Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ở Hà Nội: Nỗ lực về đích trước thời hạn

Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ở Hà Nội: Nỗ lực về đích trước thời hạn

(GD&TĐ) - Theo kế hoạch, năm 2014, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, với 13 đơn vị đạt chuẩn phổ cập trong năm 2012 và 16 đơn vị đăng ký hoàn thành mục tiêu phổ cập từ nay đến tháng 6/2013 giúp Hà Nội cán đích sớm hơn 1 năm so với dự kiến.

Xóa tình trạng “trắng” trường mầm non

Theo Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga, thành phố đã đi trước một bước với đề án Nâng cao chất lượng GDMN từ năm 2009. Đây là điều kiện để các địa phương tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy - học. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, sau 3 năm thực hiện đề án, mạng lưới trường MN đã phân bố đều khắp ở 29 quận, huyện, thị xã với 903 trường/1.889 điểm trường, trong đó có 696 trường MN công lập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Lê Đình Hùng cho biết: Từ năm 2008, huyện đã có đề án đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng GDMN. Theo đó, huyện đầu tư 100% tiền xây dựng cơ bản và 70% kinh phí mua sắm thiết bị - đồ dùng - đồ chơi. 100% lớp MN 5 tuổi có đủ thiết bị - đồ dùng - đồ chơi, học liệu. Với nỗ lực trên, Thanh Trì đã xây mới được 10 trường MN, cải tạo 16 trường và giảm số điểm trường xuống còn 43 điểm/28 trường. Chủ trương của  huyện là “làm đâu được đấy và lấy MN là khâu đột phá”, từ năm 2008, huyện đề ra mục tiêu mỗi năm có 5 trường được cải tạo, xây mới nên đến nay đã có 57% trường MN đạt chuẩn, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ở Hà Nội: Nỗ lực về đích trước thời hạn ảnh 1
Thiếu quỹ đất cho trường MN nên Hà Nội hiện mới có 22,4% trường đạt chuẩn. Ảnh: V.Văn

Tại huyện Đan Phượng, chính quyền địa phương cũng tập trung xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp, đảm bảo 100% xã, thị trấn đều có quỹ đất đạt chuẩn cho hệ thống trường MN trên địa bàn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Xuân Sách, địa phương coi ngành học MN là gốc, là khởi nguồn của mọi bậc học nên từ năm 2005 UBND huyện đã có kế hoạch tập trung xây dựng cơ sở vật chất cho bậc học này. Đến năm 2009, khi có đề án của thành phố về nâng cao chất lượng GDMN đã tạo thêm đà cho huyện đột phá trong đầu tư ngân sách. Ông Sách cho biết: Để việc đầu tư có hiệu quả, kinh nghiệm của huyện là yêu cầu sự tham gia của các ngành từ khâu quy hoạch đến triển khai xây trường nên trong quá trình thực hiện không xảy ra tình trạng “tắc” ở khâu này, đơn vị nọ sẽ giảm thời gian, chi phí…

Quận Cầu Giấy những năm vừa qua luôn đối mặt với tình trạng quá tải ở các trường MN do quy mô dân số tăng bình quân 10%/năm. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND quận Nguyễn Thị Vân Anh, các trường MN trong quận dù tăng sĩ số nhưng vẫn đảm bảo diện tích m2/học sinh do quận có quy hoạch  mỗi phường có 1 trường MN, thậm chí quận Cầu Giấy còn có 5 phường có từ 2 - 3 trường MN công lập nên dù học sinh có tăng nhưng vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho 100% trẻ 5 tuổi tại các trường công lập. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ cũng đã đạt 40% và gần 90% với trẻ lớp mẫu giáo.

Phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi ở Hà Nội: Nỗ lực về đích trước thời hạn ảnh 2
Hà Nội đã có nhiều chính sách đột phá để ổn định đời sống cho đội ngũ  GVMN. Ảnh: H. Thu

Nhìn một cách tổng thể, hệ thống các trường MN ở Hà Nội đã có sự thay đổi đáng kể về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa trường MN đã bao phủ kín các xã, phường, thị trấn. Sau 2 năm nỗ lực xóa tình trạng “trắng” trường MN của 6 phường tại 2 quận là Hai Bà Trưng và Đống Đa, hiện thành phố vẫn còn 2 phường (Phương Mai và Ngã Tư Sở - quận Đống Đa) vẫn chưa có trường MN. Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Thành phố quyết tâm hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 trường MN trên vào năm học 2013-2014, do vậy, thành phố đã có cơ chế đền bù thỏa đáng cho các khu đất đang sử dụng không hiệu quả để xây trường MN và công trình công cộng. Như vậy, đến năm 2015, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu phủ kín trường MN tại mỗi xã, phường, thị trấn.

Chính sách đột phá cho đội ngũ giáo viên

Chất lượng GD không đồng đều, thiếu giáo viên (GV), nhân viên kế toán và y tế cho các trường MN…  là bài toán mà ngành GD Hà Nội từng phải đối mặt sau khi hợp nhất.  Để giảm dần sự khác biệt đó, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND trong việc tuyển dụng GV, nhân viên y tế, kế toán cho trường học với mục tiêu không để trường nào thiếu GV hay nhân viên y tế, kế toán. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo về số lượng thì chất lượng cũng như đời sống nhà giáo cũng là vấn đề cần giải quyết. Theo đó, Hà Nội đã có quy định GVMN diện hợp đồng, đạt chuẩn về trình độ chuyên môn đều được hưởng hệ số trợ cấp 1,86, được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 35% và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

- Hà Nội hiện có 903 trường MN (công lập và ngoài công lập), tăng 113 trường so với năm 2008; Số điểm trường giảm từ 2.307 xuống còn 1.678 điểm;

- Với 31.152 GVMN, 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo và 46,6% trên chuẩn.

- UBND thành phố đã công nhận 13 đơn vị hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi trong năm 2012. 16 đơn vị còn lại đăng ký hoàn thành trong năm 2013. Như vậy, Hà Nội hoàn thành phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi sớm hơn 1 năm so với dự kiến.

Với quan điểm lấy đội ngũ GV là trọng tâm đẩy chất lượng GDMN lên cao, quận Cầu Giấy đã tập trung xây dựng đội ngũ và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi. Bà Vân Anh cho biết: Quận đã đảm bảo chế độ chính sách tốt nhất cho GVMN. Ngoài quy định của Nhà nước, UBND quận còn hỗ trợ GVMN mỗi năm từ 1 - 3 tháng lương thứ 13, tạo điều kiện cho GV được tính thêm giờ làm thêm mỗi ngày. “Những chính sách trên đã giúp GV ổn định cuộc sống, tạo khí thế làm việc, học tập nên đã nhiều năm nay quận Cầu Giấy không có tình trạng GV trường công xin chuyển ra trường tư, trình độ của các cô cũng tăng từng năm và hiện có 80% GVMN có trình độ trên chuẩn”. Quận Long Biên cũng có nhiều chính sách ưu đãi với GVMN. Theo đó, GVMN, nhân viên có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng sẽ được hỗ trợ 50% mức lương cơ bản/tháng. Huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai nhiều năm nay thực hiện việc động viên cán bộ, GV, nhân viên đạt danh hiệu thi đua cấp quận/huyện với mức 50.000-200.000đ/người/tháng.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, GV và nhân viên trong các trường MN là khâu đột phá để nâng cao chất lượng GDMN cũng là quan điểm của lãnh đạo UBND huyện Đan Phượng. Theo ông Sách, đời sống của GVMN đã dần ổn định bởi dù là GV hợp đồng cũng được hưởng các chế độ như GV trong biên chế. “Các quy định về chế độ chính sách cho đội ngũ GVMN của thành phố đã làm thay đổi nhận thức của chính quyền địa phương cũng như nhân dân với bậc học này. Chính quyền có cơ sở để đầu tư nhiều hơn cho bậc học MN, phụ huynh cũng quan tâm hơn đến việc học của con em mình nên đã cùng với nhà trường tạo ra nguồn lực để nâng cao đời sống cho các cô” - Ông Sách khẳng định.

L. Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ