực học đường đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Ảnh minh hoạ/internet

Cần chính sách đồng bộ

Đối với vấn đề phòng ngừa lao động trẻ em, cần phải xây dựng cơ chế phối hợp các lực lượng trong trường để kịp thời phát hiện trẻ em, học sinh phổ thông có nguy cơ cao trở thành lao động trẻ em và có quy trình phối hợp phòng ngừa. Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc đưa trẻ đến trường, hạn chế tối đa việc trẻ phải bỏ học do khó khăn về học tập, kinh tế.

Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước có hơn 1 triệu trẻ em được xác định là lao động trẻ em. Trong đó, gần 50% các em hiện vẫn tiếp tục đi học, 48,6% đã thôi học và 1,4% chưa bao giờ đi học.

Cũng theo báo cáo của cơ quan này, năm 2021, toàn quốc có hơn 2.300 trẻ em bị xâm hại; trong đó xâm hại tình dục là trên 1.800 vụ. 63/63 tỉnh, thành phố đều xảy ra tình trạng xâm hạn trẻ em. Các hành vi xâm hại trẻ em ảnh hưởng đến trật tự, an ninh của xã hội, sự tấn công trực diện đến nền tảng đạo đức của xã hội, gây tâm lý hoang mang, mất lòng tin trong dư luận xã hội.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên (gọi chung là bạo lực học đường) là do kỹ năng sống của nhiều học sinh còn thiếu và yếu.

Vì vậy, công tác phòng chống bạo lực học đường cần được mỗi cơ sở giáo dục lồng ghép với việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giải quyết mâu thuẫn. Tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường, tạo nên hiệu quả thực sự của các hoạt động phòng chống bạo lực học đường.

Đồng thời, nâng cao năng lực nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh về công tác phòng chống bạo lực học đường; từ đó xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Các cơ quan quản lý cần có nhiều chính sách đồng bộ để nâng cao nhận thức, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và điều kiện để các cơ sở giáo dục được Tự chủ, Dân chủ, Nhân văn, Sáng tạo; đồng thời bồi dưỡng kỹ năng xây dựng trường học hạnh phúc cho cán bộ quản lý, giáo viên… tiếp tục xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực học đường.

Cùng với đó, triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục giá trị văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh phổ thông, cũng như bồi dưỡng kỹ năng phòng, tránh bạo lực học đường cho giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

Hành vi bạo lực có thể là về thể chất như: đánh đập, xô đẩy…; bạo lực về lời nói như: đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần như: tẩy chay, xa lánh, nói xấu… Ảnh minh hoạ/internet

Hành vi bạo lực có thể là về thể chất như: đánh đập, xô đẩy…; bạo lực về lời nói như: đe dọa, vu khống) và bạo lực về tinh thần như: tẩy chay, xa lánh, nói xấu… Ảnh minh hoạ/internet

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), bạo lực học đường không phải là vấn đề mới, dư luận đã phản ánh rất nhiều, trong đó có nhiều clip về bạo lực học đường đã được tung lên mạng xã hội. Bạo lực học đường có thể diễn ra ở tất cả các trường từ vùng sâu, vùng xa đến các thành phố lớn.

Đại biểu Việt Nga nhìn nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường, trong đó có nguyên nhân từ chính tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của con người trong tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các lứa tuổi, đối tượng. Học sinh là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, bởi các em có thời gian rất dài học trực tuyến, không được giao lưu với thầy cô, bạn bè nên kỹ năng sống cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, một số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục kỹ năng sống cho con em mình.

Để hạn chế vấn đề bạo lực học đường, đại biểu Việt Nga cho rằng, cần đẩy mạnh truyền thông, kiểm soát tốt hơn nữa các nội dung đăng tải trên mạng xã hội; đặc biệt cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục con em của mình. Bên cạnh đó, chúng ta đã có Luật An ninh mạng nhưng cần rà soát và kiểm soát một cách chặt chẽ hơn nữa.

Đại diện của Tổ chức UNICEF tại Việt Nam nhấn mạnh, ngành Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các quyền về chăm sóc và bảo vệ trẻ em thông qua việc giáo dục trẻ em biết tôn trọng người khác; xây dựng kỹ năng cho trẻ biết cách tự bao vệ bản thân. Nhà trường là nơi có thể phát hiện, đảm bảo ứng phó kịp thời và phù hợp khi trẻ có nguy cơ hoặc bị xâm hại, bạo lực, bị bỏ rơi, bỏ mặc, bóc lột sức lao động, kỳ thị và bị bắt nạt.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, Bộ GD&ĐT luôn coi công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính chị, cốt lõi của Ngành. Bộ đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ về GDĐT. Trong đó, công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường được đặt lên hàng đầu.

Hằng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ những văn bản hết hiệu lực, bổ sung, thay thế các văn bản cần sửa đổi và xây dựng mới những văn bản đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhằm tạo hệ thống văn bản đầy đủ, phù hợp với thực tế. Sửa đổi bổ sung hệ thống chính sách đối với người học là trẻ em. Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý, số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy và học tập.

Cần tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội thông qua các hình thức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương tốt, đề cao sự gương mẫu của người thầy. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và củng cố, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của các Phòng Tư vấn tâm lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.