Đồ chơi Trung thu dân gian vẫn hấp dẫn

GD&TĐ - Như mọi năm, điểm bán đồ chơi Trung thu lớn nhất Hà Nội năm nay vẫn tập trung ở phố Hàng Mã, Chả Cá, Lương Văn Can. Nhưng có sự đổi khác so, nếu như vài năm trước, đây là dịp để đồ chơi nước ngoài, mà tới 99% là xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm lĩnh thị trường đồ chơi ngày Rằm tháng Tám dành cho trẻ em, thì năm nay, dạo quanh thị trường trước thềm Trung thu, cho thấy sự trở lại khá rõ nét của những loại đồ chơi dân gian truyền thồng.

Đồ chơi Trung thu dân gian vẫn hấp dẫn

Người lớn đã khuyến khích trẻ chơi đồ chơi truyền thống

Không chỉ tổ chức cho trẻ một buổi lễ Trung thu vui vẻ, hào hứng, một số trường học đã chú trọng hướng trẻ chơi những món đồ chơi trung thu truyền thống. Thay vì trang trí khung cảnh đón Trung thu bằng những món đồ chơi nhựa có xuất xứ Trung Quốc, những trường mầm non, tiểu học kết hợp với hội cha mẹ HS tổ chức đón Trung thu đều trang trí sân khấu, quà cho HS là những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn lồng con cá, trống cơm… được làm theo lối cổ truyền.

“Mấy năm gần đây ở trường mầm non của con mình đều tổ chức cho HS vui Trung thu khá bài bản. Điều mà mình thích nhất là các cô giáo chú trọng cho trẻ chơi các món đồ chơi truyền thống” - Chị Đ.Thu (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) chia sẻ - “Trẻ cũng về nhà nhắc bố mẹ không mua đồ chơi nhựa, hay đồ chơi có tính chất bạo lực của Trung Quốc, đèn ông sao, đèn kéo quân hay trống cơm cổ truyền của Việt Nam vẫn được các con thích thú, lựa chọn khi bố mẹ cho đi mua đồ chơi Trung Thu. Đồ chơi Trung thu của Việt Nam giá cả hợp lý, không đắt đỏ. Cho trẻ nhỏ chơi các món đồ chơi truyền thống, hướng dẫn trẻ biết cách chơi cũng là giáo dục giá trị văn hóa cổ truyền một cách nhẹ nhàng, mà nhớ lâu”.

Còn anh N.N.Quang (Trần Nhân Tông, Hà Nội) thì hồi tưởng: “Gần Tết Trung thu, đi làm về hôm trước tôi vòng lên phố Hàng Mã, mua cho con trai một cái đèn kéo quân rất đẹp được làm đúng kiểu cổ truyền. Mẫu mã đèn còn đẹp và lôi cuốn hơn cả đèn kéo quân thời tôi còn nhỏ vẫn chơi mỗi dịp Trung Thu. Đưa cho con chơi đèn, tôi còn dặn cu cậu giữ gìn cẩn thận, để hôm này ở trường tổ chức liên hoan Trung thu thì mang đến góp vui với các bạn. Năm nào trường con cũng tổ chức Trung thu, mỗi đứa trẻ mang một món đồ chơi yêu thích đến vui cùng các bạn.

Điều kiện vật chất và tinh thần bây giờ tốt hơn nhiều thời tôi còn nhỏ, nên con tôi và các bạn chúng không chỉ được liên hoan tưng bừng với nhiều loại bánh kẹo, hoa quả với những mâm cỗ Trung thu ở trường và tổ dân phố rất hoành tráng, mà bọn trẻ còn được bố mẹ mua cho những món đồ chơi làm sẵn rất phong phú. Cách đây hơn 30 năm, thời tôi bằng tuổi con trai tôi bây giờ, cứ đến gần Trung thu là bọn trẻ cùng trang lứa háo hức trước cả tháng để chuẩn bị đón Trung thu. Bọn con trai hò nhau làm đèn kéo quân, đèn ông sao, bồi giấy làm đầu sư tử để múa lân đêm Rằm, bọn con gái thì nhặt từng hạt bưởi tách vỏ hạt lấy phần hạt trắng sâu dây thép nhỏ đem phơi nắng thật khô, chờ đến tối Trung thu đốt cho thơm…

Đầy ăm ắp những kỷ niệm đẹp về một thời Trung thu còn nhiều thiếu thốn vật chất ấy. Rồi có một thời, cách đây mấy năm thôi, ngập tràn đường phố dịp Trung thu những hàng quán bán đồ chơi kỳ dị, đồ chơi nhựa gắn nhạc kêu inh ỏi… Những đứa trẻ cũng tò mò và được bố mẹ mua cho chơi… Nhưng có lẽ những món đồ chơi thiếu tính giáo dục cuối cùng cũng bị từ chối. Bây giờ, cùng với sự hướng dẫn, giáo dục của gia đình và nhà trường, đồ chơi Trung thu truyền thống thực sự đã quay trở lại”.

Tìm lại giá trị truyền thống

Thông tin với PV Báo GD&TĐ, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết, dịp Trung thu năm nay sẽ diễn ra nhiều chương trình hoạt động văn hóa đặc sắc tại các điểm di tích do Ban quản lý. Tối ngày 30/9/2017, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình văn hóa với sự tham gia của nghệ nhân làng nghề truyền thống, nghệ nhân làm đồ chơi cổ truyền. Cũng tại buổi tối ngày 30/9, các nghệ nhân làng nghề Đọi Tam trình diễn trống khai mạc hoạt động văn hóa Tết Trung thu.

Cũng theo Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, từ ngày 29/9 đến 4/10/2017, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra chương trình sắp đặt không gian, trưng bày giới thiệu về các đồ chơi trung thu truyền thống như: Con giống bột, các loại đèn trung thu, trống Đọi Tam… Đặc biệt, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong dịp Tết Trung thu 2017, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân làng nghề Xuân La, Phượng Dực, huyện Phú Xuyên giới thiệu cách làm các con giống bột.

Tết Trung thu truyền thống sẽ được tái hiện tại những không gian phố cổ Hà Nội: Đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào); Đền Quan Đế (28 Hàng Buồm); Đình Kim Ngân). Tại các không gian văn hóa này, các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn du khách và trẻ em cách làm đồ chơi truyền thống: Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, Ông đánh gậy, Tàu Thủy (Trong thời gian ngày 29/9/2017 đến hết ngày 1/10/2017).

Cũng dịp Trung thu năm nay, một “bữa tiệc” sinh động sẽ được mời người dân Hà Nội và du khách thưởng thức, đó là Trưng bày ảnh giới thiệu Tết Trung thu của Hà Nội đầu thế kỷ XX; sắp đặt không gian Tết Trung thu truyền thống của một gia đình người Hà Nội xưa; trưng bày giới thiệu các bức ảnh về Tết Trung thu Hà Nội đầu thế kỷ XX của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam… Diễn ra tại Ngôi nhà Di sản 87 phố Mã Mây.

Bên cạnh các hoạt động mang đậm nét cổ truyền, tại khu vực phố cổ Hà Nội dịp Trung thu năm nay (tối các ngày 29/9/2017, 1/10/2017) sẽ tổ chức các chương trình ca nhạc phục vụ thiếu nhi tại một số điểm trong tuyến phố đi bộ mở rộng; biểu diễn ca nhạc thiếu nhi trước cửa Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ.

Theo Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, từ ngày 29/9 đến 4/10/2017, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội sẽ diễn ra chương trình sắp đặt không gian, trưng bày giới thiệu về các đồ chơi trung thu truyền thống như: Con giống bột, các loại đèn trung thu, trống Đọi Tam… Đặc biệt, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong dịp Tết Trung thu 2017, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân làng nghề Xuân La, Phượng Dực, huyện Phú Xuyên giới thiệu cách làm các con giống bột.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.