Thầy giáo "tiếp lửa" cho học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học

GD&TĐ - Thầy giáo Nguyễn Thanh Hưng – Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho rằng, tuyển chọn và bồi dưỡng đội tuyển thi HS giỏi các cấp chỉ là một trong những mục tiêu của trường chuyên.

TS Nguyễn Thanh Hưng - Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.
TS Nguyễn Thanh Hưng - Tổ trưởng Tổ Hóa học, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn.

Xây dựng hệ sinh thái giáo dục 4.0

Có bằng thạc sĩ Hóa học nhưng thầy Nguyễn Thanh Hưng lại chọn làm nghiên cứu sinh về giáo dục tại Anh trong khoảng thời gian từ năm 2010 – 2013. Thầy Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ: “Hiện nay, rất ít thầy cô quan niệm làm giáo dục thì phải học giáo dục. Tôi thì cho rằng, đây là một mảng rất quan trọng. Nó giúp mình nhìn được cả bức tranh tổng thể của giáo dục. Những hoạt động của mình đều có định hướng rõ nét. Mỗi việc mình làm, mình biết được nó nằm ở đâu trong hệ thống, không chỉ trong hệ thống giáo dục của Việt Nam mà còn cả hệ thống giáo dục nói chung”.

"Nằm trong lộ trình chuyển đổi số, chúng tôi đã kết nối với Microsoft để triển khai mô hình Trường học điển hình Microsoft để thực hiện số hóa nền tảng dạy học bài bản, lâu dài chứ không chỉ dừng ở các đợt giãn cách xã hội" - TS Nguyễn Thanh  Hưng

Ngoài tập trung cho công tác chuyên môn, phụ trách đội tuyển Hóa học, TS Nguyễn Thanh Hưng đang ưu tiên tập trung cho xây dựng chuyển đổi số trong gió dục. Theo thầy Hưng, chuyển đổi số là cách tốt nhất để giảm sức lao động cho các thầy cô và cũng giúp nâng cao hiệu quả dạy học.

“Tôi cho rằng, muốn số hóa thì phải bắt đầu từ giáo dục trước. Thầy cô giáo phải có ý thức về số hóa và truyền lại cho HS để có được những thế hệ HS có ý thức về số hóa thì xã hội mới số hóa được. Nếu lỡ nhịp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này thì đất nước sẽ khó phát triển” – thầy Hưng nhận định.

Hội thảo Định hướng chuyển đổi số trong trường học do Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức
Hội thảo Định hướng chuyển đổi số trong trường học do Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tổ chức 

Với vai trò trưởng ban CNTT của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thầy Hưng đã chủ trì thiết lập hệ thống Microsoft Office 365 A1 phục vụ cho công tác quản lý, dạy-học trực tuyến trong toàn trường; biên soạn sách và tập huấn hướng dẫn sử dụng các ứng dụng và dịch vụ hệ sinh thái giáo dục Microsoft trong nội bộ nhà trường. Ngoài ra, thầy Hưng cũng đảm nhận hỗ trợ các trường THPT Thanh Khê và THPT Liên Chiểu thiết lập hệ thống Microsoft Office 365 A1 và tập huấn hướng dẫn sử dụng. 

Năm học 2019 - 2020, thầy Nguyễn Thanh Hưng đảm nhiệm chủ trì biên soạn thư viện bài tập hóa học phổ thông trực tuyến cho ba khối lớp 10, 11 và 12. Chủ trì biên soạn giáo trình chuyên, bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc gia, môn Hóa học. Hiện nay, các lớp chuyên Hóa của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đều dùng giáo trình, sile bài giảng bằng tiếng Anh. 

Trao cơ hội nghiên cứu khoa học cho học sinh và giáo viên

Có nhiều HS Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã tham gia cùng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học với các anh chị sinh viên thuộc nhóm Học tập – Nghiên cứu (SRT: Study Research Team) và giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu đã được công bố quốc tế trong hệ thông WoS (Q2)

Thầy Nguyễn Thanh Hưng cho biết, kết nối với các chuyên gia ở các trường ĐH, Viện nghiên cứu là một trong những nỗ lực để trao cơ hội và thúc đấy cho học sinh nhà trường nghiên cứu khoa học.

“Chúng tôi chủ trì một số buổi sinh hoạt chuyên đề về phương pháp nghiên cứu khoa học NCKH). Từ đây, HS sẽ chọn cho mình lĩnh vực thế mạnh để theo đuổi. Nhà trường sẽ căn cứ vào lựa chọn của HS để kết nối với các trường đại học, cùng tổ chức các hoạt động như giới thiệu các xu hướng nghiên cứu mới, một số trường hợp nghiên cứu cụ thể… để HS có những hình dung ban đầu về môi trường NCKH” – thầy Hưng thông tin.

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tham gia trải nghiệm thực tế tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng trong chuỗi hoạt động hướng nghiệp và nghiên cứu khoa học
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn tham gia trải nghiệm thực tế tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng trong chuỗi hoạt động hướng nghiệp và nghiên cứu khoa học

TS Nguyễn Thanh Hưng vẫn mong muốn có một sự bền vững trong hỗ trợ cho HS NCKH. “Tôi rất mong muốn mở được một trường đào tạo online về NCKH cho HS. Trong đó, sẽ kết nối để mời những chuyên gia, giảng viên ở các trường ĐH cùng trao đổi với HS nhà trường. Dưới mỗi video sẽ có những bài test nhỏ để HS làm. Sẽ có những bài mang tính đại cương về nghiên cứu và những bài về các chuyên ngành hẹp” – thầy Hưng nêu ý tưởng.

TS Nguyễn Thanh Hưng nhận xét: Với nhịp điệu học tập của HS trường chuyên, có thể thấy với cách tổ chức dạy - học như hiện nay thì chúng ta đang lãng phí một phần năng lượng của HS. Các trường chuyên hầu như nghiêng khá nhiều về thi đội tuyển nhưng chỉ có một số các em sẽ “lọt” được vào đội tuyển. Số còn lại thì chưa được quan tâm nhiều lắm. Nếu đào tạo song bằng cho HS theo hướng chất lượng cao, các em sẽ có nền tảng ngoại ngữ rất tốt và nhiều cơ hội xin học bổng để du học

Những HS sau khi tham gia khóa học, hoàn thành các đề tài nghiên cứu sẽ nhận được sự đánh giá của các giảng viên ở các trường đại học và được cấp chứng chỉ. Chứng chỉ này cũng là điểm cộng để HS có thể xin học bổng, cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển ĐH… Như vậy, HS sẽ có thêm động cơ để theo đuổi con đường NCKH từ khi còn học phổ thông.

“Nếu dự án này hoàn thành, hàng năm, nhà trường sẽ không phải làm đi làm lại một số hoạt động hướng dẫn những nền tảng NCKH cho HS. Hơn nữa, HS ở các trường THPT khác đều có thể tham gia vào hệ thống để học tập” - thầy Hưng khẳng định. 

Ở một hướng khác, thầy Nguyễn Thanh Hưng còn tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về cách hướng dẫn, đánh giá, hỗ trợ cho HS nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học - kỹ thuật. 

"Trường Lê Quý Đôn đã xác định 4 trụ cột để hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện cho học sinh nhằm đáp ứng các chuẩn mực toàn cầu, đó là: 1) Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm giúp các em học sinh có tính tự lập, sáng tạo; 2) Phát triển kỹ năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ (các em tốt nghiệp tối thiểu sẽ đạt 5.5 điểm IELTS tiếng Anh, N3 tiếng Nhật,...); 3) Sử dụng thành thạo các ứng dụng Công nghệ Thông tin và sử dụng hiệu quả vào các hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học; 4) Bên cạnh giáo dục các kiến thức, học sinh được khuyến khích tham gia vào các câu lạc bộ nhằm không ngừng hoàn thiện các kỹ năng của bản thân" - thầy Lê Vinh - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng).  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ