Phát triển chuyên môn cho giáo viên - kinh nghiệm từ Malaysia

GD&TĐ - Giáo viên được coi là lực lượng quan trọng giúp Malaysia đạt được những mục tiêu giáo dục đề ra trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển con người.

Phát triển chuyên môn cho giáo viên - kinh nghiệm từ Malaysia

Kinh nghiệm của Malaysia trong phát triển chuyên môn cho giáo viên dưới đây được TS. Ngô Vũ Thu Hằng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ trong tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm" do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức.

Chính phủ cung cấp ngân sách khá lớn hàng năm cho bồi dưỡng giáo viên

TS. Ngô Vũ Thu Hằng cho biết: Sự cần thiết phát triển chuyên môn cho giáo viên được Malaysia đề cập đến vào đầu năm 1995 với một hội đồng đặc biệt được Bộ Giáo dục thành lập để nghiên cứu chuyên môn và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên. Hoạt động phát triển chuyên môn cho giáo viên được xem như là một phương tiện nhằm nâng cao năng lực dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Những khuyến nghị được hội đồng đặt ra bao gồm: Giáo viên nên được khuyến khích tham gia các khóa học bồi dưỡng và phát triển hoạt động giáo dục của mình. Các cơ hội nên được trao cho giáo viên để đi tham quan, học hỏi về giáo dục ở các nước trên thế giới;

Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn giới thiệu cho giáo viên cần cho giáo viên nhận thấy được những vai trò, vị trí, trách nhiệm mới. Các khóa học quản lí được cung cấp cho giáo viên tiềm năng trở thành những giáo viên lãnh đạo;

Các phòng học nên được xây dựng dựa vào môn học. Các trung tâm giáo viên nên hỗ trợ phát triển chuyên môn cho giáo viên: nên được xây dựng ở những địa điểm chiến lược, được trang bị với những công nghệ hiện đại và được hỗ trợ kinh phí, nhân lực đầy đủ, phù hợp.

Các chương trình bồi dưỡng giáo viên được thiết kế nhằm cung cấp hoạt động đào tạo, tập huấn cho các giáo viên phổ thông nhằm nâng cao kĩ năng, năng lực chuyên môn và trình độ học thuật trong lĩnh vực của giáo viên. Nó cũng nhằm giúp giáo dục bám sát với sự phát triển của thời đại và thực tiễn và chuẩn bị cho giáo viên trước những thách thức của thời kì toàn cầu hóa.

Các khóa học cung cấp cho giáo viên có thể là: Phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên tại các cơ sở đào tạo giáo viên. Các chương trình phát triển và bồi dưỡng ngắn hạn và liên tục dành cho giáo viên đứng lớp (kéo dài từ 1 đến 5 ngày). Chương trình phát triển và đào tạo giáo viên ngắn hạn và liên tục dành cho giáo viên bộ môn Khoa học, Toán học, Công nghệ thông tin và Tiếng Anh.

TS. Ngô Vũ Thu Hằng nhận định: Hoạt động phát triển chuyên môn liên tục và bồi dưỡng giáo viên là những yếu tố quan trọng giúp duy trì và phát triển năng lực giáo viên ở Malaysia. Chính phủ đã cung cấp một nguồn ngân sách giáo dục khá lớn hàng năm để thực hiện các hoạt động bồi dưỡng giáo viên.

Hai dạng khóa học bồi dưỡng được chú trọng đó là các khóa học nâng cao trình độ và khóa học nâng cao kĩ năng và kiến thức cho giáo viên, thường kéo dài dưới một năm.

Bên cạnh đó, các nhà trường cũng được khuyến khích thực hiện các chương trình bồi dưỡng tại nhà trường nhằm phát triển và nâng cao kiến thức lí luận và thực tiễn cho giáo viên với những nội dung khá phong phú, trải rộng dựa trên những nhu cầu của nhà trường.

Các hoạt động nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên

Việc nhấn mạnh một nền giáo dục có chất lượng đòi hỏi các lực lượng dạy học phải có năng lực trong việc thực hiện chương trình. Sự chuyển đổi hoạt động học đòi hỏi giáo viên cần có những kiến thức, kĩ năng và thái độ từ biết - như thế nào sang nghệ thuật dạy học sáng tạo.

Theo TS. Ngô Vũ Thu Hằng, để nâng cao hoạt động bồi dưỡng, Malaysia chú trọng thực hiện các hoạt động sau:

Mở rộng con đường học vấn cho giáo viên - khuyến khích giáo viên tham gia các khóa bồi dưỡng thường xuyên trong năm; Nâng cao trình độ cho các nhà giáo dục, đào tạo giáo viên; Nâng cấp trình độ đầu vào đối với các nhà giáo dục, đào tạo giáo viên;

Hoạt động nghiên cứu và phát triển được coi như là một phần của hoạt động của môi trường đại học; Các chương trình hỗ trợ chương trình môn học; Các khóa học về quản lí giáo dục được thiết kế dành cho những người điều hành và lãnh đạo nhà trường; Các khóa học bồi dưỡng giáo viên tài năng;

Chương trình phát triển chuyên môn kéo dài 14 tuần dành cho giáo viên; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ kéo dài 1 năm.

Những chương trình và khóa học này không hướng đến loại hình “giá rẻ”, do đó, Chính phủ phải là người cung cấp để có thể từng bước vượt qua được vấn đề này thông qua những cách đánh giá, kiểm tra khác nhau.

"Tại Việt Nam, Chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi người giáo viên cần được trang bị kiến thức, kĩ năng và thái độ để thích nghi với nó. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển giáo viên có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp đổi mới giáo dục lúc này. Nó đòi hỏi các nhà nghiên cứu, giáo dục cần có sự xem xét và phát triển các chương trình đào tạo giáo viên sao cho phù hợp với những giá trị được theo đuổi.

Để có thể xây dựng được những chương trình bồi dưỡng, phát triển giáo viên một cách phù hợp và hiệu quả, cần thiết phải có sự tìm hiểu về hoạt động bồi dưỡng, phát triển giáo viên trên thế giới, đặc biệt là từ những nước có nền giáo dục tiến bộ và thành công.

Việc làm này giúp cho các nhà nghiên cứu, giáo dục có thể kế thừa, học hỏi những kinh nghiệm của họ đồng thời có thêm những cơ sở, căn cứ, ý tưởng để phát triển chương trình bồi dưỡng giáo viên mới phù hợp với bối cảnh thực tế"
- TS.Ngô Vũ Thu Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ