Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết như vậy trong phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” diễn ra sáng 18/6.
Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn tới, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác xóa mù chữ, giáo dục kỹ năng sống cho người lớn trong cộng đồng.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên trong việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin, phổ cập tiếng Anh, tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ chỉ đạo các trường đại học nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa, tăng cường xây dựng, khai thác, tích hợp, chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục mở, học liệu số, học liệu điện tử, học liệu mở với các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục thường xuyên. Mục đích giúp người dân mở rộng cơ hội tiếp cận kiến thức đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương. Cùng với đó, chỉ đạo các trường đại học sư phạm tổ chức giảng dạy chuyên đề về giáo dục cho người lớn, về xây dựng xã hội học tập cho sinh viên.
Thứ trưởng đồng thời đề nghị các bộ, cơ quan trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT - đơn vị giữ vai trò thường trực của Đề án - tiếp tục triển khai công tác xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn tới; cụ thể như sau:
Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, nhất là trong việc tuyên truyền, định hướng phát triển, gắn với các chương trình, đề án khác liên quan.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sâu rộng trong cả nước, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác. Phối hợp với với các bộ, ban ngành tham gia giám sát, phản biện xã hội việc triển khai thực hiện Đề án.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đẩy mạnh các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn để giúp người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, người khuyết tật, người nội trợ, người cao tuổi dễ dàng tiếp cận với giáo dục nghề nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho công nhân, người lao động.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng các chương trình giáo dục thông qua thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Chỉ đạo hệ thống thiết chế văn hóa các cấp (thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ) đổi mới và đa dạng các hoạt động giáo dục, học tập, tích cực triển khai nhiều dạng dịch vụ trực tuyến hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin và tri thức.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí và hệ thống thông tin từ cơ sở để tuyên truyền về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án. Tuyên truyền, vận động người dân trong cộng đồng tham gia các hoạt động giáo dục, học tập, hỗ trợ học tập được tổ chức trong các trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với ngành Giáo dục và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập cho người dân ở khu vực biên giới, biển đảo. Vận động học sinh bỏ học trở lại trường; tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ em và mở các lớp phổ cập giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số. Huy động người mù chữ ra học các lớp xóa mù chữ và tham gia dạy xóa mù chữ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động phát triển nghề nghiệp cho người lao động; tuyên truyền, vận động, động viên, khuyến khích công nhân lao động trong doanh nghiệp học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”.
Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT và các tỉnh, thành phố chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội giai đoạn 2021-2030 phù hợp với thực tiễn triển khai ở các địa phương trong cả nước. Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030”.
Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho các địa phương để triển khai thực hiện Đề án. Ban hành Thông tư hướng dẫn các tỉnh, thành phố về nội dung và định mức chi cho các hoạt động của Đề án.
Về phía địa phương, Thứ trưởng nhấn mạnh việc kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 các cấp ở địa phương. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò, vị trí quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Cùng với đó, cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục nhằm mở rộng học tập trực tuyến.
“Đề nghị UBND các tỉnh kiến nghị với Hội đồng nhân dân tỉnh đưa nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập vào công tác giám sát tại địa phương; tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt vai trò của chính quyền các cấp” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Sau một buổi làm việc, Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã được nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020”. Các ý kiến phát biểu tại hội nghị thể hiện thống nhất cao với báo cáo tổng kết Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
Trong đó, thống nhất với những kết quả đạt được trong 8 năm qua triển khai thực hiện Đề án; đồng tình với những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; thống nhất với nhiệm vụ và giải pháp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 mà Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành, các địa phương đã đề xuất. Các phát biểu cũng đưa nhận định sâu sắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Đề án; những giải pháp phù hợp, hiệu quả cần tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Hội nghị đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 71 tập thể và 92 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2012 - 2020.