Hội thảo do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội phối hợp tổ chức.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, hiện nay, thị trường khoa học và công nghệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến 2020, có nhiều cách tiếp cận mang tính đột phá như: xây dựng sàn giao dịch công nghệ quốc gia ở 3 thành phố lớn; kết nối các tổ chức dịch vụ và tổ chức trung gian trong lĩnh vực này trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế...
Tuy nhiên, việc tiếp tục hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho phát triển thị trường công nghệ và doanh nghiệp khoa học - công nghệ có vai trò quan trọng.
Tại hội thảo, một số giải pháp được đại diện các trường đại học, cao đẳng đưa ra là: cần nâng cao hiệu quả chuyển giao công nghệ trong các trường, tìm hiểu nhu cầu thực tế của các DN để có hướng nghiên cứu mang tính ứng dụng cao hơn, kêu gọi sự chung tay góp sức của các DN trong việc đầu tư nghiên cứu ngay từ giai đoạn đầu...
Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đề xuất lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để tháo gỡ khó khăn trong chuyển giao công nghệ.
Tiến sĩ Lê Văn Út chia sẻ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng xác định ba lĩnh vực: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu chuyển giao quan trọng như nhau. Hiện Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của trường đang tài trợ cho 29 đề tài với đầu vào được thẩm định cẩn thận và đầu ra phải đúng với ký kết ban đầu.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Út, cần có một kênh thông tin kết nối các đề tài nghiên cứu khoa học của trường đại học với doanh nghiệp, có thể gọi là “sàn giao dịch” kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là xem xét thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong chính trường đại học với quy chế ưu đãi.
Về phía quản lý, ông Lê Minh Khánh - Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ KH&CN) đề xuất mô hình liên kết ba nhà đối với hoạt động khai thác, thương mại hóa kết quả từ các viện nghiên cứu, trường đại học vào doanh nghiệp. Đồng thời cho rằng mối liên kết “ba nhà” là viện, trường – doanh nghiệp – nhà nước chưa được hình thành rõ ràng.
“Về phía các trường, công nghệ thường dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm, cho nên khi áp dụng vào thực tiễn sẽ có rủi ro, hoặc thiếu vốn để sản xuất hàng loạt. Trong khi đó, doanh nghiệp có thể đáp ứng được nguồn vốn, có khả năng thương mại hóa được sản phẩm nhưng lại thiếu thông tin.
Do vậy, rất cần vai trò của nhà nước để đưa ra các chính sách hỗ trợ, làm đầu mối để cho thị trường khoa học công nghệ, cầu nối để các trường đại học và doanh nghiệp bắt tay nhau” - ông Lê Minh Khánh nhận định.