Phát triển nhân cách từ trải nghiệm văn hóa truyền thống

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giáo dục đạo đức lối, sống cho học trò thông qua văn hóa, truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa… là cách làm đang được nhiều trường học triển khai hiệu quả để phát triển học sinh một cách toàn diện.

Phát triển nhân cách từ trải nghiệm văn hóa truyền thống

Nhà trường đẩy mạnh giáo dục văn hóa, truyền thống

Có thể thấy, rèn đạo đức lối sống cho học trò là vấn đề quan trọng đang được các nhà trường quan tâm, đẩy mạnh từ những bậc học nhỏ nhất. Lãnh đạo nhiều trường tiểu học đều cho rằng học sinh khối tiểu học dễ nhớ, mau quên và chưa hiểu nhiều những bài giảng đạo đức song không vì thế mà coi nhẹ giáo dục đạo đức, tạo “nền móng” cho các em phát triển nhân cách bên cạnh tri thức từ những giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa...

Minh chứng là giáo dục truyền thống đã được các trường lồng ghép linh hoạt vào một số tiết học với nội dung, phương pháp hấp dẫn để học sinh hiểu và hình thành những giá trị văn hóa hóa truyền thống từ những suy nghĩ, hành động khi còn nhỏ.

Đối với các trường từ THCS, THPT lại giáo dục đạo đức, lối sống, lòng biết ơn cho học sinh cũng từ những giá trị cốt lỗi như trên nhưng được nâng lên ở tầm giáo dục cao hơn.

Cô Đinh Thị Phương Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, nhiều năm nay vào các dịp lễ, Tết… trường cố gắng tổ chức những buổi sinh hoạt ngoại khóa thăm di tích lịch sử tại địa phương hoặc các tỉnh thành khác (Đền Hùng, nhà thờ danh anh hùng dân tộc, viếng nghĩa trang liệt sĩ…).

Hai năm gần đây khi dịch bệnh ảnh hưởng, học sinh phải học trực tuyến thì nhà trường cũng không bỏ quên mà chỉ thay đổi hình thức giáo dục sao cho phù hợp nhất. Nhà trường vẫn mời các luật sư, nhà văn hóa… trao đổi tuyên truyền, trao đổi trực tuyến với học sinh. Mặt khác yêu cầu giáo viên lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong một số môn học phù hợp.

Theo cô Đinh Thị Phương Anh, giáo dục, hướng dẫn học sinh tham quan tìm hiểu bảo tàng, di tích, nghĩa trang liệt sĩ… thông qua hình ảnh, video clip không khó khăn với giáo viên bởi vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy đã rất vững vàng.

Song để các em được trực tiếp nghe thuyết trình những nhân vật, sự kiện lịch sử, tham gia các hoạt động hướng về nguồn cội (tri ân anh hùng liệt sĩ, thăm gia đình có công cách mạng, trưng bày gian hàng truyền thống, làm bánh chưng, bánh dày…) chắc chắn sẽ hiểu sâu sắc, thấm thía hơn. Từ đó tác động nhanh và trực tiếp hơn đến tư duy, hành động của học trò. Vì vậy giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua văn hóa, truyền thống và trải nghiệm thực tế luôn được nhà trường đẩy mạnh.

Văn hóa, truyền thống là "chất liệu" quý để giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò

Văn hóa, truyền thống là "chất liệu" quý để giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò

Cô Nguyễn Hương Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Thanh Vân (Quản Bạ, Hà Giang) trao đổi: Học sinh dân tộc hầu như chỉ biết đến văn hóa, lễ hội, truyền thống liên quan đến dân tộc địa phương. Tuy nhiên, để các em dù mang đặc trưng văn hóa bản địa vẫn hiểu biết và có thêm kiến thức về truyền thống, lịch sử dân tộc nói chung, nhà trường chỉ đạo giáo viên tăng cường lồng ghép nội dung, vấn đề văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc vào bài giảng.

Mặt khác hoạt động ngoại khóa dù không có điều kiện tổ chức thăm quan di tích lịch sử thì trường lại cho học sinh tìm hiểu thông qua tổ chức cuộc thi, đố vui trong trường lớp; cho học sinh thực hành các sản phẩm mang tính dân tộc (thiết kế trang phục, làm ẩm thực theo các vùng miền…).

Cô Nguyễn Thị Thu Phương, giáo viên lịch sử Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) cũng khẳng định: Giáo dục học trò về lòng biết ơn, tự hào dân tộc qua môn học Lịch sử vô cùng ý nghĩa, thiết thực và gần gũi. Từ đây, không chỉ giúp học trò tiếp thu chủ động với nhiều kiến thức phong phú, tăng cường văn hoá tinh thần mà còn nhân lên niềm tự hào về một dân tộc, truyền thống văn hiến. Học sinh sẽ thêm trân trọng, hướng về quá khứ, biết ơn các thế hệ tiền nhân trong công cuộc dựng xây, giữ gìn và khẳng định chủ quyền đất nước, dân tộc.

Giúp trò phát triển toàn diện

Cô Nguyễn Thị Bằng, nguyên giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng văn hóa truyền thống hiệu quả thì nhất định không chỉ là những bài giảng chỉ trong sách giáo khoa mà còn phụ thuộc vào phương pháp, cách tổ chức trong mỗi nhà trường, giáo viên.

Theo cô Bằng, “Nhà trường cần xây dựng kế hoạch lồng ghép các giá trị văn hóa, truyền thống cụ thể, đưa vào quy chế chuyên môn đối với giáo viên, triển khai đồng bộ trong các hoạt động giáo dục. Và đặc biệt cần có cơ chế kiểm tra đánh giá, khen thưởng, khích lệ kịp thời.

Giúp học sinh thêm tự hào dân tộc, biết ơn thế hệ cha ông từ hoạt động trải nghiệm thực tế.

Giúp học sinh thêm tự hào dân tộc, biết ơn thế hệ cha ông từ hoạt động trải nghiệm thực tế.

Với giáo viên, phải coi trọng và đặt lên đầu nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học trò thông qua các giá trị truyền thống. Tổ chuyên môn, giáo viên cần chú trọng việc kết hợp chặt chẽ, tích hợp liên môn các giá trị văn hóa truyền thống và kiến thức và hướng tới đích cuối cùng là giáo dục để phát triển toàn diện nhân cách học trò…”.

Cô Tô Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng cho rằng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua truyền thống, văn hóa là cách làm hiệu quả, thiết thực. Song thực tế còn những khó khăn trong xây dựng bài giảng, tổ chức hoạt động trải nghiệm…

Điều đó đòi hỏi nhà quản lý, giáo viên không ngừng tìm tòi sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, dành nhiều tâm huyết… để học sinh được giáo dục toàn diện từ các giá trị văn hóa, truyền thống.

“Giúp học sinh hiểu và thấm sâu truyền thống, văn hóa… cũng là tạo dựng điểm tựa vững chắc để phát triển nhân cách ở hiện tại và tương lai”, cô Liên trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ