Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia

GD&TĐ - Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều này tại hội nghị tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” sáng 18/6.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.

Theo Bộ trưởng, xây dựng xã hội học tập là một chủ trương, một công việc rất lớn, rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội; trong đó Bộ GD&ĐT có vai trò nòng cốt.

Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” sau 8 năm triển khai đã đạt được kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Những kết quả đó cho thấy chủ trương lớn, được ban hành kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã đi vào thực tiễn. Trong thời gian tới, công việc này cần triển khai mạnh mẽ, sâu rộng hơn; điều chỉnh phương pháp; thay đổi từ nhận thức đến hành động để có thể triển khai tốt hơn trong thời gian tới.

“Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia” - nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cho rằng, trách nhiệm của chúng ta là phát triển một xã hội hiếu học, một xã hội biết học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập; trong đó tập hợp những cá nhân, thành viên hiếu học.

Nhìn ở tầm vĩ mô, theo Bộ trưởng, công việc của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành, trên cương vị quản lý nhà nước và hoạt động tổ chức xã hội, thực chất là làm 2 công việc quan trọng. Đó là thúc đẩy, khuyến khích, gia tăng nhu cầu học tập và bằng mọi cách thoả mãn tất cả nhu cầu học tập đó. Hai việc này nếu được đẩy mạnh, chúng ta sẽ có một xã hội học tập rất năng động.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020".

Đề cập đến những công việc trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng cho rằng, đầu tiên cần xác định rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển xã hội học tập. Trong các khâu cần đẩy mạnh, tác động, dẫn dắt, vai trò của cá nhân trong phát triển xã hội học tập là vô cùng quan trọng. Mỗi người cần nhận thức được nhu cầu học tập để tự phát triển bản thân. Từng cá nhân phải được hỗ trợ, thúc đẩy, ghi nhận trong phát triển học tập.

Cùng với đó, các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò nòng cốt; các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển xã hội học tập.

“Nếu không có sự vào cuộc, tham dự, nhìn nhận đúng vai trò của doanh nghiệp thì xã hội học tập sẽ thiếu đi một động lực vô cùng quan trọng. Hiện nay, tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng chúng ta cần ngày càng phong phú, nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày. Nếu chỉ trông chờ vào đào tạo 3-4 năm trong trường đại học, hay thời gian ngắn trong trường nghề và nghĩ rằng người học ra trường phải làm được ngay, làm đúng nghề - quan điểm đó cần được điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020".
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020".

Hệ thống trường đại học và các trường nghề hướng đến trang bị kiến thức căn bản, cốt lõi, khả năng tự học, khả năng thích ứng; nhưng không có những chương trình trang bị tất cả mọi thứ như doanh nghiệp mong muốn.

Do đó, doanh nghiệp phải tham dự đào tạo cùng, đào tạo tiếp; cùng các trường đào tạo nhân lực mang tính cá biệt cho nhu cầu riêng của đơn vị, doanh nghiệp. Sức sống của một doanh nghiệp phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đầu tư cho việc học của nhân viên như thế nào” - Bộ trưởng phân tích.

Về công việc trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát để đánh giá hiệu quả mô hình hoạt động của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, củng cố từng thành tố tham gia phát triển xã hội học tập.

Cùng với đó, chọn một số việc ưu tiên, tập trung làm tốt, như: xoá mù chữ; phát triển hệ thống đào tạo từ xa; tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học; tăng cường các hoạt động truyền thông và định hướng xã hội đối với việc học tập; gia tăng nguồn tài nguyên, dữ liệu số phục vụ việc học tập thường xuyên... Việc tận dụng những lợi thế của thời kỳ chuyển đổi số, của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho xây dựng và phát triển xã hội học tập cũng sẽ được lưu ý trong thời gian tới.

Khả năng tự học; tự tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân là năng lực, kỹ năng “gốc” để trang bị mọi kỹ năng khác. Nếu con người không có năng lực học tập, năng lực tự học thì sẽ thiếu đi yếu tố có tính nền tảng của mọi năng lực, kỹ năng khác. Một dân tộc thiếu đi những con người biết học tập, dân tộc đó thiếu năng lực để giải quyết các vấn đề của mình. Một xã hội học tập tốt cũng được xem là một nguồn lực của quốc gia; nên phát triển xã hội học tập là phát triển cho một nguồn lực đặc biệt của quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.