Phát triển mô hình Câu lạc bộ đọc sách trong trường học

GD&TĐ - Không chỉ là đọc sách, khi tham gia câu lạc bộ, học sinh còn được trải nghiệm thực tế với nhiều hoạt động phong phú để hiểu hơn giá trị của sách.

Mô hình CLB đọc sách tại Trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang hoạt động hiệu quả.
Mô hình CLB đọc sách tại Trường THCS Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang hoạt động hiệu quả.

Đa dạng các hình thức

Từ những năm 60, Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) đã xây dựng tủ sách “Nguyễn Tất Thành” và được nhiều trường bạn về thăm quan, học tập. Thư viện nhà trường đạt chuẩn năm 2013 – 2014 trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất; đến tháng 9/2021 được công nhận là Thư viện Tiên tiến. Nhiều năm liên tiếp đạt giải cao trong các cuộc thi “Tuyên truyền sách hè” của huyện Hoài Đức.

Nhà trường đã tổ chức điểm ngày hội đọc sách cho toàn huyện năm 2019 với chủ đề “Đọc sách vì tương lai”. Ngày hội nhằm tạo nên không gian văn hoá, vui tươi bổ ích cho tất cả các em học sinh và những ai yêu quý sách; tạo điều kiện tốt nhất giúp mọi người nâng cao nguồn tri thức phục vụ cho việc học tập, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức, kỹ năng của mình.

Trong ngày hội có nhiều hoạt động tiêu biểu như diễn giả Đặng Cao Cường – Phó Trưởng ban Biên tập truyện tranh NXB Kim Đồng nói chuyện về “ Đọc sách thời đại công nghệ số"; thi “Rung chuông vàng” của khối 8 tìm hiểu về Ngày sách Việt Nam và Ngày bản quyền thế giới; thi trưng bày sách khối 6,7,8,9 các lớp tự chuẩn bị sách theo chủ đề; viết cảm nhận về cuốn sách hoặc nhân vật trong sách mà em yêu thích nhất (kết hợp vẽ, trang trí bài viết); vẽ tranh về bìa sách hoặc nhân vật trong sách.

Trong ngày hội Toán học mở năm 2019 với sự phối hợp của Viện Toán học Việt Nam có nhiều hoạt động trưng bày sách toán, giới thiệu sách toán và bài giảng đại chúng của PGS.TS Phan Thị Hà Dương cho học sinh toàn trường. Chính các hoạt động đó đã giúp cho học sinh thêm yêu sách và hình thành thói quen đọc sách.

Phong trào đọc sách được đông đảo các em học sinh hưởng ứng.

Phong trào đọc sách được đông đảo các em học sinh hưởng ứng.

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19, với cách làm sáng tạo, nhà trường đã sử dụng các công cụ của Office 365 để tổ chức “Câu lạc bộ (CLB) đọc sách và trải nghiệm” do cô giáo trẻ Nguyễn Thị Mai làm chủ nhiệm.

Nhà trường đã tổ chức tập huấn cho học sinh về cách sử dụng các phần mềm như Teams, Sway, Onedrive, Flipd… để giúp cho học sinh chủ động tăng cường tiếng nói học sinh trong các đợt đọc sách. Mỗi tháng sinh hoạt 1 lần với những chủ điểm khác nhau và có nhiều hoạt động phong phú.

Trong đó, học sinh tự thiết kế các chương trình sinh hoạt của CLB, các em cùng đọc chung một cuốn sách, viết cảm nhận, thiết kế Canva về những cuốn sách yêu thích, giới thiệu sách trực tuyến, thi “Đại sứ văn hóa đọc”, mời chuyên gia đọc sách và cựu học sinh giao lưu với CLB đọc sách.

Group “Đọc sách và trải nghiệm trường THCS Đông La” thu hút đông đảo học sinh tham gia và đã có các hành trình đọc sách 7 ngày, 15 ngày, 30 ngày, 60 ngày, 120 ngày để các em đọc sách mỗi ngày. Sau mỗi hành trình đọc sách, CLB tổng kết và vinh danh tặng giấy chứng nhận cho học sinh để động viên các em.

Lan tỏa giá trị của sách

Bên cạnh đó, thư viện kết nối với nhiều trường ở tỉnh Quảng Trị, Sơn La và Nam Định để chia sẻ những cuốn sách hay, sản phẩm ý nghĩa từ các buổi đọc sách. Kết nối với nhiều nước như Nigieria, Indonesia, Italia, Azerbaijan... để đọc sách, đọc thơ bằng Tiếng Anh vào các buổi chiều thứ 7, học sinh có nhiều cơ hội giao lưu và phát triển ngôn ngữ.

Dù trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, CLB đọc sách vẫn hoạt động tích cực và kết nối tới nhiều trường ở nhiều tỉnh thành.

Dù trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, CLB đọc sách vẫn hoạt động tích cực và kết nối tới nhiều trường ở nhiều tỉnh thành.

Thư viện còn kêu gọi các bạn học sinh ủng hộ 500 cuốn sách cho thư viện thôn Đồng Nhân xã Đông La và 500 cuốn sách cho Trường THCS Nậm Ban – Mèo Vạc – Hà Giang. Không chỉ đọc sách, CLB còn tổ chức cho học sinh nhiều trải nghiệm trong các hoạt động ngoại khóa của nhà trường như ở bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Đại đội 915 Thái Nguyên. Từ đó các em thêm yêu văn hóa đọc và có thêm nhiều kỹ năng sống để phát triển toàn diện về nhân cách.

Em Nguyễn Thị Hoài Thương đến từ lớp 8A7 cảm thấy rất vui khi được tham gia vào những hoạt động bổ ích, thiết thực của nhà trường dành cho các bạn học sinh và CLB đọc sách của trường cũng là một trong số đó. Những hoạt động của CLB giúp các em phát triển tư duy sáng tạo và tự rút ra bài học cho bản thân. Trong thời gian dịch bùng phát, CLB đọc sách đã tích cực vận động học sinh hưởng ứng việc đọc sách một cách hiệu quả.

"Khi thăm quan bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, chúng em được hiểu hơn về những cống hiến to lớn của đội ngũ thanh niên xung phong mở ra con đường Trường Sơn huyền thoại giúp quân và dân ta đánh thắng giặc Mĩ xâm lược, thống nhất đất nước. Ngoài ra, chúng em còn được giao lưu với 6 nước trên thế giới bằng Tiếng Anh. Nhà trường đã tạo cho chúng em một môi trường học tập hiệu quả với cách dạy đổi mới và các CLB cũng là một phần trong cách dạy đó" - Hoài Thương cho hay.

Mô hình "đọc sách ngoài sân" đang được áp dụng tại Trường Tiểu học Lê Lợi (TX.Sơn Tây, Hà Nội).

Mô hình "đọc sách ngoài sân" đang được áp dụng tại Trường Tiểu học Lê Lợi (TX.Sơn Tây, Hà Nội).

Cô Đoàn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (TX.Sơn Tây, Hà Nội) chia sẻ, nhà trường rất chú trọng công tác phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Hàng tuần, các lớp đều có một tiết đọc sách ở thư viện. Hiện nay thư viện đang nâng cấp sửa chữa nên sách được chuyển về từng lớp. Vào những ngày thời tiết tốt, thầy cô sẽ dành khoảng 25 phút đầu giờ cho học sinh ra sân trường đọc sách. Các em có thể trao đổi sách truyện để đọc luân phiên. Với trẻ lớp 1, các anh chị sao đỏ cũng dành ra 15 phút để đọc sách báo lúc đầu giờ hàng ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ