>>> Bài 1: 'Mỏ vàng' bị quên lãng ở phim hoạt hình Việt
Mặc dù mảng phim hoạt hình vẫn là khoảng trống đầy lãng phí của thị trường điện ảnh trong nước, nhưng cũng phải ghi nhận những nỗ lực ghi tên Việt Nam trên bản đồ hoạt hình thế giới.
Những tín hiệu tích cực
Mới đây, phim hoạt hình “Wolfoo” đã chính thức được Cục Phát thanh, Truyền hình quốc gia Trung Quốc cấp phép phát sóng trên toàn lãnh thổ. Theo giấy phép phân phối phim hoạt hình được cấp ngày 1/9, bộ phim “Wolfoo happy family” được phê duyệt phát sóng trên truyền hình trong phạm vi toàn quốc, thời lượng 3 phút/tập với tổng số 100 tập phim.
Theo Sconnect Việt Nam, “Wolfoo” là bộ phim hoạt hình do những người trẻ Việt Nam sản xuất được Sconnect phát hành từ năm 2018, hiện đã sản xuất lên tới 3.700 tập, dịch ra 20 ngôn ngữ và đang được phát tại các nền tảng mạng xã hội, truyền hình tại nhiều quốc gia. “
Wolfoo” đạt bình quân hơn 3 tỉ lượt xem mỗi tháng, trong đó lượng khán giả đông đảo nhất là ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ… Bộ phim có nội dung kết hợp giữa giải trí và giáo dục, dành cho trẻ nhỏ từ 3 - 8 tuổi, xoay quanh cuộc sống của Wolfoo với gia đình và bạn bè, thầy cô, hàng xóm.
Ngoài “Wolfoo”, phim hoạt hình “Spring roll dream” (Giấc mơ gỏi cuốn) của Mai Vũ xuất hiện tại hạng mục tranh cử chính La Cinef tại LHP Cannes lần 75, và được trao giải Light on Women Award 2022 cũng phần nào định hình được giấc mơ hoạt hình Việt vươn ra quốc tế.
Phim hoạt hình 'Wolfoo' của đội ngũ sáng tạo trẻ Việt Nam đang được phát hành rộng rãi tại nhiều quốc gia. |
Tuy nhiên, dù các nhà làm phim rất nỗ lực ghi tên Việt Nam trên bản đồ hoạt hình thế giới nhưng phải thừa nhận vẫn còn quá nhiều hạn chế.
Hai bộ phim dù nổi tiếng nhưng chưa đủ hình thành một khu rừng, và dù lịch sử hoạt hình Việt đã tồn tại hơn 60 năm nhưng “vẫn chỉ dừng lại ở những bộ phim ngắn 10 - 15 phút, ít phim 30 phút, chưa có nhiều phim hoạt hình dài, nhất là phim 90 phút đủ để chiếu rạp” đúng như nhận xét của bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu trong Tọa đàm “Năng lực sản xuất và hợp tác quốc tế làm phim hoạt hình Việt Nam”.
Ở “mỏ vàng” phim hoạt hình, thế giới đang khai thác mạnh, Việt Nam dù bỏ lỡ thời cơ nhưng chưa phải đã hết cơ hội. Phim hoạt hình “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” có quy mô 450 tập, sản xuất bằng công nghệ 3D hiện đại sẽ được phát hành đa nền tảng ở nhiều quốc gia.
Đặc biệt, phim chứa đựng những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của Việt Nam như phong tục, lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian, ca dao, tục ngữ; thần thoại, huyền tích, nhân vật lịch sử… được thể hiện cách hiện đại và gần gũi theo xu thế của công nghiệp hoạt hình đương đại.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà sản xuất, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng - cũng là họa sĩ chính của dự án phim “Trạng Quỳnh thời nhí nhố”, cho biết: “Dự án sẽ phát triển lên series chất lượng cao đảm bảo phát hành trên nền tảng truyền hình trả phí cao cấp, và trong tương lai không xa sẽ thực hiện bộ phim dài với chất lượng chiếu rạp.
Đồng thời, tôi xây dựng giáo trình đào tạo liên kết chuyên ngành họa sĩ, đạo diễn làm phim hoạt hình chuyên nghiệp với các đối tác lớn và các trường đại học để phát triển ngành nghề, tìm kiếm các tài năng”.
Đạo diễn - họa sĩ Trịnh Lâm Tùng tại lễ ra mắt 'Trạng Quỳnh thời nhí nhố'. |
Phải thay đổi để thích ứng
Được ví như “mỏ vàng” nhưng để khai thác tài nguyên phim hoạt hình thì không hề đơn giản. Một bộ phim hoạt hình thú vị không chỉ ở nội dung nhẹ nhưng sâu, mà chủ yếu vì hình thức thể hiện. Đằng sau tạo hình ngộ nghĩnh là sự sáng tạo trên nền tảng hài hước. Sự hài hước, hóm hỉnh không phải để chọc cười, mà là biểu hiện vui vẻ của tâm hồn nhạy cảm, linh hoạt và thông minh.
Tạo hình của “The Ice Age”, “Lion King”, “Moana”, “Toy Story”, “Cars” hay “Coraline” chẳng những thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về thế giới, mà còn cho thấy chúng hoàn toàn không đơn giản chỉ là “hình vẽ động”. Vì thế, làm phim hoạt hình thì óc khôi hài không bao giờ già nua, xơ cứng và khô héo.
Lịch sử phim hoạt hình Việt Nam tuy ra đời sớm nhưng lại đi sau nhiều nước, bởi nhiều lý do chưa thể khắc phục ngày một ngày hai. Bởi vậy, liên kết ngành và hiện đại hóa sản xuất bằng công nghệ 3D là một trong những giải pháp mà một số nhà làm phim hoạt hình Việt Nam đang áp dụng, trong đó có “Trạng Quỳnh thời nhí nhố”.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng thẳng thắn rằng, thực tế nền hoạt hình của chúng ta còn yếu kém. Số ít có đủ năng lực sản xuất gia công cho các hãng phim quốc tế. Lý do là chưa tạo được mặt bằng thu nhập tốt cho người làm nghề. Chất lượng chưa được coi trọng mà tập trung vào sản lượng, đáp ứng các nền tảng “dễ tính”. Các hãng nước ngoài chi trả thù lao khá xứng đáng, họ được làm việc trong môi trường với những đối tác, đồng nghiệp chuyên nghiệp.
Điều quan trọng và lớn hơn đó là nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta mới đang dừng lại ở gia công một số công đoạn. Việc này ví làm phim giống như xây một tòa nhà thì gia công chỉ là những mảnh ghép, và như vậy sẽ còn phải loay hoay nhiều.
Là người làm nghề, nhìn nhận rõ những chướng ngại chưa thể vượt qua, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng hy vọng ngành hoạt hình Việt được nhìn nhận một cách khách quan đầy đủ hơn. Đây là một ngành phát triển trong tương lai gần cùng với xu hướng của thế giới. Nó có tác động mạnh đến sự phát triển xã hội, có ảnh hưởng đến nền kinh tế, văn hóa của đất nước.
Nhu cầu về nhân sự phục vụ cho ngành ngày càng cao đáp ứng đầu ra cho các trường đào tạo, tạo công ăn việc làm lớn cho lực lượng trong độ tuổi lao động, sáng tạo. Để hoạt hình Việt ghi tên trên bản đồ hoạt hình thế giới, đội ngũ những người làm phim cũng phải nỗ lực thay đổi, tạo ra những sản phẩm có giá trị.
Trước ý kiến cho rằng, để có những bộ phim hoạt hình chiếm lĩnh thị trường quốc tế thì phải có những người làm phim tên tuổi, dẫn dắt được ngành làm phim hoạt hình Việt Nam.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng thẳng thắn: “Không nhất thiết phải có một ai đó cụ thể dẫn dắt, bởi người có chuyên môn cao chưa chắc đã có tầm nhìn chiến lược hay giỏi phân tích về thị trường. Ngược lại, nhà đầu tư, nhà nghiên cứu lại không phải là người có chuyên môn cao đủ để tiếng nói có trọng lượng với người làm nghề.