'Mỏ vàng' bị quên lãng ở phim hoạt hình Việt

GD&TĐ - Ra đời và phát triển hơn 60 năm, nhưng phim hoạt hình Việt Nam không những chưa đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn tụt lùi so với thế giới.

Dù đạt được những thành quả nhất định, nhưng hoạt hình Việt chưa có phim chiếu rạp. Ảnh minh họa: ITN.
Dù đạt được những thành quả nhất định, nhưng hoạt hình Việt chưa có phim chiếu rạp. Ảnh minh họa: ITN.

Hoạt hình Việt èo uột

Thống kê từ trang Box Office Vietnam cho thấy, sau gần 20 ngày ra rạp (kể từ ngày 29/9), phim hoạt hình “PAW Patrol: Phim siêu đẳng” đạt doanh thu trên 15 tỷ đồng - xếp thứ 9 trong các phim có doanh thu cao đang được trình chiếu.

Tính riêng doanh thu cuối tuần, phim đạt gần 2,5 tỷ đồng với trên 23.000 vé bán ra qua hơn 1.400 suất chiếu.

PAW Patrol là một loạt phim truyền hình dành cho trẻ em của Canada được tạo ra bởi Keith Chapman, ra mắt năm 2013. Sau đó phần phim điện ảnh đầu tiên mang tên “PAW Patrol: Phim đội đặc nhiệm siêu đẳng” phát hành năm 2021 gặt hái thành công lớn. Nhóm “biệt đội cún” dùng năng lực đặc biệt bảo vệ cuộc sống con người trở nên quen thuộc với trẻ em trên thế giới.

Thương hiệu PAW Patrol tiếp tục ra mắt phim hoạt hình vào cuối tháng 9/2023 gọi là “PAW Patrol: Phim siêu đẳng” (The Mighty Movie). Nội dung phần mới là dàn cún cưng sở hữu siêu năng lực đối đầu với siêu ác nhân để bảo vệ thành phố Phiêu Lưu (Adventure City).

Theo thống kê, đến nay PAW Patrol đã hiện diện trên 160 quốc gia và là người bạn thân của hơn 350 triệu gia đình khắp thế giới.

Quan sát trong bảng xếp hạng Box Office Vietnam hoặc các trang xếp hạng độc lập khác, hẳn khán giả Việt sẽ rất thất vọng vì hiếm khi thấy hoạt hình Việt ghi danh. Điều đó phần nào phản ánh thực trạng của mảng phim hoạt hình nội địa, đồng thời thể hiện rất rõ những khoảng trống trên thị trường điện ảnh nói chung.

Doanh thu phim hoạt hình 'PAW Patrol: Phim siêu đẳng' (Canada) đạt doanh thu trên 15 tỷ đồng sau chưa đầy 20 ngày chiếu rạp tại Việt Nam.
Doanh thu phim hoạt hình 'PAW Patrol: Phim siêu đẳng' (Canada) đạt doanh thu trên 15 tỷ đồng sau chưa đầy 20 ngày chiếu rạp tại Việt Nam.

Chủ đề phim hoạt hình Việt Nam đã được giới chuyên gia bàn luận từ lâu, trở thành nỗi niềm khó nói của không ít nhà sản xuất. Tuy nhiên, có thể thấy chủ đề này bùng nổ mạnh từ tháng 5/2023 khi phần phim điện ảnh thứ 42 của Doraemon trở lại rạp chiếu Việt với tên gọi “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời”.

Ra rạp giữa thời điểm có hàng loạt phim “bom tấn” đang trình chiếu, nhưng Doraemon vẫn bất chấp đối thủ và trở thành phim hoạt hình có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam.

Chỉ sau 2 ngày chiếu sớm và 10 ngày khởi chiếu chính thức, “Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời” đã thu hút trên 800 nghìn lượt khán giả ra rạp, thu về trên 80 tỷ đồng. Con số này thậm chí còn vượt qua phần phim “Conan thứ 25” ra mắt vào năm 2022.

Nhìn vào các bảng xếp hạng, công chúng dễ nhận thấy sự thật hiển nhiên rằng, phim Việt không có cửa để so với phim nước ngoài.

Trong khi ý kiến của giới chuyên môn thẳng thắn chỉ ra các yếu huyệt của phim nội địa thua trên “sân nhà”, thì mảng phim hoạt hình nói riêng lại giống như một “thân cây không cành lá”, sống èo uột giữa khu rừng tươi tốt, đó chính là khoảng trống không gì bù đắp khi thiếu vắng các bộ phim hoạt hình Việt Nam có dấu ấn để cạnh tranh với phim nước ngoài.

Lãng phí “mỏ vàng”

Phim hoạt hình ở nhiều nước được xem là “mỏ vàng” khi không chỉ chiếu trên truyền hình, mà còn làm khuynh đảo các cụm rạp, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng mọi lứa tuổi.

Thống kê chưa đầy đủ tính đến ngày 4/10/2023, doanh thu trên toàn thế giới của phim hoạt hình “Sen và Chihiro ở thế giới thần bí” đã đạt trên 395 triệu USD, riêng phần phim “Doraemon: Đôi bạn thân” cũng đạt gần 184 triệu USD.

Đáng chú ý, top 3 phim hoạt hình có doanh thu cao nhất thế giới đều thuộc về Nhật Bản, gồm: “Sen và Chihiro ở thế giới thần bí” (trên 395 triệu USD), “Your Name – Tên cậu là gì?” (trên 380 triệu USD) và “Thanh gươm diệt quỷ: Chuyến tàu vô tận” (trên 503 triệu USD).

Xem người lại ngẫm đến ta, hoạt hình nước ta không phải không có. Ngược lại, nền lịch sử hoạt hình Việt đã hình thành và tồn tại 64 năm - kể từ dấu mốc thành lập Xưởng phim hoạt họa búp bê Việt Nam vào ngày 9/11/1959 (nay là Hãng phim hoạt hình Việt Nam).

'Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời' - phần thứ 42 của Doraemon (Nhật Bản) chiếu tại Việt Nam từ tháng 5/2023 và thu về trên 80 tỷ đồng.

'Doraemon: Nobita và vùng đất lý tưởng trên bầu trời' - phần thứ 42 của Doraemon (Nhật Bản) chiếu tại Việt Nam từ tháng 5/2023 và thu về trên 80 tỷ đồng.

Trong nhiều năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có khoảng 800 phim hoạt hình với quy mô sản xuất 25 - 30 phim/năm.

Nhiều phim hoạt hình Việt được ghi nhận tại liên hoan phim quốc gia, cũng có phim đoạt giải quốc tế. Trong những năm gần đây, bên cạnh Hãng phim hoạt hình Việt Nam còn có nhiều hãng tư nhân phát triển lớn mạnh tham gia sản xuất phim hoạt hình và đạt được những thành quả nhất định.

Trong đó phải kể đến phim “Spring roll dream” (Giấc mơ gỏi cuốn) của đạo diễn trẻ Mai Vũ xuất hiện tại hạng mục tranh cử chính La Cinef tại LHP Cannes lần 75. Vượt lên nhiều tác phẩm hoạt hình nổi tiếng của các quốc gia, “Giấc mơ gỏi cuốn” đã được trao giải Light on Women Award 2022. Bộ phim là hành trình đầy đam mê về đề tài ẩm thực và khoảng cách thế hệ gia đình trong văn hóa Việt.

Trong phim, Mai Vũ sử dụng kỹ thuật stop-emotion (hoạt hình tĩnh vật), các nhân vật được xây dựng bằng kỹ thuật ghép chuỗi động tác, liên tục, giúp người xem cảm giác các nhân vật như đang chuyển động. Để có được những thước phim sinh động, Mai Vũ đã mất hơn 3 tháng để xây dựng nhân vật rối có kích thước 27cm với thiết kế cực kỳ tỉ mỉ.

Tuy nhiên nhìn vào tổng thể bức tranh hoạt hình Việt Nam, rõ ràng “một cây làm chẳng nên non”. Khi các hãng tư nhân không mặn mà với liên hoan phim trong nước mà chỉ chăm chú sản xuất để dự liên hoan phim ở nước ngoài, thì đủ thấy sự tụt lùi của hoạt hình nội địa.

Theo báo cáo của Yahoo Finance, thị trường phim hoạt hình toàn cầu ước đạt 391,19 tỷ USD năm 2022, dự kiến lên tới 587,1 tỷ USD vào năm 2030, với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm là 5,2%.

Số liệu này cho thấy, phim hoạt hình là một “mỏ vàng” lộ thiên đang được thế giới khai thác mạnh. Tuy nhiên, Việt Nam lại lãng phí tài nguyên ấy khi không có phim chiếu rạp, và đành để hoạt hình ngoại “lấn sân”.

Theo giới chuyên gia, sự đầu tư chưa đúng tầm, thiếu trước hụt sau là nguyên nhân Việt Nam không thể có những bộ phim hoạt hình lớn, có thời lượng dài, đủ sức thu hút người xem mua vé tại rạp.

Bởi vậy, vào tháng 10/2022 tại Tọa đàm Năng lực sản xuất và hợp tác quốc tế làm phim hoạt hình Việt Nam, bà Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh nói rằng, đã đến lúc Việt Nam mở rộng tầm nhìn, thay đổi cách đánh giá năng lực và cách thức sản xuất phim hoạt hình, mở ra hướng hợp tác quốc tế, tạo sự phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ