Phát triển tâm lý học đường

GD&TĐ - Theo nhóm nghiên cứu khoa học do TS Nguyễn Thị Tứ là chủ nhiệm, các công trình nghiên cứu tâm lý học trường học đã được xây dựng và triển khai trên cơ sở bám sát đường lối phát triển giáo dục của Đảng và hướng đến phục vụ cho học sinh, công tác giáo dục đạo đức, phát triển kỹ năng học tập và kỹ năng sống.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Phượng (Đoan Hùng, Phú Thọ) trong giờ học về kỹ năng chống xâm hại
Học sinh Trường Tiểu học Tân Phượng (Đoan Hùng, Phú Thọ) trong giờ học về kỹ năng chống xâm hại

Tham vấn học đường trở thành một ngành nghề thực sự

TS Nguyễn Thị Tứ cho biết: Các nhà tâm lý học trường học đã kế thừa, vận dụng, phát triển lý luận và các phương pháp đo lường, đánh giá hiện đại trong tâm lý học trường học của nước ngoài vào nghiên cứu trên học sinh Việt Nam.

Việc khai thác, sử dụng các kết quả nghiên cứu tâm lý học trường học vào xây dựng, phát triển các chương trình giáo dục khác nhau cho học sinh ngày càng trở nên được quan tâm hơn trong định hướng của các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia làm chương trình, được thể hiện trước hết ở việc thu hút ngày càng nhiều các nhà nghiên cứu về tâm lý học trường học tham gia vào các hoạt động nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác của Khoa học giáo dục như: Phát triển chương trình học, Giáo dục đạo đức, Hoạt động ngoài giờ lên lớp, Hoạt động trải nghiệm, Công tác chủ nhiệm, Công tác hướng nghiệp, Công tác tư vấn học sinh nói chung.

Sự phát triển với tốc độ nhanh và đầy biến động của nền kinh tế - xã hội đã đem lại những thay đổi đáng kể trong đời sống vật chất, tinh thần của mỗi con người trong xã hội, đặc biệt là ở những nước đang phát triển như Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Thị Tứ, bên cạnh những yếu tố tích cực, nó cũng gây ra không ít những mâu thuẫn, xung đột và tác động tiêu cực đến đời sống của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Ở mỗi cá nhân xuất hiện những khó khăn tâm lý mà bản thân mỗi cá nhân không thể tự giải quyết được, họ đã phải tìm đến sự trợ giúp của tham vấn tâm lý - một loại hình dịch vụ đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Áp lực lớn từ những vấn đề của xã hội hiện đại cũng làm cho quá trình phát triển của học sinh - lứa tuổi đang trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách - diễn ra không hoàn toàn phẳng lặng, êm xuôi mà ở mỗi giai đoạn phát triển thường xảy ra những lo âu, căng thẳng, xung đột riêng.

Vì thế, trong quá trình phát triển học sinh luôn có những sự mất cân bằng với các hiện tượng bất thường. Trong một số trường hợp, những hiện tượng bất thường chỉ là tạm thời, là tự nhiên, thậm chí là cần thiết cho sự phát triển nhân cách.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Tứ, ở một số trường hợp khác, chúng là biểu hiện của sự nhiễu loạn tâm lý ở trẻ. Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, học sinh, sinh viên ngày nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tâm lý trong việc lựa chọn những chân giá trị của thời đại, trong định hướng nghề, trong quan hệ giao lưu và những khó khăn nảy sinh trong chính nội tại quá trình phát triển tâm lý lứa tuổi.

Vì vậy, nhu cầu cần được trợ giúp và định hướng để giải quyết những khó khăn tâm lý ở học sinh rất lớn. Nhiều mô hình trợ giúp học sinh được thử nghiệm, trong đó tham vấn tâm lý là một trong những hình thức đang được phát triển và kỳ vọng. Nói khác đi, tâm lý học trường học minh chứng khá sâu sắc về phạm vi, tầm ảnh hưởng và những tác động cụ thể của mình trong giáo dục Việt Nam.

Năm 2005, Bộ GD&ĐT ra Thông tư số 2564/BGD&ĐT - HSSV, ngày 4/4/2005 và sau đó Thông tư số 9971/BGD&ĐT-HSSV, ngày 28/5/2005 với nội dung hướng dẫn việc đưa công tác tham vấn tâm lý và hướng nghiệp vào trường học. Đến năm 2008, Sở GD&ĐT TPHCM trong công văn tuyển dụng giáo viên, lần đầu tiên có mục tuyển dụng giáo viên chuyên ngành “Tâm lý giáo dục” với mục đích cung cấp đội ngũ chuyên viên tham vấn học đường cho các trường phổ thông trung học. Đây được coi như một “dấu mốc đánh dấu đưa tham vấn học đường trở thành một ngành nghề thực sự.

Phát triển kỹ năng học tập và kỹ năng sống là yêu cầu quan trọng trong đổi mới GD
  • Phát triển kỹ năng học tập và kỹ năng sống là yêu cầu quan trọng trong đổi mới GD

Vẫn còn những khó khăn

Theo TS Nguyễn Thị Tứ, việc phát triển tâm lý học trường học vẫn còn nhiều khó khăn từ nhiều vấn đề: Cơ sở pháp lý, cơ sở nguồn nhân lực, mô hình hoạt động, chuẩn hành nghề, đánh giá công việc, sự phát triển bền vững... Đơn cử như: Có thể đánh giá đội ngũ chuyên viên tham vấn học đường hiện nay còn khá thiếu và chưa thật sự bài bản.

Thậm chí, nhiều trường học những giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy Văn, Giáo dục công dân hay những giáo viên có kinh nghiệm được giao luôn trọng trách là công tác tham vấn học đường. Đội ngũ này vẫn chưa qua đào tạo hay có những biện pháp bồi dưỡng, đánh giá chuyên môn, hiệu quả công việc được thực hiện. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động tham vấn học đường nói chung và công tác tâm lý học trường học nói riêng đang loay hoay và chưa tìm được mô thức hoạt động như mong đợi.

 

Với những đổi mới có chiến lược của giáo dục Việt Nam, đặc biệt là Chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua vào tháng 7/2017 cho thấy, vấn đề tham vấn tâm lý học sinh, giáo dục hướng nghiệp và công tác giáo dục nói chung được xem như nhiệm vụ quan trọng và trở thành một “cơ sở” cần thiết để triển khai công tác giáo dục.

 
TS Nguyễn Thị Tứ

Song song đó, dẫu có nhiều nghiên cứu về ứng dụng tâm lý học trường học nhưng còn mang tính riêng biệt và chưa tạo thành một nghiên cứu hệ thống về tâm lý học trường học. Trong khi nhu cầu thực tiễn giáo dục thế hệ trẻ có nhiều thách thức như: Vấn đề bạo lực học đường của học sinh; Vấn đề dậy thì sớm, sự kém hiểu biết về giới tính, giáo dục giới tính; Vấn đề bình đẳng giới, kỳ thị giới; Vấn đề hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp; Vấn đề giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống…đều trở thành những vấn đề buộc nhà giáo dục cần phải giải quyết, cần cải thiện thực tế cũng như góp phần giáo dục con người toàn diện.

Trong khi tâm lý học trường học và đội ngũ chuyên viên tâm lý học trường học hay tham vấn tâm lý học đường thì rất tiềm năng để góp phần giải quyết thực tiễn nhưng định hướng phát triển tâm lý học trường học vẫn còn giậm chân và chưa có hướng đi rõ nét. Đơn cử như hiện nay cả nước có một số trường đại học đào tạo chuyên ngành tâm lý học như: Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TPHCM, ĐH Văn Hiến, ĐH Sài Gòn, Đại học Hutech, nhưng không có nơi nào đào tạo chuyên về tham vấn học đường một cách chính thống trừ ngành tâm lý học giáo dục của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ở khu vực phía Bắc, tình hình tương tự cũng diễn ra khi phương thức hoạt động và mô hình phát triển công tác tâm lý học trường học vẫn chỉ mới bắt đầu ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Rõ ràng, vấn đề đào tạo, vấn đề sử dụng nguồn lực mà sâu sắc nhất là giải pháp phát triển công tác tâm lý học trường học trên bình diện vĩ mô cũng như dựa trên yêu cầu của chương trình giáo dục vẫn là thách thức.

Giải pháp trọng điểm

Cho rằng, để thực hiện tốt việc giáo dục học sinh, tâm lý học trường học sẽ cùng chung sức giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nêu trên, TS Nguyễn Thị Tứ nhấn mạnh: Song song với vấn đề trên, tâm lý học trường học cũng thực hiện những nhiệm vụ chuyên biệt trong tầm ảnh hưởng của mình như: Giáo dục giới tính, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục lễ giáo, giáo dục lối sống… để đảm bảo phát triển 5 phẩm chất chủ yếu, 10 năng lực cốt lõi, thực hiện định hướng nghề nghiệp từ lớp 10.

Từ năm 2016, dự án ETEP “Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông - Enhancing Teacher Education Program (gọi tắt là ETEP)”. Đây là chương trình cốt lõi trong chiến lược đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, nhất là hệ thống giáo dục phổ thông. Dự án ETEP được trực tiếp tài trợ bởi Ngân hàng Thế giới (WB) với cơ chế đánh giá chặt chẽ nhằm đảm bảo nguồn tài trợ mà các trường nhận được sẽ mang lại các tác động mong đợi có đầu tư việc xây dựng và phát triển 50 chương trình đào tạo ngành cho các trường sư phạm.

TS Nguyễn Thị Tứ cho biết: Trong 50 chương trình đào tạo, có 3 chương trình đào tạo về tâm lý học trường học cần phát triển ứng với bậc học tiểu học và THCS, THPT nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Như vậy, các giải pháp phát triển tâm lý học trường học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD&ĐT đặt vấn đề và cần giải pháp đúng tầm nhìn, có trọng điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ