Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập

GD&TĐ - Sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”. Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung báo cáo về tình hình thị trường lao động Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thị trường trọng yếu của nền kinh tế

Báo cáo về tình hình thị trường lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết cùng với thị trường hàng hoá - dịch vụ, tài chính, tiền tệ, khoa học - công nghệ và thị trường bất động sản, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và chắc chắn cần được đổi mới và đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Thị trường lao động Việt Nam có thể xem được chính thức hình thành và phát triển từ năm 1986 đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng. Hệ thống thể chế, luật pháp, chính sách về thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; quy mô và chất lượng cung - cầu lao động được gia tăng; chất lượng việc làm của chúng ta ngày càng được được cải thiện; đã từng bước chính thức hóa một phần khu vực phi chính thức; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỉ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỉ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng việc làm dễ bị tổn thương, tăng tỉ lệ việc làm được bảo vệ; tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt; năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã để lại những tác động nặng nề đến thị trường lao động Việt Nam và qua đó cũng làm bộc lộ những điểm mạnh, điểm yếu, những nhân tố cần quan tâm hoàn thiện trong tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, sau hơn 35 năm đổi mới, thị trường lao động Việt Nam đã có những bước tiến dài đáng kể trên con đường phát triển, đổi mới và hội nhập.

Nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý II năm 2022); tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).

Cầu lao động tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lượt người, tỉ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%. Các năm 2020-2021, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22% (tăng 0,54%), thị trường lao động đã tiếp tục phục hồi nhanh chóng trong 8 tháng đầu năm 2022…

Hệ thống an sinh xã hội được xây dựng tương đối hoàn thiện và vận hành hiệu quả với vai trò giá đỡ cho thị trường lao động. Tính đến tháng 7 năm 2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 17,15 triệu người, chiếm 34,65% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 13,94 triệu người, chiếm 28,17% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nhìn chung, các chính sách đã được ban hành kịp thời, đồng bộ tạo hành lang pháp lý để tổ chức, vận hành và phát triển thị trường lao động góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thị trường lao động Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế. Trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Nhu cầu lao động của nền kinh tế cũng chưa đủ hiện đại, chưa có đủ việc làm bền vững để đáp ứng nhu cầu việc làm phù hợp với nguyện vọng của người lao động. Tổng cầu của nền kinh tế hiện tại thể hiện thông qua số người đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. Cầu lao động còn chưa hiện đại thể hiện qua các số liệu sau: Tổng số lao động đang làm việc hiện nay là 50,54 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 27,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,8 triệu người, chiếm 33,24%; khu vực dịch vụ 19,8 triệu người, chiếm 39,18%. Lao động dịch chuyển khỏi ngành nông nghiệp, đa số chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp, lắp ráp; đi lao động có hợp đồng ở ngoài nước, làm các công việc giản đơn, giá trị gia tăng thấp hay các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng thấp.

Giải pháp để phát triển thị trường lao động bền vững

Nhìn tổng thể, ở thời điểm hiện tại thị trường lao động Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động, có trình độ, kỹ năng thấp và có sự phát triển không đồng đều. Việt Nam đã và đang tồn tại tình trạng mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế; cơ chế kết nối cung-cầu và tự cân bằng của thị trường còn yếu, mà lý do chính là hệ thống thông tin trên thị trường lao động chưa được phát triển đầy đủ…

Về giải pháp lâu dài phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Nâng cao hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động.

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

Nghiên cứu, rà soát, đánh giá năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo, các kiến nghị và đóng góp ý kiến của yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI để kịp thời triển khai các giải pháp đào tạo, nâng cao năng lực kỹ năng nghề cho công nhân lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp cho người lao động cả trước, trong, sau quá trình tham gia thị trường lao động; cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI, nhất là các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ và đào tạo các chuyên ngành mới trong chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn, IoT, chuỗi khối,… Tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để phân luồng học sinh, sinh viên, hướng tới phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao và cơ cấu phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Đầu tư công tác dự báo cung - cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm.

Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Phổ biến các hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ người lao động được tham gia các thị trường lao động trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động đặc thù, nhất là cho phát triển thị trường lao động nông thôn, phát triển lao động làm công ăn lương trong khu vực kinh tế tư nhân và phát triển thị trường lao động trình độ cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ