Triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học

GD&TĐ - Ngày 6/7 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học với 7 tỉnh tham gia thí điểm: Lào Cai, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị.

Dự và chỉ đạo Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ. Cùng dự có TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng các Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; chuyên viên phụ trách giáo dục STEM Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT); Lãnh đạo Sở, Phòng giáo dục Tiểu học, Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng của các trường thuộc 7 tỉnh thí điểm.

Giáo dục STEM phát huy vai trò, thế mạnh

Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết Giáo dục STEM chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, trong đó, dạy học dự án và dạy học giải quyết vấn đề là hai phương pháp dạy học được sử dụng phổ biến trong triển khai các hoạt động giáo dục STEM.

Trong các hoạt động giáo dục STEM thường dựa vào/tạo ra một tình huống thực tiễn để học sinh giải quyết một cách sáng tạo bằng cách sử dụng kiến thức của hai hay nhiều môn học thuộc các lĩnh vực STEM. Giáo dục STEM tạo điều kiện để học sinh rèn luyện khả năng ứng dụng toàn diện kiến thức vào việc khám phá các khía cạnh khác nhau cảu thế giới thực và giải quyết các vấn đề dưới sự định dạng của tư duy liên ngành...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thứ Trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao vai trò, thế mạnh, sự cần thiết của giáo dục STEM và cho biết Bộ GD&ĐT rất quan tâm, mong muốn triển khai giáo dục STEM ở diện rộng, thông suốt từ giáo dục Trung học tới Tiểu học.

Tuy nhiên Thứ trưởng cũng chỉ ra triển khai giáo dục STEM đạt hiệu quả không dễ dàng. Muốn triển khai diện rộng giáo dục STEM đại trà bậc tiểu học cần phải có lộ trình khoa học, hiệu quả và cần thiết triển khai thí điểm

Hiện tại Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học tại 7 địa phương là Lào Cai, Hà Nội, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Cần Thơ, Đồng Tháp. Mỗi tỉnh chọn 5 đơn vị cấp huyện, mỗi đơn vị cấp huyện chọn 2 trường tiểu học để tham gia tập huấn, tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mô hình giáo dục STEM cấp Tiểu học.

Sau tổng kết, đúc rút kinh nghiệm các mô hình ở 7 tỉnh triển khai thí điểm, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục triển khai thí điểm diện rộng các nội dung về giáo dục STEM cấp tiểu học tại 15 địa phương: Bắc Giang, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Gia Lai, TP Hồ Chí M Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Bạc Liêu. Và tại mỗi tỉnh/thành phố triển khai tại tất cả các trường Tiểu học được tham gia tập huấn, tổ chức triển khai thực hiện mô hình giáo dục STEM cấp Tiểu học.

Tại Hội nghị, TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đã Triển khai Kế hoạch 526/KH-BGDĐT về triển khai giáo dục STEM cấp Tiểu học thực hiện Chương trình GDPT 2018; PGS.TS Lê Huy Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ GDĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày về cơ sở lý luận về giáo dục STEM và áp dụng thực hiện ở cấp Tiểu học. Các chuyên gia giáo trình bày xung quanh vấn đề định hướng xây dựng Kế hoạch giáo dục nhà trường thực hiện nội dung STEM; Cách thức triển khai nội dung giáo dục STEM đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp Tiểu học.

Đại biểu dự Hội nghị

Đại biểu dự Hội nghị

Cùng địa phương triển khai giáo dục STEM cấp Tiểu học

Tại Hội nghị, đại diện 7 địa phương triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học đã thẳng thắn nêu lên những thuận lợi và khó khăn vướng mắc, đề xuất cùng Bộ GD&ĐT một số vấn đề để việc triển khai thời gian tới hiệu quả.

Từ chia sẻ của 7 địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã chỉ ra một số vấn đề khó khăn và cần tháo gỡ thời gian tới tại các địa phương.

Trước hết, về nội dung giáo dục STEM: Các nội dung bài dạy, chủ đề bài giảng giáo dục STEM chưa rõ ràng, cần xây dựng, điều chỉnh, cần đưa ra những mô hình tham khảo (không mang tính tuyệt đối)…

Về phía đội ngũ giáo viên, năng lực giảng dạy theo giáo dục STEM của nhiều giáo viên còn là thách thức. Do đó cần được các địa phương, nhà trường tập trung bồi dưỡng, bản thân giáo viên cũng cần tự học, bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn.

Vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học không thể phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở vật chất, trang thiết bị triển khai Chương trình GDPT mới. Các địa phương, nhà trường cần xây dựng kế hoạch, đề án, có sự tham mưu cùng UBND tỉnh để có cơ chế, chính sách hỗ trợ; đặc biệt có cơ chế pháp lý thực hiện xã hội hóa… đảm bảo yêu cầu triển khai.

Thời gian triển khai dự án thí điểm không cần kéo dài. Cần tiến hành triển khai, tập huấn, đánh giá… phù hợp, gọn gàng để tháng 12/2022 có tổng kết kết quả triển khai, xây dựng mô hình giáo dục STEM cấp Tiểu học, sau đó có thể bước sang tiến hành triển khai đại trà, diện rộng ở địa phương.

Việc tập huấn giáo viên ra sao cũng hết sức quan trọng để giúp giáo viên tiếp cận, nhận thức đúng vấn đề khi bước vào triển khai. Công tác chỉ đạo thí điểm cũng cần thể hiện rõ quyết tâm, trách nhiệm từ lãnh đạo Sở, Phòng, Trường… Việc triển khai giáo dục STEM cấp Tiểu học nếu không tâm huyết thì thí điểm khó thành công; 1 địa phương thí điểm không thành công kéo theo ảnh hưởng các địa phương thí điểm còn lại; Thí điểm không thành công cũng ảnh hưởng tới triển khai đại trả...

Ghi nhận những kết quả, cố gắng của 7 địa phương đang triển khai thí điểm giáo dục STEM cấp tiểu học, song Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ vẫn nhấn mạnh, để giáo dục STEM cấp tiểu học hiệu quả hơn nữa, đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên giáo viên tham dự hội nghị cũng như tập huấn sắp tới… cần tiếp tục lắng nghe, học hỏi chuyên gia; suy nghĩ đặt câu hỏi về giáo dục STEM cấp tiểu học như một nhu cầu tự thân. Đặt được nhiều câu hỏi về quá trình triển khai để chuyên gia giải đáp thì càng hiểu sâu sắc về giáo dục STEM, biết thêm các mô hình hay, cách triển khai hiệu quả. Điều đó sẽ giúp cho việc triển khai thêm vững vàng, đúng hướng, phù hợp…

TS Thái Văn Tài triển khai Kế hoạch 526/KH-BGDĐT về triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học thực hiện CCT GDPT 2018.

TS Thái Văn Tài triển khai Kế hoạch 526/KH-BGDĐT về triển khai giáo dục STEM cấp tiểu học thực hiện CCT GDPT 2018.

Sau Hội nghị triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT dự định tập huấn triển khai thực hiện thí điểm giáo dục STEM cấp Tiểu học theo 3 cụm.

Cụm Miền Bắc (Lào Cai, Hà Nội, Nam Định); với 201 đại biểu; tập huấn trực tiếp tại Hà Nội; thời gian dự kiến từ 18-20/7; Cụm Miền Trung (Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk); với 134 đại biểu, tập huấn trực tiếp tại Đắc Lắk, thời gian từ 22-24/7; Cụm Miền Nam (Cần Thơ, Đồng Tháp) với với 134 đại biểu, tập huấn trực tiếp tại Cần Thơ từ 26-28/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.