Cụ thể, về phạm vi kiến thức trong đề, các chuyên đề ngữ pháp phổ biến như thì động từ, mạo từ, câu bị động, câu điều kiện, mệnh đề nhượng bộ, danh động từ, câu gián tiếp và từ vựng đều xuất hiện trong các đề thi.
Về độ khó và sự phân bổ kiến thức, tổng quan về độ khó của đề: 60% cơ bản + 40% nâng cao. Các câu hỏi dễ lấy điểm nằm ở các dạng bài: ngữ âm, câu giao tiếp, hoàn thành câu phần ngữ pháp, câu đồng nghĩa, nối câu, tìm lỗi sai.
Các câu hỏi khó tập trung vào phần từ vựng như: tìm đồng nghĩa, trái nghĩa, các câu liên quan đến chọn từ vựng trong phần hoàn thành câu và đọc hiểu. Phần ngữ pháp nâng cao bao gồm: đảo ngữ, dạng tĩnh lược của mệnh đề trạng từ, modal perfect.
Bài đọc hiểu gồm 2 bài, trong đó bài số 1 gồm 5 câu học sinh dễ kiếm điểm; Bài 2 là bài phân loại học sinh gồm 8 câu ở mức độ Thông hiểu và Vận dụng. Phổ điểm thi năm 2019 có thể sẽ tốt hơn phổ điểm thi môn tiếng Anh năm 2018. Học sinh có học lực trung bình có thể đạt từ 5 đến 6 điểm.
Cô Nguyễn Thị Diễm Thúy |
Về các dạng bài thi cụ thể, bài ngữ âm kiểm tra cách phát âm/ đánh dấu trọng âm của các từ quen thuộc xuất hiện trong SGK nên học sinh có thể dễ dàng làm được phần thi này. Với bài Hoàn thành câu (14 câu), các kiến thức ngữ pháp đã học trong chương trình THPT xuất hiện trong đề thi là: Mạo từ, câu điều kiện, thì động từ, mệnh đề nhượng bộ, giới từ, cụm giới từ, phân từ, bị động với danh động từ.
Cô Diễm Thúy cho biết, các câu hỏi ở các chuyên đề này cũng không gây khó khăn lắm cho học sinh vì chỉ ở mức độ dễ và trung bình. Từ vựng được kiểm tra dưới dạng: word choice, word form và collocation. Từ và các cụm từ cũng quen thuộc.
Tuy nhiên, việc lựa chọn từ sao cho đúng với ngữ cảnh của câu lại khiến học sinh cảm thấy khó khăn vì một từ hay cụm từ lại có rất nhiều nghĩa hoặc có những cụm từ cố định mà không phải cứ đúng nghĩa cơ bản là có thể chọn được luôn. Về 4 cầu về từ đồng nghĩa – trái nghĩa, câu hỏi thuộc dạng bài này năm nay nhẹ nhàng hơn đề thi THPT quốc gia năm 2018, nên dựa vào ngữ cảnh có thể suy đoán được nghĩa.
Theo cô Diễm Thúy, với 2 câu về chức năng giao tiếp, tình huống giao tiếp khá quen thuộc và đơn giản nên được xem là phần gỡ điểm cho học sinh. Về bài điền từ, chủ đề của bài điền từ cũng khá quen thuộc với học sinh. Có 2 câu hỏi về Word choice, 1 câu về đại từ quan hệ, 1 câu về word form và 1 câu về liên từ. 3 câu hỏi về ngữ pháp học sinh có thể kiếm điểm dễ dàng.
Tuy nhiên, 2 câu hỏi word choice luôn khiến học sinh phân vân và đòi hỏi học sinh phải có vốn từ vựng phong phú. Bài đọc hiểu 5 câu gồm 1 câu hỏi ý chính, 1 câu về đại từ thay thế, 1 câu về từ gần nghĩa và 1 câu về thông tin chi tiết. Bài đọc hiểu này tương đối dễ học sinh trung bình có thể làm được từ 3-4 câu.
Bài đọc hiểu 8 câu vẫn ở mức độ khó hơn để phân loại học sinh. Gồm 1 câu hỏi ý chính, 1 câu hỏi về đại từ thay thế, 2 câu về từ gần nghĩa, 3 câu hỏi về thông tin chi tiết, 1 câu suy luận. Các loại câu hỏi này tương tự như đề thi năm 2018.
Các câu hỏi khó rơi vào câu hỏi về ý chính, tìm từ đồng nghĩa và suy luận, yêu cầu học sinh phải có tư duy logic, kỹ năng phân tích và suy luận tốt mới có thể làm được. Đối với 3 câu tìm lỗi sai, 2 câu kiểm tra lỗi sai ngữ pháp dễ dàng nhận ra (ví dụ câu 50 – mã đề thi 416, nhìn vào học sinh sẽ dễ dàng phát hiện ra lỗi sai trật tự trạng từ.
Tuy nhiên, có 1 câu về lỗi sai từ vựng yêu cầu học sinh phải có kiến thức về từ vựng phong phú. Dạng bài Nối câu (2 câu) sử dụng thức giả định và đảo ngữ để nối câu. Trong phần này cũng không gây khó khăn lắm cho học sinh miễn là học sinh đọc kỹ là có thể chọn đúng đáp án. Dạng bài tìm câu đồng nghĩa (3 câu) kiểm tra khả năng vận dụng các kiến thức ngữ pháp quen thuộc như câu so sánh, câu gián tiếp, modal perfect để viết lại câu.
Những câu hỏi ở phần này ở mức độ trung bình nên học sinh có thể chọn được đáp án đúng. Tuy nhiên, câu hỏi liên quan đến modal perfect hơi khó nên đòi hỏi học sinh phải vận dụng vào tình huống để chọn đáp án đúng.