Phát triển tiêu chuẩn nghề từ mô hình đào tạo phối hợp

GD&TĐ - Thu hẹp khoảng cách và tạo cầu nối giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, dựa trên cơ sở ứng dụng và học tập kinh nghiệm từ mô hình “Đào tạo nghề kép” của CHLB Đức. 

Phát triển tiêu chuẩn nghề từ mô hình đào tạo phối hợp

Mô hình đào tạo phối hợp được thực hiện bởi Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 (Lilama 2) với sự tham gia của các doanh nghiệp đang cho thấy những kết quả tích cực, học viên sau tốt nghiệp đã hình thành các tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất, đồng thời mở ra khả năng phát triển nghề nghiệp lâu dài cho chính họ.

Chia sẻ trách nhiệm

Đào tạo phối hợp là một mô hình đào tạo có sự chia sẻ trách nhiệm giữa các trường dạy nghề và các doanh nghiệp trong việc phát triển tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo; tổ chức, tham gia đào tạo và đánh giá quá trình đào tạo. Thông qua hình thức đào tạo phối hợp, các doanh nghiệp có được một lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu thực tế trong sản xuất, tiết kiệm chi phí tuyển dụng, đào tạo lại và cải thiện đáng kể sự trung thành của người lao động với doanh nghiệp. Các trường đào tạo nghề sử dụng thiết bị, nhà xưởng đào tạo theo nhu cầu của sản xuất. Các bạn trẻ nâng cao khả năng tìm được việc làm và phát triển nghề nghiệp theo hướng lâu dài. Và cuối cùng Đào tạo phối hợp sẽ góp phần vào phát triển kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế và góp phần ổn định xã hội.

Ông Peter Wunch, cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) cho biết, Hệ thống đào tạo kép (Đào tạo phối hợp) đúc kết từ các bài học kinh nghiệm và thành công của nước Đức. Dựa vào nền tảng của mô hình, Trường Lilama 2 cùng với khối doanh nghiệp, một số hiệp hội nghề nghiệp và các chuyên gia Đức phát triển các bộ tiêu chuẩn nghề và chương trình đào tạo tương ứng cho 4 nghề kỹ thuật theo nhu cầu của nền sản xuất Việt Nam.

TS Lê Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng Trường Lilama 2 khẳng định: Chúng ta không sao chép Việt Nam phải tìm ra con đường riêng của mình dựa trên các yếu tố thành công và bài học kinh nghiệm từ các quốc gia đã đi trước. Quá trình này đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của các đơn vị làm công tác dạy nghề và sự đồng thuận cùng với sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp.

Đào tạo theo hướng phục vụ doanh nghiệp

Được biết, từ trước năm 2014, Lilama 2 đã thí điểm phối hợp với Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực (TVAG) của Tập đoàn Bosch (CHLB Đức) dạy nghề thành công cho 42 học viên tốt nghiệp, làm việc tại Bosch. Và mới đây, Lilama 2 cũng đã khai giảng bốn lớp đào tạo phối hợp thí điểm với 101 học viên cho các nghề điện tử công nghiệp, cơ điện tử, cơ khí xây dựng và cắt gọt kim loại - CNC.

Thỏa thuận hợp tác được ký kết với các công ty Advanced Multitech, Ishikakawa Seiko và Viglacera cho cả bốn nghề nêu trên. Nội dung của các chương trình đào tạo phối hợp đã được các phòng Thương mại Potsdam và Erfurt công nhận tương đương với các tiêu chuẩn nghề tương ứng của Đức. Các cố vấn và chuyên gia của doanh nghiệp cùng với giảng viên của trường trực tiếp tham gia giảng dạy theo mô hình: 30% lý thuyết, 70% thực hành. Đến cuối quy trình đào tạo, học viên vừa là người học, vừa là người công nhân làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp và hưởng lương đảm bảo cuộc sống.

Cũng theo TS Lê Văn Hiền, sự khác biệt cơ bản nhất của chương trình “Đào tạo nghề phối hợp” là đào tạo hoàn toàn theo hướng phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Họ tham gia ngay từ đầu khi xây dựng chương trình đến khi tiếp nhận sinh viên thực tập, đánh giá kết quả học tập, cùng các tổ chức uy tín và nhà trường cấp bằng cho học viên. Một mặt giúp cơ sở đào tạo không tốn nguồn lực, doanh nghiệp không phải đào tạo lại và giúp cho khung chính sách về mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phát triển, thu hút học sinh vào học nghề, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Tịnh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai - cho biết, mô hình ở Lilama 2 thành công là điều kiện để tỉnh nhân rộng, triển khai tại các trường nghề, phấn đấu thực hiện mục tiêu đào tạo 1.000 nhân lực kỹ thuật trong chương trình từ nay đến năm 2020. Điểm mới của “Đào tạo nghề phối hợp” chính là doanh nghiệp phải tích cực vào cuộc ngay từ đầu đến khi hoàn thiện và nhận sản phẩm. Đây chính là giải pháp có hiệu quả nhanh nhất, tiết kiệm nhất trong giáo dục nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ