Tháo "ngòi nổ" mâu thuẫn ngay từ sớm
Với số lượng trên 1.000 học sinh đang theo học, Trường THCS Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn coi nội dung giáo dục đạo đức, lối sống và phòng chống bạo lực học đường (BLHĐ) cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng.
Cô Hiệu trưởng Phí Thị Thu Hương nhấn mạnh, với tiêu chí "học sinh đến trường phải được an toàn", nhà trường đã xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm học. Trong đó chú trọng vai trò của giáo viên chủ nhiệm vì các thầy cô là người gần sát nhất với học trò. Nhà trường đưa nội dung này vào nội quy trường lớp, xác định BLHĐ là hành vi vi phạm nội quy của trường.
Các tiết sinh hoạt được thầy cô xây dựng theo các chủ đề, tình huống để các em hiểu như thế nào là BLHĐ, các dạng thức của nó bao gồm cả bạo lực thể chất và tinh thần. Khi học sinh có biểu hiện liên quan đến BLHĐ, giáo viên chủ nhiệm sẽ có hướng giải quyết ngay tại lớp bằng việc tìm hiểu nguyên nhân và giáo dục cho các em về nhận thức, cho các em cơ hội sửa chữa.
Theo cô Hương, một trong những nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội là việc học sinh sử dụng điện thoại di động rất nhiều. Bố mẹ không quản lý sát xao con mình khi sử dụng điện thoại tham gia mạng xã hội. Nếu không đủ tỉnh táo và khôn ngoan, các em rất dễ bị sa vào những thói quen xấu, đua đòi theo bạn bè mà bỏ bê việc học.
Ở lứa tuổi các em, việc tìm hiểu thông tin có ích trên mạng còn khá hạn chế. Nhà trường cũng trao đổi với cha mẹ học sinh về việc chỉ cho các em sử dụng điện thoại trên lớp khi muốn tra cứu thông tin để phục vụ nhu cầu học tập trong từng trường hợp.
"Trường có phòng tư vấn tâm lý học đường để kịp thời xử lý những tình huống học sinh có vấn đề về tâm lý cần can thiệp. Học sinh rất nhạy cảm, đôi khi vì sĩ diện mà các em có hành vi BLHĐ mà chưa nghĩ tới hậu quả mà làm theo bản năng. Lúc ấy, thầy cô sẽ đưa em đó về phòng tư vấn tâm lý học đường để lắng nghe, khuyên giải và chia sẻ như những người bạn nhằm giúp các em hiểu ra cái đúng-sai" - cô Thu Hương nói.
Tăng cường hoạt động trải nghiệm
Còn tại Trường Tiểu học Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng hoạt động tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống cho hơn 1.500 học sinh của trường vẫn được tổ chức một cách linh hoạt. Bằng việc lên kế hoạch và tổ chức thực hiện bài bản nên đã thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh cùng tham gia.
Cô Dương Thúy Hà - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, gần như năm nào trường cũng tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh đi thăm quan thực tế ở những địa điểm lịch sử, viện bảo tàng, khu trải nghiệm... Thời gian qua, nhà trường đã cho các em tới thăm Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh tại quận Hà Đông. Tại đây, dưới sự thuyết minh của các hướng dẫn viên mà học sinh phần nào hiểu được giá trị to lớn của lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước của các thế hệ cha ông để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - trú quận Hà Đông chia sẻ: "Trong suốt thời gian qua bị dịch Covid-19, lớp các con gần như không thể tổ chức đi trải nghiệm ở đâu. Khi cơ quan tổ chức đi từ thiện ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An trên Ba Vì, tôi đã cho cả con trai đang học lớp 3 đi cùng. Tại đây, con được chứng kiến và giao lưu với những mảnh đời còn thiếu may mắn nhưng vẫn luôn tràn đầy nghị lực sống để vươn lên. Tôi mong con hiểu được giá trị của tình yêu thương, tinh thần nỗ lực để có thể đứng vững trước sóng gió của cuộc đời".
Tăng cường các hoạt động trải nghiệm tại trường cũng là ưu tiên hàng đầu của Trường THCS Mỹ Đình 1. Trong đó có ngày hội văn hóa đọc sách, kỹ năng sống, trải nghiệm STEM. Học sinh được vận dụng khoa học vào thực tiễn, từ vật liệu tái chế thành sản phẩm để thể hiện ước muốn bản thân; thi vẽ tranh để bộc lộ ước mơ của mình sau này như chào mừng SEA Games, Ngày sinh nhật Bác Hồ...
Ngoài ra, các em cũng được đi thăm quan một số bảo tàng quanh Hà Nội như Bảo tàng dân tộc học Việt Nam để hiểu được văn hóa các dân tộc. Xác định mục đích của chuyến đi, xây dựng phiếu bài tập, phiếu thu hoạch để học sinh vừa đi vừa quan sát vừa làm phiếu. Mình phải lắng nghe trẻ, không áp đặt để xem các em đang thiếu gì để thầy cô hỗ trợ.