(GD&TĐ) - Với tỷ lệ 6,59 bác sĩ và 0,38 dược sĩ/10.000 dân, nhân lực y tế vẫn là chủ đề “nóng” trong ngành.
Nhân lực y tế, nơi thừa nơi thiếu
Kết quả đánh giá hiện trạng đào tạo nhận lực y tế tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (6,59/10.000 dân). Theo PGS. TS Phạm Việt Cường (ĐH Y tế công cộng), bác sĩ ít lại phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở thành thị, vùng kinh tế phát triển với tỷ lệ 60% bác sĩ trong khi dân số thành thị chỉ có 28,4% dân số cả nước.
Không chỉ thiếu bác sĩ, tỷ lệ điều dưỡng/10.000 dân cũng là vấn đề đáng bàn. Hiện cả nước mới có hơn 81.200 điều dưỡng viên, trung bình 1,5 điều dưỡng viên/bác sĩ, chưa bằng 1/2 so với “chuẩn” của Bộ Y tế (3 - 3,5 điều dưỡng viên/bác sĩ). Cán bộ y tế dự phòng tuyến tỉnh cũng chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu, tuyến huyện chỉ bằng 1/2 nhu cầu.
Nhiều trạm y tế “trắng” bác sĩ nên mọi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân phải trông chờ vào bác sĩ quân y Ảnh: H. Thu |
Theo GS. TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo (Bộ Y tế), nguồn nhân lực y tế đang là vấn đề “nóng” của ngành bởi vừa thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Hiện ngành y chỉ có khoảng 25% số nhân lực có trình độ đại học. Thậm chí, y tế dự phòng chỉ có 11% số cán bộ có trình độ đại học, còn chứng chỉ chuyên ngành y tế dự phòng chỉ… 2% đạt.
Đối với điều dưỡng viên, trình độ trung cấp, sơ cấp là chủ yếu. Nhân lực y tế vừa thiếu lại yếu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân chỉ bị “hắt hơi xổ mũi” cũng… vượt tuyến, gây quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Với thực trạng nhân lực ngành Y như hiện nay, GS Khẩn cho rằng cần phải thay đổi cách đào tạo ở các trường. “Phải đào tạo theo nhu cầu xã hội chứ không thể theo thị hiếu như hiện nay”, GS Khẩn khẳng định.
Vẫn học trên giảng đường là chính
Đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng. Điều này hết sức quan trọng để tránh tình trạng đào tạo theo những gì các trường có chứ không phải xã hội cần. Tôi cho rằng trong thời gian tới, các trường CĐ, ĐH cần rà soát và chuẩn hóa các chương trình đào tạo nhân lực y tế; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giảng dạy, đặc biệt là cơ sở hạ tầng cho e-learning. (GS. TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ - Đào tạo, Bộ Y tế) |
Nghiên cứu tại 8 trường đại học Y - Dược, 1 trường đại học Điều dưỡng và trường đại học Y tế công cộng cho thấy đa phần các trường đều có cơ sở vật chất trang thiết bị, thư viện, sách ở mức khá.
Theo GS TS Lê Vũ Anh, Chủ nhiệm đề tài Đánh giá thực trạng đào tạo nhân lực y tế tại Việt Nam, hầu hết các trường đều có phòng thí nghiệm nhưng chỉ có 5/11 cơ sở được đánh giá là có phòng thí nghiệm khá/tốt, đầy đủ để học tập. Các trường còn lại chỉ ở mức độ thấp, chưa đầy đủ.
Cũng theo GS Vũ Anh, phương pháp dạy học phổ biến tại các trường vẫn là học trên giảng đường. Thời gian dành cho học lâm sàng là 30,5%. Thời gian dành cho tự học là 14% , thậm chí ở nhiều trường thời gian tự học của sinh viên chỉ là 2%. Phương pháp đánh giá sinh viên phổ biến nhất vẫn là sử dụng các câu hỏi tự luận. Sử dụng trắc nghiệm khách quan mới được áp dụng ở 4/8 trường. Cũng mới có 4/8 trường áp dụng phương pháp thi lâm sàng và tiền lâm sàng để đánh giá sinh viên…
Với quy mô đào tạo tăng trung bình 10 - 15%/năm, nhân lực y tế đã phần nào đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ở các vùng miền, các chuyên khoa. Tuy nhiên, với sự thay đổi mô hình bệnh cũng như yêu cầu ngày càng cao của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, GS Khẩn cho rằng trọng tâm của các trường Y - Dược, điều dưỡng, y tế công cộng trong thời gian tới là tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục. “Các trường phải xem lại cơ sở thực hành tiền lâm sàng, lâm sàng, quy trình quản lý sinh viên cũng như xây dựng lại cấu trúc chương trình để sinh viên ra trường đáp ứng được đòi hỏi của người bệnh, của xã hội”, GS Khẩn nhận định.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam cần phải có 2,28 bác sĩ, y tá, hộ lý trên 1.000 dân. Như vậy, các trường cần đào tạo gần 80 nghìn người mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu. |
La Giang