Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nghe báo cáo về SGK và học phí

Chiều 10/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp, nghe Bộ GD&ĐT báo cáo về vấn đề học phí và sách giáo khoa năm 2023-2024.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sách giáo khoa là vấn đề được các phụ huynh, học sinh, các nhà trường và xã hội hết sức quan tâm và chờ đợi, đặc biệt thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh sách giáo khoa là vấn đề được các phụ huynh, học sinh, các nhà trường và xã hội hết sức quan tâm và chờ đợi, đặc biệt thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới - Ảnh: VGP/Đình Nam

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện đã có 37/63 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội, TPHCM) đã chọn xong sách giáo khoa lớp 4, 8, 11. Còn 26 địa phương đang đợi thẩm định giá từ Bộ Tài chính để quyết định lựa chọn.

"Vấn đề chủ yếu liên quan đến sách giáo khoa sẽ thay vào năm nay là lớp 4, 8, 11. Trong đó, bao gồm các nội dung về việc biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn, tính giá, thẩm định giá, duyệt giá, in, xuất bản, phát hành…", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Đình Nam

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Đình Nam

Bảo đảm đủ sách giáo khoa cho năm học mới

Để chuẩn bị cho năm học mới, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thẩm định các bản mẫu sách giáo khoa các khối lớp và ban hành Quyết định phê duyệt sách giáo khoa kịp thời, đảm bảo thời gian cho địa phương tổ chức lựa chọn và ban hành danh mục sách giáo khoa lựa chọn theo thời gian quy định; chỉ đạo triển khai tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa lớp 4, 8, 11.

Đối với công tác chuẩn bị thẩm định, biên soạn sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng biên soạn nội dung sách giáo khoa các lớp cuối cấp.

Ngày 7/4, Bộ tổ chức họp với đại diện các tổ chức biên soạn sách giáo khoa, tổng chủ biên, chủ biên biên soạn bản mẫu sách giáo khoa lớp 5, 9 và 12 để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng bản mẫu sách được biên soạn và đề nghị thẩm định.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cố gắng phê duyệt sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 dự kiến vào tháng 12/2023 để làm cơ sở cho các địa phương chọn sách giáo khoa", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Tính đến ngày 30/4, tỉ lệ in sách giáo khoa (của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đạt 81%; lớp 4, 8, 11 đạt 79%.

Liên quan đến giá sách giáo khoa, bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ cơ bản đã rà soát xong giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và đang yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát lại các chi phí và kê khai lại. Từ nay đến ngày 15/5, Bộ Tài chính sẽ rà soát xong giá của tất cả sách giáo khoa để có cơ sở cho các địa phương triển khai thực hiện. Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản công bố đầu sách để địa phương thống kê, lựa chọn và các đơn vị in chủ động đáp ứng số lượng.

Với mức giá bình quân là 200.000 đồng/bộ sách, Bộ GD&ĐT đưa ra 3 phương án ngân sách nhà nước hỗ trợ mua sách giáo khoa cho mượn qua thư viện trường học đối với: 70% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ sách giáo khoa; 50% số học sinh chưa được hưởng chính sách hỗ trợ sách giáo khoa; học sinh có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sách giáo khoa là vấn đề được các phụ huynh, học sinh, các nhà trường và xã hội hết sức quan tâm và chờ đợi, đặc biệt thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới. Những năm qua, bên cạnh việc tiếp tục nâng cao chất lượng, phương pháp dạy và học, ngành giáo dục đã dành nhiều công sức để đổi mới chương trình học và sách giáo khoa, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính thông báo rộng rãi về tiến độ in sách, kết quả rà soát giá sách để 26 địa phương còn lại kịp thời chọn, đăng ký mua sách giáo khoa lớp 4, 8, 11.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục phổ thông - Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục phổ thông - Ảnh: VGP/Đình Nam

Nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, đảm bảo mục tiêu phổ cập giáo dục

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng báo cáo về phương án điều chỉnh học phí năm học 2023-2024. Dự kiến đầu tháng 7, HĐND các địa phương sẽ thông qua mức học phí cho năm học mới. Đối với giáo dục đại học, các trường phải quyết định mức thu học phí, thông báo trước khi thí sinh đăng ký dự tuyển.

Phó Thủ tướng đồng ý với phương án các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Đối với bậc học mầm non, tiểu học, trung học phổ thông, việc điều chỉnh học phí do HĐND các tỉnh, thành phố quyết định theo điều kiện của địa phương.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần đánh giá rõ tác động xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, thậm chí không thể đi học do học phí tăng, từ đó, có phương án hỗ trợ cụ thể, "bảo đảm mục tiêu nhất quán trong thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông".

"Ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa", Phó Thủ tướng nói và nêu rõ nguyên tắc "không giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục".

Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục phổ thông.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ