Luật Giáo dục (sửa đổi) nên thể hiện triết lý giáo dục như thế nào?

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Bởi lẽ không thể và không nên làm điều đó và thông lệ quốc tế từ các nước trên thế giới không làm như vậy. Trong Luật giáo dục và Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) của Việt Nam đã có các điều luật thể hiện triết lý giáo dục (TLGD), như “Mục tiêu giáo dục” (điều 2), “Tính chất, nguyên lý giáo dục” (điều 3), “Yêu cầu về nội dung và phương pháp giáo dục” (điều 6).

Không nên đặt vấn đề có một điều luật riêng về TLGD

Nhóm nghiên cứu Đề tài KHCN cấp quốc gia “Triết lý giáo dục Việt Nam – từ truyền thống đến hiện đại” gồm các chuyên gia trong và ngoài nước đang làm việc tại các trường/ viện công lập và tư thục ở Đài Loan, Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đồng Tháp... cho rằng: Việt Nam cần phải thể hiện TLGD trong Luật Giáo dục qua những điều khoản cụ thể chứ không nên tách thành một chương riêng trong Luật (có thể đặt tên là “mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục”).

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - đề nghị chỉ nên tuyên ngôn về TLGD dưới dạng sứ mệnh, mục tiêu, nhiệm vụ, tính chất, nguyên lý giáo dục; không nên quy định về TLGD trong Luật Giáo dục. Thông lệ quốc tế không có quy định riêng về TLGD trong văn bản luật thì ở Việt Nam cũng không nên đặt vấn đề có một điều luật riêng về TLGD. Vấn đề là ở chỗ phải xem xét chỉnh sửa, bổ sung các điều luật hiện có về mục tiêu, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục để thể chế hóa một cách phù hợp các chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ở miền Nam trước đây, “nhân bản, dân tộc, khai phóng” là ba nguyên tắc được xem là nền tảng của TLGD được đưa ra trong Đại hội giáo dục quốc gia năm 1958, rồi ghi trong tài liệu “Những nguyên tắc căn bản” do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959. Đến Đại hội giáo dục quốc gia năm 1964 thì ba nguyên tắc này đã được sửa thành “nhân bản, dân tộc, khoa học”. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967) tuyên bố về ba nguyên tắc này trong Khoản 1 của Điều 11 với nội dung nguyên văn là:“Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản”.

Trong phát biểu của mình, rất nhiều đại biểu khác như PGS.TS. Trần Kiều, GS. TSKH. Phạm Huy Dũng, GS. Hồ Sĩ Quý... cũng đề nghị không nên đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) một chương/mục hay một điều khoản với tên cụ thể là “Triết lý giáo dục”. Tuy nhiên, TLGD hàm chứa các tư tưởng giáo dục cần phải được thể hiện thông qua các chương, điều của Luật.

TS. Nguyễn Văn Hòa đề nghị không nên có điều luật về về TLGD, nhưng Luật Giaó dục cần làm rõ mục tiêu, tính chất của giáo dụcvà nguyên lý của giáo dục, nội dung, phương pháp giáo dục, là kim chỉ nam cho các hoạt động giáo dục.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết nhất trí với chủ trương không đưa ra một điều khoản riêng về TLGD mà thể hiện TLGD ở các điều khoản về mục tiêu giáo dục, tính chất và nguyên lý của giáo dục.

Nên phân biệt “mục tiêu” với “mục đích” giáo dục

Nhóm thực hiện Đề tài cho rằng nên phân biệt “Mục tiêu” với “Mục đích”: Mục đích là tuyên bố về sứ mệnh của giáo dục, còn mục tiêu là sự cụ thể hóa của Mục đích. Trong Luật và Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi) của Việt Nam hiện nay chưa có điều luật về “Mục đích (sứ mệnh) của giáo dục”. Khoản 1 Điều 61 trong Hiến pháp Việt Nam 2013 chính là một tuyên bố về sứ mệnh (Mục đích) của giáo dục: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Văn kiện của các đại hội Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW đã nhiều lần khẳng định sứ mệnh này.

Trong các công trình nghiên cứu của mình về TLGD, GS.VS. Phạm Minh Hạc luôn thừa nhận “giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu” là đường lối của TLGD Việt Nam; còn “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” là sứ mệnh của TLGD Việt Nam. GS.TS. Hồ Sĩ Quý thì lưu ý mục tiêu dạy làm người và dạy làm việc, làm sao để học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường phải biết làm việc, khắc phục độ vênh giữa lý thuyết và thực tiễn trong giáo dục.

Một số ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đề nghị rà soát lại nội dung các Điều 2, 3, 6 của Dự thảo Luật về “Mục tiêu giáo dục”, “Tính chất, nguyên lý giáo dục”, “Yêu cầu về nội dung và phương pháp giáo dục”, sao cho tinh gọn hơn, đồng thời bổ sung cho đầy đủ hơn theo tinh thần quan điểm chỉ đạo nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW. Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để làm rõ hơn trong Dự thảo Luật GD (sửa đổi) các thành tố của TLGD (mục tiêu, tính chất, nguyên lý, nội dung, phương pháp) để làm kim chỉ nam cho các hoạt động giáo dục.

Về mục tiêu giáo dục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới - đề nghị loại bỏ các từ ngữ có nghĩa trùng lặp, các ý trùng lặp, cũng không nhất thiết phải đặt mục tiêu “có ý thức công dân toàn cầu”.

GS Thuyết đề xuất các mục tiêu: “phát triển con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, sức khỏe, năng lực thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, biết phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, đáp ứng nhu cầu phát triển của bản thân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.”

Đồng thời, đề nghị sửa tên Điều 3 thành “Tính chất, nguyên lý giáo dục Việt Nam” cho rõ hơn; thay từ “nhân dân” bằng “dân chủ” vì nội hàm của “dân chủ” rõ nghĩa hơn; bỏ từ “hiện đại” vì tính khoa học đã bao hàm cả tính hiện đại; sửa lại các tính chất của nền giáo dục theo thứ tự: “khoa học, dân tộc, dân chủ”, vì giáo dục trước hết phải có tính khoa học, đồng thời mang bản sắc dân tộc, rồi được thực hiện theo phương thức dân chủ…

“Cụm từ “nền giáo dục xã hội chủ nghĩa” có nghĩa trùng lặp với nghĩa của cụm từ “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng”. Như vậy, tên Điều 3 sẽ thêm chữ Việt Nam và có nội dung: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục khoa học, dân tộc, dân chủ, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” – GS Nguyễn Minh Thuyết góp ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.