Dự hội thảo có các đại biểu đến từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Hội khuyến học Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cùng đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học.
Thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ là yêu cầu cần thiết, khách quan, với mục tiêu xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn chặt và phục vụ các mục tiêu tăng trưởng KTXH.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020.
Theo Đề án, xã hội học tập được mô tả bởi các đặc trưng cơ bản: Trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại.
Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời.
Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi.
Trong 8 năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, ngành liên quan trong việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án 89; sự nỗ lực cố gắng của các địa phương, các cơ quan, tổ chức xã hội có liên quan, các mục tiêu đề ra trong Đề án về cơ bản đã được hoàn thành, các nhiệm vụ đã được thực hiện đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng.
Xã hội học tập ở Việt Nam đã trở thành một sự nghiệp giáo dục, được đông đảo nhiều Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể, Tổ chức xã hội từ Trung ương tới địa phương tham gia. Học tập suốt đời đã được nhận thức là một giải pháp hữu hiệu để có năng lực sống và làm việc trong một quốc gia đang từng bước tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.
Căn cứ vào những kết quả đạt được; rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, bám sát vào quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, vào các Kết luận 49 của Ban Bí thư, Quyết định 489 và Quyết định 749 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung góp ý để hoàn chỉnh bước đầu về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, đóng góp ý kiến để Bộ GD&ĐT hoàn thiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để các địa phương có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ hoan nghênh những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, các nhà khoa học giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện Đề án. Thứ trưởng giao Vụ Giáo dục thường xuyên tổng hợp các ý kiến đóng góp và hoàn thiện Đề án trình lãnh đạo Bộ trước ngày 15/3.