(GD&TĐ) - Nhằm đánh giá công tác triển khai và thực hiện công tác phổ cập MN 5 tuổi của các địa phương, đồng thời tìm hiểu những khó khăn và thách thức mà các địa phương đang gặp phải, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng đoàn cán bộ của Bộ GD-ĐT đã có 2 ngày kiểm tra công tác phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) tại TP.HCM. Đánh giá sơ bộ sau đợt kiểm tra, Thứ trưởng tin rằng TP.HCM sẽ là 1 trong số 10 địa phương của cả nước hoàn thành công tác phổ cập vào năm 2012.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa làm việc với lãnh đạo UBND TP và lãnh đạo sở GD-ĐT TP.HCM |
Chủ động nhưng khó khăn vẫn còn
TP.HCM hiện có 696 trường MN. Trong đó, trường công lập là 407 trường (58,6%) 289 trường ngoài công lập (41,4%) cùng 960 nhóm lớp, với quy mô trông giữ 262.354 cháu. Số cháu trong độ tuổi phổ cập của TP hiện là 81.190 (chiếm 94,6%) cháu, học trên 2.183 lớp. Tuy nhiên, số lượng giáo viên để thực hiện đề án phổ cập giai đoạn 2010-2012 mà TP cần bổ sung lên tới 2.765 GV cùng 460 phòng học cần được xây mới theo lộ trình thật sự là một thách thức không nhỏ. Bởi theo Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi mà UBND TP.HCM đề ra, thì từ nay đến cuối năm UBND cùng Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra công nhận 12 quận - huyện đạt chuẩn phổ cập, và vào năm 2012 toàn TP phải đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi. Đến thời điểm này, tất cả các quận, huyện đều đã thực hiện xong kế hoạch phổ cập MN 5 tuổi trình UBND quận, huyện phê duyệt. Báo cáo với thứ trưởng, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng GDMN Sở GD-ĐT TP cho biết: Hiện nay theo báo cáo của các quận, huyện tất cả đều hứa sẽ hoàn thành công tác phổ cập vào năm 2012. Tuy nhiên, một số huyện ngoại thành còn lo ngại về tỉ lệ trẻ học bán trú hoặc 2 buổi/ngày theo quy định. Bởi với đặc thù của các quận, huyện ngoại thành, nếu trẻ học bán trú thì phụ huynh không có tiền để đóng tiền ăn. Còn nếu học 2 buổi/ngày thì phụ huynh vất vả khi phải đưa đón con tới 4 lần/ngày. Vì thế, bà Dung cho rằng ngoài sự tháo gỡ và hỗ trợ của UBND quận, huyện và TP, Bộ GD-ĐT nên sớm có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ để các quận, huyện ngoại thành có để hoàn thành đúng mục tiêu.
Bên cạnh đó, tình hình cơ sở vật chất một số phường, xã còn đang thiếu hụt (TP còn 12 phường chưa có trường MNCL) khiến tỉ lệ huy động giữa các quận chưa đồng đều, đội ngũ GV thì còn thiếu hụt khá nhiều với 2.398 bảo mẫu đang phải làm thay nhiệm vụ của GV. Số lượng trường lớp công lập - chỉ đáp ứng việc thu nhận 70% tổng số trẻ 5 tuổi, 30% còn lại học ở các trường tư thục. Riêng các quận mới, số lượng trường công lập chỉ đáp ứng thu nhận dưới 50%, các huyện ngoại thành còn nhiều điểm lẻ không đủ điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày…là ‘bài toán” không nhỏ đối với mục tiêu hoàn thành phổ cập vào năm 2012 của TP.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa kiểm tra và thăm cơ sở vật chất trường chuẩn quốc gia Vàng Anh ở Q.9 |
Tại 2 ngày kiểm tra ở Q.9 và Củ Chi những khó khăn trên phần nào được các phòng giáo dục và UBND quận, huyện nêu ra cho Thứ trưởng. Thứ trưởng cũng khẳng định: Quyết tâm của TP.HCM là rất lớn, nội lực và tiềm năng TP là có. Nhưng để đi đến lộ trình 2012 một cách thành công và bền vững, Sở GD-ĐT, UBND TP cần phải nhanh chóng đầu tư mạnh mẽ, quyết liệt trong phương án bồi dưỡng và đào tạo GV, đồng thời phải làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục ở các quận, huyện ven ngoại thành, nhằm sớm bù đắp sự thiếu hụt trường lớp, đội ngũ GV tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Khẳng định lại quan điểm và quyết tâm của TP.HCM, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP và Bộ GD-ĐT, đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP cho biết: UBND TP.HCM đã làm việc hết sức nghiêm túc với Sở GD-ĐT TP và sớm xây dựng được chiến lược cho riêng mình. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ thêm 700 ngàn đồng/ tháng cho GV vùng khó, đầu tư trường lớp một cách mạnh mẽ tại 12 phường “trắng trường” MNCL trong năm nay, thì thời gian tới nhiều trường MNCL quy mô lớn sẽ được khởi công xây dựng tại các quận huyện. Tất cả các dự án trên đã được UBND TP phê duyệt, TP cũng đã xác định phải quyết liệt hoàn thành tốt lộ trình đã đề ra. Vì thế tôi tin đến năm 2012, chúng tôi sẽ cơ bản hoàn thành mục tiêu phổ cập với cơ sở vật chất và đội ngũ GV đồng đều và đầy đủ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thăm và kiểm tra ở trường chuẩn quốc gia Vàng Anh. q.9 |
TP.HCM sẽ là điển hình cho cả nước
Kiểm tra và khảo sát tại hai địa bàn được xem là còn nhiều khó khăn và thiếu thốn về cơ sở vật chất, trường lớp của TP.HCM nhưng Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa lại có một niềm tin rất lớn vào sự thành công của TP.HCM. Hiện khó khăn chung duy nhất của các quận huyện ngoại thành chỉ là đội ngũ GV và số phòng học, lớp học duy trì được việc học hai buổi/ ngày của học sinh. Tuy nhiên, theo báo cáo của ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở với thứ trưởng thì trong vòng 1 năm tới (dự kiến đến tháng 9-2011) TP sẽ có 113 phòng học MN mới đưa vào sử dụng. Ở KCN-Tân Tạo và KCX Linh Trung sẽ có 2 trường MNCL quy mô lớn với diện tích từ 2.500m2 đến trên 3.000m2 đất được xây dựng. Trong đó, riêng trong năm nay, sẽ có 4 trường MNCL được xây mới ở các quận huyện ven ngoại thành với tổng giá trị hơn 90 tỉ do 4 doanh nghiệp tài trợ xây. Đặc biệt, tại 6 xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2011 sẽ có 6 trường MN chuẩn quốc gia được xây dựng. Với những mục tiêu và đề án cụ thể trên, TP.HCM tự tin sẽ đạt chuẩn phổ cập GDMN 5 tuổi vào năm 2012, và đến năm 2013 số trẻ học hai buổi/ ngày sẽ đạt tỉ lệ 100%.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ: “Nếu TP.HCM xây dựng được trường MN tại các KCN, KCX thì đây được xem là điều hết sức vui mừng và chắc chắn TP.HCM là địa phương tiên phong trong cả nước về vấn đề “nóng” này. Dư luận đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trường MN ở khu vực này. Tuy nhiên, chúng tôi muốn biết các trường MN ở đây là trường công lập hay tư thục?”- Bà Nghĩa băn khoăn. Trả lời câu hỏi này, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Trần Thị Kim Thanh cho biết: “Kinh phí xây dựng trường MN tại 2 KCN-KCX nói trên nằm trong kinh phí xây dựng cơ sở vật chất của Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi. Vì vậy đây là những trường MN công lập”.
Trong hàng loạt vấn đề gai góc mà TP.HCM chắc chắn sẽ phải đối mặt trong lộ trình 2010-2012 tới, điều khiến Bà Lê Minh Hà - Vụ trưởng Vụ GDMN băn khoăn nhất chính là chính sách dành cho trẻ thuộc diện khó khăn. Bà chia sẻ: “Chúng tôi đã đi kiểm tra công tác phổ cập tại Hòa Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ninh và TP.HCM. Thực tế cho thấy Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi ở TP.HCM làm rất cụ thể, giải quyết được “bài toán” thiếu giáo viên, thiếu trường lớp. Tuy nhiên điều tôi băn khoăn là - có chính sách gì đối với trẻ 5 tuổi thuộc diện khó khăn”. Về vấn đề này, ông Đạt khẳng định: “Thực hiện Đề án phổ cập GDMN 5 tuổi, những trẻ 5 tuổi thuộc hộ gia đình khó khăn đều được miễn giảm học phí như học sinh ở những cấp, bậc học khác”.
Chăm sóc trẻ tỉ mỉ là điều mà các trường mầm non ở TP. HCM hướng tới |
Mục tiêu của TP trong năm 2010, đảm bảo 100% giáo viên dạy mầm non 5 tuổi đạt chuẩn trình độ đào tạo, đến năm 2015 có 60% giáo viên có trình độ từ CĐ Sư phạm trở lên và 80% đạt chuẩn nghề nghiệp đạo đức khá. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Sở GD-ĐT cần phối hợp với các trường có đào tạo sư phạm như ĐH Sài Gòn, CĐ TW… cần rà soát, khảo sát và dự báo quy mô trẻ để có biện pháp đào tạo bồi dưỡng giáo viên kịp thời đáp ứng yêu cầu phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi. Bên cạnh đó, TP cần tăng cường kiểm tra chặt chẽ hoạt động ở các trường mầm non tư thục, ngoài công lập đảm bảo an toàn cho trẻ. Tại buổi làm việc, các lãnh đạo của vụ GDMN, Bộ GD-ĐT cũng lo ngại về mức học phí ở các trường MN công lập, mức học phí phải cân đối sao cho các trường hoạt động tốt. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng phải quản lý chặt các khoản thu ở trường MN ngoài công lập. Trong đó quy định cụ thể tỉ lệ học phí chi cho công tác phổ cập GDMN 5 tuổi…nhằm giúp các trường làm tốt hơn công tác huy động trẻ.
Tại buổi sơ kết công tác làm việc giữa UBND TP và lãnh đạo Bộ, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận một lần nữa khẳng định: “TP luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để trẻ được tới trường. Bằng mọi nỗ lực TP.HCM sẽ hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi vào năm 2012…”.
Anh Tú