Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trường Quốc tế TPHCM về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 (ngày 28-11-2014) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 (ngày 21-11-2017) của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, ông Đỗ Chí Nghĩa cho biết, việc khảo sát nhằm đánh giá hiệu quả triển khai, các thuận lợi cũng như khó khăn của các cơ sở giáo dục khi thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT.
Tại buổi làm việc, cô Phạm Thị Phương Thảo, Phụ trách đối ngoại Trường Quốc tế TPHCM cho biết, toàn trường hiện có hơn 1.700 học sinh theo học với 61 quốc tịch và 12 ngôn ngữ khác nhau.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, năm học 2020-2021, Trường Quốc tế TPHCM có 22 học sinh khối 1 học chương trình mới. Đến năm học 2021-2022, khối 2 có 19 học sinh, khối 6 có 54 học sinh theo học. Năm học 2022-2023, trường tiếp tục triển khai chương trình GDPT 2018 ở khối 3 với 21 học sinh, khối 7 có 58 học sinh và khối 10 có 85 học sinh theo học.
Bà Thảo cho biết, Trường Quốc tế TPHCM cũng đã căn cứ các quyết định phê chuẩn sách giáo khoa của UBND TPHCM để trang bị sách giáo khoa tiếng Việt, Đạo đức, Lịch sử, Địa lý Việt Nam và Tự nhiên xã hội cho cấp tiểu học. Các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân cấp THCS và THPT cho thư viện để giáo viên và học sinh sử dụng cho học tập và giảng dạy.
Tổ chuyên môn các môn học tiếng Việt đã nghiên cứu chương trình, lập kế hoạch giáo dục môn học, giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm để soạn kế hoạch bài dạy theo chương trình mới. Giáo viên nghiêm túc, thảo luận, thống nhất nội dung giảng dạy đúng quy định phù hợp với điều kiện của trường.
Với khối tiểu học, nội dung sách giáo khoa thể hiện đầy đủ chương trình môn học, phát triển được phẩm chất, năng lực cho học sinh, đảm bảo được yêu cầu chương trình tổng thể GDPT 2018.
Các chủ đề được phân công rõ ràng, cụ thể theo tuần, có tích hợp các môn Tự nhiên xã hội và Đạo đức cũng như có hoạt động vận dụng thực tế. Nội dung rõ ràng và dễ dàng kết hợp với Chương trình tú tài quốc tế của trường, tuy nhiên phần tập viết hoa khó thực hiện với nội dung giảng dạy, khối lượng bài học dài so với thời lượng học của trường.
Với khối THCS và THPT, nội dung sách giáo khoa thể hiện đầy đủ chương trình môn học, có tính định hướng và phân loại cao, từ đó phát triển được phẩm chất, tư duy năng lực cho học sinh, đảm bảo được yêu cầu Chương trình tổng thể GDPT 2018. Các chủ đề được phân chia rõ ràng, cụ thể theo tuần, cân bằng giữa các kỹ năng Đọc - Viết, có thể hiện đa dạng các hoạt động để giúp học sinh tự đánh giá được mức độ hiểu cũng như có thể vận dụng vào thực tế...
Đánh giá về sách giáo khoa phổ thông mới, bà Thảo cho biết, nội dung sách có hình ảnh đẹp, phong phú phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi, có nhiều bộ sách giáo khoa để chọn lựa. Đại diện Trường Quốc tế TPHCM cho rằng chương trình mới khá áp lực, một số tác phẩm được lựa chọn trong sách giáo khoa có độ khó cao so với năng lực ngôn ngữ của học sinh quốc tế.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa mới được đánh giá có giá thành cao hơn so với chất lượng, chất lượng không bền, dễ rách, nhanh phai màu. Đặc biệt, việc phát hành sách giáo khoa còn gây khó khăn cho người học do không phổ biến tại nhiều nhà sách. Đặc thù trường quốc tế chỉ sử dụng sách một vài môn học trong chương trình nhưng nhà cung cấp thường bán nguyên bộ gây khó khăn cho phụ huynh.
Đoàn giám sát tìm hiểu về quy mô cơ sở vật chất và phương pháp giáo dục tại Trường Quốc tế TPHCM. |
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, hiện nay theo quy định, học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường quốc tế phải học chương trình tiếng Việt và môn Việt Nam học. Riêng học sinh có quốc tịch nước ngoài thì khuyến khích học chương trình tiếng Việt và các môn học tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Bà Thư đánh giá: “Với bậc mầm non quy định thời lượng chương trình tiếng Việt là 2 lần/tuần, thời lượng mỗi lần từ 25-35 phút. Tương tự, cấp tiểu học quy định thời lượng chương trình tiếng Việt là 140 phút/tuần và THCS 90 phút/tuần. Quy định thời lượng chương trình tiếng Việt hiện nay khá ít nên các trường quốc tế vất vả trong việc dạy chương trình tiếng Việt cho học sinh”.
“Do trình độ tiếng Việt của học sinh có khác biệt tương đối lớn, học sinh học tập và sinh hoạt trong môi trường quốc tế nên thời gian tiếp xúc và sử dụng tiếng Việt còn hạn chế. Ngoài ra, học sinh thay đổi môi trường học tập thường xuyên nên ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. Song song đó, học sinh có quốc tịch Việt Nam nhưng sống ở nước ngoài từ nhỏ, ít sử dụng tiếng Việt nên gặp nhiều khó khăn khi học theo chương trình của Bộ GD&ĐT”, bà Thảo cho hay.