Sau đại dịch Covid-19: Thị trường lao động đòi hỏi gì để phục hồi?

GD&TĐ - Chuyên gia cho rằng, cần khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây là điều quan trọng góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh minh họa
Tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh minh họa

Phát triển chuỗi cung ứng lao động sau Covid-19

Bên cạnh thị trường vốn, việc phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định là một trong những trụ cột quan trọng góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tại Hội thảo “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế tăng trưởng chậm lại. Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị đứt gãy, đình trệ. Tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, nguồn cung lao động bị suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm mạnh nhất vào quý III/2021, chỉ còn 49,1 triệu người. Lực lượng lao động có việc làm quý IV/2021 là 49,07 triệu người, thấp hơn 1,79 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, đạt đỉnh cao nhất là quý III/2021 là 3,98% (hơn 1,7 triệu lao động). Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị cao nhất vào quý III/2021 là 5,54%.

Khoảng 1,3 triệu lao động dịch chuyển từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh. Tiền lương, thu nhập của người lao động giảm, đời sống của người lao động khó khăn. Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động từ 6,7 triệu đồng năm 2019 còn 5,3 triệu đồng năm 2021, giảm sâu nhất là vào quý III/2021 chỉ còn là 5,2 triệu đồng.

Đề xuất giải pháp cho những vấn đề này, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất. Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động… Đặc biệt, hoàn thiện nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thị trường lao động, hệ thống trung tâm việc làm.

“Cần sớm cải tiến, hoàn thiện chính sách về tiền lương, an sinh xã hội, sửa đổi toàn diện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nâng cấp chuẩn nhà trọ hiện hữu. Đồng thời, tiếp tục đổi mới chủ trương, chính sách và triển khai có hiệu quả quy định về thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Điều này nhằm khắc phục tình trạng tập trung nhiều dự án đầu tư ở một địa phương, tạo sức ép hạ tầng và thiếu lao động cục bộ, gia tăng lao động di cư”, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan phù hợp với Bộ luật Lao động nhằm giảm tỷ lệ lao động phi chính thức. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động, phát triển các tổ chức tài chính và tài chính vi mô dành cho khu vực kinh tế phi chính thức.

“Chính phủ cũng cần cân đối ngân sách để triển khai thực hiện Đề án “Thống kê khu vực kinh tế phi chính thức”, có chính sách hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mực. Đồng thời, khuyến khích cơ sở kinh doanh thuộc khu vực phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp”, TS Lợi nhấn mạnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp, giữ chân lao động

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, để ổn định và phát triển kinh tế, cần sớm tổng kết, đánh giá tình hình kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68. Đặc biệt, cần xem xét có giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong các chính sách bảo hiểm xã hội, lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Không để xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội cũng như khẩn trương hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở yên tâm làm việc. Bên cạnh đó là hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, giữ chân lao động để phục vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phục hồi kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới đào tạo nghề. Trong đó cần đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp, nông dân gắn với cơ cấu lao động sinh kế và việc làm tại chỗ cho người lao động. Bên cạnh đó, tăng thu nhập cho người dân và coi đây là một trong những khâu đột phá trong xây dựng nông thôn phát triển bền vững, văn minh và hiện đại.

“Quốc hội và Chính phủ cũng nên tiếp tục xem xét việc giảm thuế đối với xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Nghiên cứu tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng thời, kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cần khẩn trương thực hiện linh hoạt hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ