Phạt tùy hứng

GD&TĐ - Ngày 31/7, Cảng vụ Hàng không miền Bắc quyết định xử phạt ông Vũ Anh Cường, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Đất Lành 10 triệu đồng vì hành vi sàm sỡ nữ hành khách và tiếp viên hàng không trên chuyến bay VN 253 từ Hà Nội đi TPHCM chiều 26/7. 

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Trong ngày 31/7, được Cảng vụ Hàng không miền Bắc mời lên làm việc, ông Cường đã thừa nhận và “thành khẩn hối lỗi” về hành vi của mình. Việc sàm sỡ hành khách và nữ tiếp viên trên máy bay mà bị phạt đến 10 triệu đồng là “kịch khung” theo Khoản 5, Điều 26 Nghị định 162/2018 của Chính phủ. Nhiều người còn muốn phạt ông Cường ở mức cao hơn, song mức phạt ấy đã là kịch trần rồi. Không ai có thể thắc mắc về mức phạt khi đã áp dụng “tột khung” này, song nếu xét kỹ thì thấy có cảm giác lợn cợn khi cùng một tội danh mà kẻ thì bị phạt kịch trần, người thì chỉ bị phạt ở mức… tượng trưng, như hai vụ việc xảy ra cách đây chưa lâu.

Tháng 5/2019, một người đàn ông tên Dương, trên chuyến xe buýt tuyến 103A (Hương Sơn - Mỹ Đình) di chuyển trên tỉnh lộ 427 (đoạn qua địa bàn xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai - Hà Nội), đã “sờ ngực 3 lần” một phụ nữ đi cùng xe. Ngoài việc bị “ăn một cái tát” từ người phụ nữ này, anh ta chỉ bị Công an huyện Thanh Oai - nơi xảy ra vụ việc, phạt… 200.000 đồng. Công an đã căn cứ theo Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167 của Chính phủ để xử phạt hành vi này chứ không phải phạt tùy hứng.

Trước đó, vào tháng 3/2019, một vụ “cưỡng hôn” trong thang máy tại chung cư thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng đã gây ồn ào trong dư luận, công an buộc phải vào cuộc và chỉ xử phạt thủ phạm 200.000 đồng. Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167 của Chính phủ đã “cứu” người thanh niên sàm sỡ nọ thoát khỏi một án phạt nặng hơn.

Dư luận thắc mắc rằng, sờ ngực phụ nữ đến 3 lần, cưỡng hôn nữ sinh viên với sờ soạng nữ tiếp viên, tuy vị trí và mức độ sờ soạng có khác nhau nhưng tính chất sàm sỡ thì như nhau, thế tại sao kẻ chỉ bị phạt 200.000 đồng còn người thì bị phạt 10 triệu đồng? Phải chăng “sờ” trên máy bay cao giá hơn là “sờ” dưới mặt đất? Nhiều người cho rằng, kiểu phạt như trên là hành pháp tùy hứng, quả không sai tí nào!

Việc xử phạt cho cùng một hành vi như đề cập trên đây đã không công bằng, mức độ phạt, dù đến 10 triệu đồng dành cho việc sàm sỡ phụ nữ cũng không đủ sức răn đe nốt. Phạt như vậy, gọi là phạt… gãi ngứa. Vì nếu vẫn cứ giữ cái khung giá phạt 200.000 đồng cho một lần sàm sỡ (mà chị em gọi là xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể phụ nữ) thì ai cũng có thể “tình nguyện bị phạt” một lần cho… biết!

Luật pháp chỉ có ý nghĩa nếu như nó mang lại sự công bằng cho tất cả mọi công dân. Đại diện cho cơ quan luật pháp nào khi đưa ra mức xử phạt cũng đều nhân danh hoặc trưng ra đủ các điều khoản về luật, song có một “điều khoản” người dân cần nhất, đó là sự công bằng thì có nhiều trường hợp lại không đáp ứng được. Hai thanh niên ở TPHCM bị phạt từ 8 - 10 tháng tù vì tội “ăn cướp” hai ổ bánh mì dạo nào là một ví dụ.

Bản án dành cho người phạm tội luôn ẩn chứa hai mặt: Vừa thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp nhưng cũng vừa mang tính răn đe, giáo dục. Phạt như các trường hợp trên đây chẳng những không ngăn chặn mà còn có vẻ như “khuyến khích” các hành vi sàm sỡ phụ nữ nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ