Phát biểu đề dẫn, GS.TS Lê Anh Vinh – Giám đốc Trung tâm, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chia sẻ, Hội thảo “Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông trong kỉ nguyên số” nằm trong chuỗi hội thảo hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (6/12/1961 - 6/12/2021).
Hội thảo nhằm chia sẻ một số kết quả nghiên cứu của đơn vị trong những năm gần đây, đồng thời là diễn đàn để các nhà khoa học, các cán bộ quản lí, giáo viên trao đổi những nội dung lí luận và thực tiễn có liên quan đến vấn đề phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông trong kỉ nguyên số.
Cho rằng, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến giáo dục. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực thì đại dịch thúc đẩy quá trình chuyển đổi số giáo dục.
“Thực tế, 2 năm qua, ngành Giáo dục nói chung và đội ngũ thầy, cô giáo nói riêng đã làm được nhiều hơn mong đợi, từng bước thích ứng với chuyển đổi số” - GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh, đồng thời nhìn nhận, tới đây giáo dục sẽ ngày càng có nhiều đổi mới.
Theo Giám đốc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, dựa trên các yếu tố như: Cơ hội tiếp cận giáo dục của người học, phổ cập giáo dục, kết quả tham dự các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế của học sinh; giáo dục phổ thông được thế giới ghi nhận và đánh giá là có chất lượng.
Tuy nhiên, bậc giáo dục này cũng đối diện với nhiều thách thức như: Phổ cập giáo dục từ mầm non đến THCS; đổi mới của giáo viên trong quá trình dạy học; vấn đề chất lượng giáo dục và thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, trong đó có việc chuyển đổi phương thức dạy học sang trực tuyến.
Thảo luận tại hội thảo, ThS Nguyễn Thanh Trịnh - Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia – nhấn mạnh, việc triển khai “giáo dục thích ứng” trong các nhà trường phổ thông là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
Cùng với đó, nhu cầu đổi mới và vận dụng các hình thức, phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại trong bối cảnh tự chủ của các nhà trường phổ thông ngày càng tăng.
Việc triển khai dạy học ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt dạy học trực tuyến đã có bước “nhảy lớn” trên diện rộng. “Vì thế, có thể nói, Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn nhưng đồng thời cũng đã tạo cơ hội và động lực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số mạnh mẽ hơn” – ThS Nguyễn Thanh Trịnh khẳng định.
Nhìn nhận về tiến trình phát triển của hệ thống giáo dục Việt Nam, TS Lê Phương Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) – cho rằng, cơ cấu hệ thống giáo dục luôn được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hệ thống giáo dục dần được đa dạng hóa về cấp học, trình độ đào tạo cũng như phương thức học tập. Giáo dục phổ thông đã ổn định và trở thành nền tảng của mục tiêu phát triển dân trí, phát hiện nhân tài.
Ngoài ra, hệ thống giáo dục đã dần hình thành các đường đi khác nhau cho người học để góp phần phát triển nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Song cơ cấu hệ thống giáo dục hiện đang bị chi phối bởi nhiều văn bản pháp quy khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau, không theo thông lệ chung của quốc tế.
Các thay đổi về công nghệ và khoa học giáo dục đang đặt ra đòi hỏi cấp thiết về tiếp tục đổi mới hệ thống giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi có những đổi mới mạnh mẽ tiếp theo.
Những sáng tạo đột phá của kỉ nguyên số cũng đặt ra nhiều thách thức khi sự dịch chuyển mô hình diễn ra trên mọi phương diện xã hội trong đó có hệ thống giáo dục.
Trước bối cảnh chung đó, nền giáo dục Việt Nam bên cạnh việc định hướng được mục tiêu giáo dục phù hợp với xu thế, thì việc học hỏi kinh nghiệm giáo dục của các nước phát triển để áp dụng những kinh nghiệm đó một cách sáng tạo, tìm ra con đường phát triển riêng, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và bối cảnh giáo dục của Việt Nam là cần thiết.