Một con số không nhỏ
Hội nghị “Phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 - 2025” do Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) một lần nữa khẳng định: NCKH, chuyển giao công nghệ trong các trường đại học là sức sống của một trường đại học, nó khác với các cơ sở không đào tào ở chỗ không chỉ tạo ra sản phẩm KHCN phục vụ cuộc sống mà trước hết còn là để nâng cao chất lượng đào tạo.
Thực tế, trong những năm qua cũng cho thấy, công tác NCKH trong các trường đại học đã được đẩy mạnh và phát triển không chỉ thuần túy truyền bá sáng tạo, mà còn tạo ra tri thức mới. Thống kê giai đoạn 2011-2015, tổng số sản phẩm KHCN của khối các trường đại học chiếm hơn 2/3 trong cả nước. Cũng theo báo cáo KHCN năm 2016, hoạt động chuyển giao tri thức nói chung, hàng năm các tổ chức KHCN trong các trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện các nhiệm vụ KHCN thu hút đầu tư của Nhà nước với tổng mức đầu tư bình quân 1.063,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao so với các tổ chức KHCN trong cả nước. Một con số đúng là không nhỏ!
Hiệu quả đầu tư chưa tương xứng
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá chung, việc NCKH các trường đại học dường như vẫn chưa tương xứng, bởi nhiều giảng viên trong các trường đại học hiện nay chưa mặn mà với NCKH. Theo ý kiến một số giảng viên các trường đại học, một trong những nguyên nhân “rào cản” bắt đầu từ những thủ tục. Thực tế bấy lâu việc hồ sơ xin tài trợ NCKH hiện nay quá rườm rà và làm mất nhiều thời gian công sức.
Chính điều này làm cho những người tâm huyết với NCKH không có nhiều động lực để làm, còn nhiều giảng viên thì chỉ làm cho có. Và cũng chính cách quản lý cũ đã làm cho việc những kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng cao sau khi được nghiệm thu vẫn chỉ được “đóng gói và xếp vào góc tủ”. Điều đó làm cho nhiều nhà khoa học tâm huyết mất dần hứng thú, triệt tiêu dần động lực.
Đâu là động lực?
Vì vậy, để kích thích, tạo động lực cho giảng viên tích cực, chủ động tham gia NCKH, điều đầu tiên đó là cần đổi mới và hoàn thiện quy trình xây dựng kế hoạch KHCN, nhằm tạo môi trường thuận lợi để các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học đề xuất các nhiệm vụ KHCN các cấp. Trong đó cần xây dựng những hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ giảng viên, các nhà quản lý về quá trình đề xuất, đăng ký đề tài; công khai hóa các chương trình nghiên cứu các cấp, tạo điều kiện để giảng viên có thể tiếp cận đến các đề tài nghiên cứu trong các chương trình này.
Bên cạnh đó là thể chế hóa việc công khai danh mục, nội dung và thông tin các đề tài các cấp của cơ sở đào tạo để các giảng viên có thông tin, lựa chọn và tham gia nghiên cứu; hoàn thiện quy trình tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài KHCN các cấp trên cơ sở cạnh tranh và công bằng nhằm thu hút các nhà khoa học có khả năng, có tâm huyết với hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ và lựa chọn được các tổ chức và cá nhân có đủ trình độ, năng lực và các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện các nhiệm vụ KHCN được giao; xây dựng và hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin KHCN để hỗ trợ các nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trong việc cung cấp thông tin về các đề tài KHCN, về các chuyên gia đầu ngành, về quản lý các đề tài KHCN…
Những giải pháp cấp bách
Trước mắt, các cơ sở giáo dục nên tăng cường đầu tư kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KHCN các cấp, đặc biệt là nguồn kinh phí từ ngân sách; tăng cường hỗ trợ kinh phí từ quỹ phát triển KHCN cho nghiên cứu cơ bản thuộc các lĩnh vực khoa học; tăng cường đầu tư hệ thống trang thiết bị phục vụ nghiên cứu; xây dựng cơ chế thu hút sự tài trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với các trường đại học để thực hiện các hợp đồng NCKH và chuyển giao công nghệ; hợp đồng cung cấp quy trình công nghệ mới; tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động của nghiên cứu sinh như tham gia, tổ chức hội nghị hội thảo, công bố kết quả NCKH trong và ngoài nước...
Bên cạnh đó, cần đổi mới hoạt động phong trào thi đua, có chính sách khen thưởng nhằm động viên kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân tích cực và đạt hiệu quả trong hoạt động KHCN, vinh danh các giảng viên có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học để tạo sự say mê và sáng tạo cho người làm công tác NCKH cống hiến toàn tâm, toàn lực cho công trình nghiên cứu của mình.