Chuyện nhạc phố cổ

GD&TĐ - Với mục đích giới thiệu tổng quan về âm nhạc xưa và nay của đất kinh kỳ “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”, chuỗi chương trình ca nhạc “Chuyện nhạc phố cổ” đã được tổ chức tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) từ hơn một năm nay. 

Chuyện nhạc phố cổ

Chương trình Chuyện nhạc phố cổ trong tháng 11 này đã đưa khán giả tới không gian của chiếu Chèo cổ mang đậm màu sắc trữ tình độc đáo.

Giữ gìn nét văn hóa

Xuất phát từ ý tưởng bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật, nghệ sĩ Vũ Nhật Tân và các nghệ sĩ của nhóm nghệ thuật Đông Kinh cổ nhạc cùng Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ phối hợp tổ chức chương trình Chuyện nhạc phố cổ.

Những bộ môn nghệ thuật như hát Chèo, hát Xẩm, hát Ca trù… được thể hiện giản dị và mộc mạc như được bước ra từ cuộc sống bình dân xưa.

Tách biệt hẳn với nhịp sống sôi động trên con phố sầm uất, không gian nhạc xưa khiến người ta như bước vào một thế giới khác. Bởi vậy chương trình đã trở thành địa chỉ quen thuộc mang đến cho người nghe cái nhìn khái quát về âm nhạc xưa và nay của đất kinh kỳ.

Điều đặc biệt khiến chương trình tạo được ấn tượng trong lòng công chúng đó là: Các nghệ nhân tham gia biểu diễn đều hát và chơi nhạc cụ mộc không thông qua bất kỳ thiết bị điện tử khuếch đại âm thanh nào. Trong không gian ấy, mọi người cùng nhau đắm chìm trong những giai điệu câu hát những tích trò cổ xưa.

Hơn thế điều mà các nghệ nhân, nghệ sĩ hướng tới đó là việc truyền dạy những thể loại âm nhạc truyền thống tới các thế hệ sau. Cho nên bất kỳ ai yêu quý âm nhạc dân tộc đều có cơ hội được làm quen và được trao truyền.

Rõ ràng việc truyền dạy nghệ thuật dân tộc cho lớp trẻ không nên chỉ bó gọn trong các nhà hát, các cơ sở đào tạo. Các chương trình của Chuyện nhạc phố cổ chính là cơ hội để nghệ sĩ dân tộc truyền lửa đam mê cho khán giả nói chung, lớp người trẻ nói riêng.

Độc đáo với chiếu Chèo

Mỗi tháng với những chủ đề khác nhau, các nghệ sĩ đã tái hiện trong không gian văn hóa phố cổ những tác phẩm đặc sắc. Trong câu chuyện phố cổ tháng 11 này các nghệ sĩ đã đưa khán giả trở lại với chiếu Chèo với những trích đoạn đặc sắc.

Hát Chèo là loại hình nghệ thuật dân tộc có sức sống lâu bền, độc đáo và phổ biến. Nó đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ, giáo dục và phục vụ đắc lực cho đời sống tinh thần của tầng lớp bình dân xưa.

Đến với bộ môn nghệ thuật này khán giả sẽ được cảm nhận với những cung bậc tình cảm vui buồn, thương nhớ trên nền nhạc và những ca từ mang đậm chất trữ tình.

“Chuyện nhạc phố cổ - Tiếng đàn Tơ” trong ngày cuối tuần thứ 2 của tháng 11 mới đây đã được thể hiện thông qua câu chuyện nghệ thuật kịch hát Việt.

Tại đây những màn trò diễn mẫu mực của các vở Chèo cổ như vở Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham…. đã tái hiện lại cả một không gian văn hóa Chèo.

Không phải là một sân khấu hoành tráng, nhưng những gì mà các nghệ sĩ đã cống hiến cho đêm diễn đã mang lại những xúc cảm khó quên cho người xem.

Đến với chương trình Chuyện nhạc phố cổ, những người yêu nghệ thuật dân tộc còn được nghe giới thiệu về lịch sử và sự phát triển của các loại hình âm nhạc truyền thống, điều này đã giúp âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.