Phía sau thành công của học trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với lòng tận tụy, tâm huyết, thầy Nguyễn Phúc Thịnh (Trường THPT Phan Văn Trị) đã dẫn dắt các thế hệ học trò đoạt nhiều giải thưởng cao.

Thầy Thịnh cùng học trò tại các lễ trao giải thưởng khoa học sáng tạo.
Thầy Thịnh cùng học trò tại các lễ trao giải thưởng khoa học sáng tạo.

Không chỉ giỏi chuyên môn, thầy Nguyễn Phúc Thịnh, Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) còn nhiệt tình hỗ trợ, hướng dẫn nhiều thế hệ học sinh đoạt giải thưởng khoa học sáng tạo.

Không quản ngại khó khăn

Nghề giáo có ưu thế hơn những ngành nghề khác là được làm việc, gặp gỡ, trò chuyện cùng các bạn nhỏ. Điều đó giúp tôi thấy tâm hồn mình như trẻ lại, có nhiều năng lượng tích cực để đổi mới trong dạy học và nghiên cứu.

Thầy NGUYỄN PHÚC THỊNH

Thầy Nguyễn Phúc Thịnh, giáo viên môn Hóa, chuyển công tác về Trường THPT Phan Văn Trị từ tháng 8/2017. Cũng từ thời điểm đó, ngôi trường mang tên nhà thơ yêu nước có thêm nhiều giải thưởng của “Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng”, mà người góp công trực tiếp là thầy Thịnh.

Trước đó, năm 2009, khi còn công tác tại Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ), thầy Thịnh đã phát hiện nhiều học sinh có đề tài sáng chế khoa học kỹ thuật thiết thực, nhưng khi đó việc nghiên cứu sáng tạo chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết. “Nhiều em đam mê sáng chế, nhưng ít có thầy cô hướng dẫn thực hiện. Vậy nên tôi đã tìm tòi, nghiên cứu để hướng dẫn các em”, thầy Thịnh kể lại.

Hành trình tiếp lửa cho học sinh đến với nghiên cứu khoa học rất cam go. Nhưng với lòng tận tụy, tâm huyết, thầy Thịnh đã dẫn dắt nhiều thế hệ học trò đoạt giải thưởng. Nguyễn Thị Trúc Mai, học sinh lớp 11A11 Trường THPT Phan Văn Trị, chia sẻ: “Sau khi biết được đam mê của em và các bạn trong nhóm, thầy đã định hướng và khơi gợi nhiều điều để nhóm tự nghiên cứu trau dồi thêm. Mỗi dự án thường mất khoảng 6 - 7 tháng để hoàn thành, tuy nhiên trong quá trình làm việc, thầy luôn động viên tinh thần cả nhóm. Thỉnh thoảng, thầy còn nấu ăn cho chúng em và chia sẻ những câu chuyện vô cùng thú vị”.

Thầy Đặng Đình Vũ, Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Phan Văn Trị, cho biết, thầy Nguyễn Phúc Thịnh có lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức trong sáng, chân thành, giản dị, hòa đồng với đồng nghiệp, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, tác phong làm việc chu đáo, cẩn thận.

“Trong công tác, thầy luôn tận tụy, hết lòng, không ngại khó khăn, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến đóng góp của đồng nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tin học trẻ và học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, thầy luôn làm việc nhẹ nhàng nhưng hiệu quả công việc mang lại rất cao, luôn được các tập thể hội đồng nhà trường tin tưởng và yêu quý”, thầy Vũ cho biết.

Giúp trò giành nhiều giải thưởng

Thầy Thịnh là người hướng dẫn cho học sinh tham gia và đoạt hàng chục giải thưởng sáng tạo. Nhiều đề tài nghiên cứu của nhóm học sinh do thầy phụ trách được đánh giá cao như: Bảo vệ nữ quyền bằng công nghệ, chế tạo xe lăn cho người già khuyết tật... Riêng tại TP Cần Thơ, thầy Thịnh đã cùng học trò đoạt được nhiều giải tại Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng TP trong năm học 2015 – 2016 (đoạt 3 giải Nhì), năm 2016 – 2017 (đoạt 1 giải Nhất, 5 giải Ba, 1 giải Khuyến khích), năm học 2017 – 2018 (đoạt 3 giải Nhì); năm học 2018 – 2019 (đoạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích).

Đặc biệt, 2 mô hình sáng tạo của học sinh được thầy Thịnh hướng dẫn đoạt giải quốc gia là xe lăn tiện ích (giải Nhất) và thiết bị hỗ trợ giao tiếp, dò đường và điều khiển thiết bị gia đình cho người khuyết tật (giải Khuyến khích). Trong năm học 2019 - 2020, các học trò được thầy hướng dẫn cũng đoạt 1 giải Nhất, 2 giải Nhì.

Trong Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28 được trao giải vào ngày 21/8/2022, nhóm học sinh Trường THPT Phan Văn Trị dưới sự hướng dẫn của thầy Thịnh với sản phẩm sáng tạo “SEGI, hỗ trợ trong việc bảo vệ, phòng chống xâm hại ở nữ giới” đã xuất sắc mang về giải Nhì cho đội. SEGI là sản phẩm vô cùng hữu ích để bảo vệ nữ giới, đặc biệt là học sinh nữ.

Không chỉ giáo dục những kiến thức hàn lâm, thầy Thịnh còn chú trọng hướng dẫn trò phát huy sự sáng tạo, ứng dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống. Những điều đó không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho người học, mà còn khơi dậy ở những mầm non tương lai của đất nước về sứ mệnh của thế hệ trẻ, với ý thức cống hiến vì lợi ích cộng đồng.

Thầy Đặng Minh Vương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị, chia sẻ, chuyên môn giảng dạy là Hóa học, nhưng thầy có niềm đam mê mãnh liệt trong nghiên cứu các lĩnh vực về vật lý, công nghệ. Ngoài nghiên cứu, thầy còn phát hiện được những ý tưởng, giúp học sinh định hướng hoàn thiện sản phẩm. Trong quá trình lập trình hoặc thiết kế, chi tiết mẫu mã sản phẩm, thầy cũng hỗ trợ các em rất nhiều.

Để thầy Thịnh có thời gian giúp đỡ học sinh, ban giám hiệu nhà trường đã sắp xếp thời khóa biểu hợp lý. Ngoài ra, nhà trường cũng bố trí riêng một phòng học để thầy trò có thể nghiên cứu, sáng tạo tại trường. “Với các sản phẩm có tính ứng dụng cao, nhà trường liên kết với một số đơn vị để đưa sản phẩm thực nghiệm, xin nhận xét đánh giá về tính năng của sản phẩm để hoàn thiện”, thầy Đặng Minh Vương chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.