Thầm lặng sau thành công của học trò

GD&TĐ - Thầy Mai Văn Quyền là giáo viên “nổi tiếng” đối với nhiều thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu trong vai trò giám thị nghiêm khắc. 

Thầy Mai Văn Quyền trao đổi kiến thức với học sinh
Thầy Mai Văn Quyền trao đổi kiến thức với học sinh

Thầy là một người tận tâm dạy môn Vật lý, Công nghệ. Có thể ví thầy là người hùng thầm lặng, đứng sau chiến công của trò tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT), từ khi phong trào này mới bắt đầu được khởi xướng tại Nghệ An.

Thầy giám thị nổi tiếng

“Em kia! Tên gì, học lớp nào”! là câu nói được nhiều thế hệ học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhớ mãi mỗi khi nhắc đến thầy Mai Văn Quyền. Năm 2019, thầy giáo Mai Văn Quyền đã có hơn 10 năm công tác ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Là thầy giáo dạy bộ môn Vật lý và Công nghệ, thầy Quyền được biết đến nhiều hơn với vai trò là giám thị.

Đây cũng là một công việc khá đặc biệt, mà khi liên tưởng đến nhiều người sẽ nghĩ là một công việc “không tên”, một vị trí mà nhiều học sinh khi nhắc đến sẽ ái ngại. Nhưng với thầy Quyền, nhiều năm gắn bó với công việc này, thầy lại được rất nhiều học trò yêu quý, nể hơn là sợ bởi thầy nghiêm khắc nhưng lại xử lý, có lý có tình.

“Học trò của Trường Phan, so với các trường khác các em đều ngoan và nghe lời. Tuy nhiên đã là học trò thì lúc nào cũng có những trò “nhất quỷ nhì ma”. Để xây dựng nề nếp ở trường, đầu năm tôi chủ động xây dựng một quy chế riêng và cho từng lớp góp ý. Trên cơ sở đó, khi đã đi vào triển khai, các em phải nghiêm túc thực hiện và chấp hành đúng các quy định do chính các em đã cho ý kiến và nhất trí.

Học sinh nhớ đến thầy với vai trò giám thị. Trong những bảng vàng thành tích của ngôi trường chuyên xứ Nghệ khi được xướng tên tại các kỳ thi Olympic quốc tế, tên thầy Quyền ít khi được nhắc đến. Chỉ đến đầu năm 2018, khi dự án chưng cất nước ngọt từ nước biển của 2 cậu học trò Phùng Văn Long và Mai Nhật Anh dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy được chọn dự thi KHKT quốc tế tại Mỹ thì cả ba thầy trò mới được biết đến nhiều hơn. Đặc biệt, lại kèm với một sự cố không ai mong muốn, đó là 1 em bị trượt khi phỏng vấn visa sang Mỹ.

Tận tâm với trò, tận lực với khoa học

Thầy Mai Văn Quyền (ngoài cùng bên phải) cùng học trò lần đầu tiên tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Mỹ
Thầy Mai Văn Quyền (ngoài cùng bên phải) cùng học trò lần đầu tiên tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tổ chức tại Mỹ

Nhắc về câu chuyện cũ, thầy Mai Văn Quyền chia sẻ sự cố đó khiến rất nhiều người hồi hộp và lo lắng: “Khi lần thứ 2 xin visa không thành công, tôi không nghĩ đến mình mà chỉ thương học trò. Nhưng ba thầy trò không có thời gian để lo lắng mà thay vào đó lại phải gấp rút xây dựng phương án mới để khi có được visa thì ngay lập tức lên đường”. Dự án “Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển” của thầy và trò Mai Văn Quyền cũng là dự án đầu tiên của Nghệ An được tham dự cuộc thi KHKT quốc tế

Ở một cuộc thi tầm cỡ quốc tế, xung quanh là nhiều nước lớn là một thách thức rất lớn nhưng cũng là cơ hội học hỏi quý giá cho thầy, trò xứ Nghệ. Khác với các cuộc thi Olympic quốc tế khác mà Trường Phan từng có học sinh đi thi, kỳ thi KHKT hoàn toàn mới mẻ và không chỉ trò, mà thầy cũng hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào. “Ở cuộc thi quốc tế, có rất nhiều điều khắt khe mà nếu không được sự chuẩn bị kỹ lưỡng mình có thể thua ngay vòng đầu. Chẳng hạn, tại Mỹ họ đặc biệt chú ý đến vấn đề sở hữu, bản quyền... Vì vậy, dù chỉ một chiếc logo nhỏ Ban tổ chức cũng yêu cầu mình xác minh đã chắc chắn chưa, có bị tranh chấp không. Rất nhiều dự án khi sang đến Mỹ buộc phải che dán lại nhiều nội dung vì các tác giả không có các giấy tờ để chứng minh được tính pháp lý”, thầy Quyền nói.

Ngay với dự án của học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, trước khi sang Mỹ vì không có kinh nghiệm nên thầy và trò vẫn giữ nguyên hệ thống đã từng được thực nghiệm ở nước nhà. Nhưng, chính vì sơ suất này nên một số bộ phận trong sản phẩm đã bị hoen rỉ nên Ban tổ chức không cho phép dùng sản phẩm để thuyết trình trực tiếp. Các em buộc phải thuyết trình qua video đã được chuẩn bị trước đó, khiến cho tính hấp dẫn của dự án chưa được truyền tải được hết với ban giám khảo... Nhìn lại cuộc thi, thầy Quyền tâm sự thêm: So với thế giới công nghệ của chúng ta khá non trẻ nhưng chúng ta có khá nhiều ý tưởng hay và sự sáng tạo trong thực hiện. Ở cuộc thi này, dù khởi đầu không suôn sẻ nhưng chúng tôi sẽ lấy đó là động lực để phấn đấu, bởi “thất bại chính là mẹ của thành công” và nếu còn có cơ hội, chúng tôi chắc chắn sẽ làm tốt hơn.

Mục tiêu không phải là giải thưởng

Thầy Mai Văn Quyền tâm sự, về Trường Phan Bội Châu là một cơ duyên bất ngờ và đặc biệt với mình: Tôi không nghĩ mình có nhiều cơ hội ở ngôi trường chuyên, các ứng viên thi tuyển cùng đợt có nhiều người tốt nghiệp ĐH loại giỏi, rất xuất sắc. Tôi chỉ biết thử sức và cố gắng hết mình. Kết quả tôi trúng tuyển, tôi nhớ mãi nhà giáo Đậu Văn Mùi – là Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu lúc đó từng nói: Cái đang thiếu của nhà trường là Vật lý thực nghiệm. Đây là sở trường của em, thầy tin tưởng em sẽ làm tốt, và sẽ đem lại nhiều thành quả cho học sinh, cho nhà trường trong tương lai.

Lời động viên, khích lệ và đặt niềm tin của thầy hiệu trưởng lúc đó khiến thầy giáo trẻ rất cảm động và quyết tâm khi nhận nhiệm vụ ở trường mới. Cho đến bây giờ, thầy Quyền vẫn luôn nói: “Điều may mắn nhất của thầy là được tập thể nhà trường tin tưởng và giao cho thầy một công việc đúng với năng lực và sở trường”.

5 năm trước, khi lần đầu tiên Nghệ An bắt đầu triển khai các dự án để tham dự các cuộc thi KHKT các cấp, thầy Quyền đã có nhiều cơ hội để phát huy kiến thức của một giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý thực nghiệm. Có những thời điểm cả thầy và trò mất hàng tháng liền mất ăn mất ngủ chỉ để thực nghiệm, hoàn thành rồi cải tiến một ý tưởng thành hiện thực. Làm khoa học, không dễ dàng và rất nhiều áp lực, có khi rơi vào bế tắc vì bí đề tài. Nhưng, chính sự khó khăn này lại là động lực, là chất xúc tác thầy trò thường xuyên học hỏi, cố gắng và sáng tạo: Điều thú vị của KHKT đó là luôn luôn mới và không có đáp án.

Mặt khác, chính các em học sinh là cả một kho ý tưởng tuyệt vời, táo bạo, bất ngờ. Cũng vì vậy mà sau bao nhiều năm, thầy giáo vẫn luôn say mê, đam mê với KHKT, để truyền lửa cho học sinh và tạo ra nhiều thành công cho đội tuyển nhà trường. Liên tục trong các năm học gần đây, năm nào các dự án của thầy và trò Mai Văn Quyền cũng đều nằm trong tốp đầu của tỉnh, của quốc gia tại các cuộc thi sáng tạo KHKT. Gần đây nhất, 2 dự án của học trò Trường Phan, do thầy hướng dẫn cũng đã đạt giải Nhất cuộc thi KHKT cấp tỉnh và dự thi KHKT quốc tế 2019.

Với nhiều thành công ở mảng sáng tạo khoa học công nghệ, thầy giáo Mai Văn Quyền cũng đã trở thành một trong những thầy giáo có bề dày nhất ở Nghệ An trong lĩnh vực này. Với thầy Mai Văn Quyền, đã là sáng tạo thì có tính “bản quyền”, nhưng là nhà giáo, là người hướng dẫn thầy không bao giờ giấu nghề sẵn sàng chia sẻ, giúp cho rất nhiều đồng nghiệp ở các đơn vị khác nếu có đề nghị. Bí quyết để thành công, đó là “không nên mục tiêu phải là giải mấy mà sản phẩm mới chính là mục tiêu của mình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.