Ứng dụng giáo dục STEM chưa triển khai rộng cho các đối tượng và chủ yếu thực hiện ở trường trung tâm thành phố. Tuy nhiên, với việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, lại được Bộ tập huấn triển khai thí điểm, các trường tiểu học khác khá tự tin áp dụng và kỳ vọng mở rộng mô hình này.
Ứng dụng chưa hoàn chỉnh
Đến nay hầu hết các trường tiểu học đều tiếp cận giáo dục STEM, thế nhưng thực tế cho thấy đa số vẫn là sự ứng dụng chưa hoàn chỉnh. Cách làm chủ yếu của các trường là tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, mang những nét đặc trưng gần với hoạt động trải nghiệm STEM.
Theo thầy Dương Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP Huế (Thừa Thiên - Huế), hơn 4 năm triển khai, nhà trường chưa thực sự áp dụng STEM vào giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018, mà chủ yếu xây dựng các hoạt động ngoài giờ lên lớp với hình thức trải nghiệm và nghiên cứu khoa học.
Sở GD&ĐT Đồng Tháp cũng khuyến khích các trường tổ chức học sinh tham gia học STEM và STEAM với hình thức xã hội hóa, liên kết với đối tác giảng dạy chương trình khác nhau như “Làm quen và bổ trợ tiếng Anh tích hợp STEM Robotics”… Học sinh được phát triển kỹ năng toàn diện của tiếng Anh (nghe, nói, đọc, viết) thông qua việc học trực tiếp với giáo viên nước ngoài, kết hợp tiếp cận công nghệ từ cơ bản đến nâng cao.
Tương tự, tại Cần Thơ, những năm qua, mặc dù chưa được tập huấn chuyên sâu, chưa triển khai bài bản về giáo dục STEM, nhưng mô hình này đã hiện diện trong nhiều bài dạy của giáo viên, hoạt động giáo dục tại các trường. Cô La Thị Kim Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giai Xuân 1, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho hay, nhà trường thực hiện hoạt động giáo dục STEM chủ yếu đối với bộ môn Tin học; bồi dưỡng học sinh năng khiếu... hay thành lập các nhóm tham gia cuộc thi STEM Robotics.
Bà Ngô Thuý Anh, Trưởng phòng GDMN & Tiểu học, Sở GD&ĐT Đồng Tháp cũng thừa nhận, tại địa phương mặc dù các trường chưa tổ chức được hoàn chỉnh một bài học STEM đúng quy trình, nhưng đều có nội dung giáo dục mang những nét đặc trưng gần với hoạt động trải nghiệm STEM. Thông qua đó, giáo viên nêu vấn đề trong thực tiễn, học sinh được nhận nhiệm vụ - vấn đề cần giải quyết, tìm các phương án, làm việc nhóm để hoàn thiện sản phẩm và chia sẻ sản phẩm cùng với lớp…
Tập huấn triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học của Bộ GD&ĐT. |
Kỳ vọng mở rộng đối tượng thụ hưởng
Giáo dục STEM có vai trò quan trọng trong giáo dục toàn diện, tăng tính tích cực và phát triển kỹ năng cho học sinh. Đây là mô hình giáo dục theo hướng tích hợp liên môn, giúp học sinh vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết một vấn đề trong thực tiễn, phát huy tối đa năng lực và phẩm chất. Thế nhưng, thực tế triển khai STEM thời gian qua cho thấy có sự thu hẹp đối tượng thụ hưởng, chỉ những học sinh có điều kiện hoặc có năng khiếu mới tiếp cận được.
Tuy nhiên, cùng với việc triển khai chương trình mới, Bộ đã tổ chức tập huấn khá kỹ lưỡng về thí điểm mô hình giáo dục STEM ở tiểu học, đối tượng học sinh thụ hưởng theo đó sẽ rộng hơn. Đặc biệt, các thiết bị danh mục đồ dùng học tập tối thiểu trong Chương trình GDPT 2018 mới bảo đảm thuận tiện, triển khai tốt hơn.
Thầy Dương Tuấn Anh chia sẻ, sau khi triển khai chương trình mới, được Bộ tập huấn, thời gian tới, nhà trường sẽ áp dụng giáo dục STEM vào các môn học, chuyển đổi cách học, hình thức học để tất cả học sinh đều được thụ hưởng, từ đó nâng cao phẩm chất người học.
Bà Ngô Thuý Anh cũng cho hay, sau lớp tập huấn của Bộ GD&ĐT, tỉnh Đồng Tháp sẽ bồi dưỡng cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn. Không riêng 10 trường tham gia thí điểm mà các cơ sở giáo dục có lớp tiểu học trong toàn tỉnh sẽ được tập huấn để dần tiếp cận và có thể thực hiện giáo dục STEM từ năm học 2022 - 2023.
Ảnh minh họa/ INT |
“Khi tiếp cận với “Quy trình tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở cấp tiểu học”, “Quy trình xác định chủ đề giáo dục STEM” và “Bài học STEM”, tôi nhận thấy các bài học STEM đã làm rõ hơn ưu điểm của Chương trình GDPT 2018. Đó là học sinh được làm, trải nghiệm qua chính bài học của mình. Các bài học trong sách vở thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ hội để các em tích hợp kiến thức, kỹ năng ở các môn học, từ đó vận dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong từng chủ đề”, bà Thúy Anh nhấn mạnh.
Kỹ năng phương pháp đã được hướng dẫn qua tập huấn, điều kiện cơ sở vật chất thiết bị của chương trình trong khả năng cho phép là những điều kiện cần để phát triển giáo dục STEM ở cấp tiểu học. Tuy vậy, để đạt được chất lượng, hiệu quả vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Cô La Thị Kim Yến cho rằng, thực hiện không khó nhưng trường cần có thời gian tập huấn cho tất cả giáo viên, đồng thời khơi gợi được sự nhiệt tình, tận tâm, chủ động, sáng tạo của thầy cô. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến giáo viên để hiểu ý nghĩa, vai trò của giáo dục STEM trong nhà trường; tổ chức các hoạt động chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện song song với Chương trình GDPT 2018, khuyến khích giáo viên khối 4, 5 cùng thực hiện...
Bà Ngô Thuý Anh cũng nhận định, để triển khai giáo dục STEM tại địa phương đạt hiệu quả, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các cấp quản lý giáo dục, tinh thần trách nhiệm và sự quyết tâm cao từ đội ngũ và học sinh; đồng thời cần một khoảng thời gian nhất định để đơn vị tăng cường cơ sở vật chất và điều kiện tốt nhất.
“Hiện giáo dục STEM vẫn có thể triển khai ở các trường tiểu học thuộc địa bàn vùng sâu, khó khăn. Nhà trường có thể căn cứ trên điều kiện thực tế, Chương trình GDPT 2018 để lựa chọn và xây dựng các chủ đề giáo dục STEM phù hợp cho từng khối lớp; có thể gia giảm mức độ STEM phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời, từng bước nâng dần cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ giáo dục STEM được tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất”, bà Ngô Thúy Anh nhấn mạnh.
“Các thiết bị danh mục đồ dùng học tập tối thiểu trong Chương trình GDPT 2018 đảm bảo thuận tiện, triển khai thực hiện tốt giáo dục STEM. Nếu trường hợp thiếu có thể tận dụng dụng cụ sẵn có hoặc tự làm tại địa phương. Vấn đề cốt lõi là lãnh đạo nhà trường phải đồng tình tham gia nghiên cứu cùng đội ngũ giáo viên. Giáo viên tham gia phải năng động, chịu khó bồi dưỡng kiến thức và kiến tạo phương pháp tổ chức giảng dạy cho phù hợp” - thầy Dương Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP Huế nhấn mạnh.