Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được cải thiện

GD&TĐ - Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, phổ điểm các môn thi và các khối thi của Kỳ thi THTP quốc gia năm nay cho thấy đề thi có tính phân hóa tốt ở khu vực điểm cao để phục vụ xét tuyển đại học, đồng thời cũng kiểm tra được kiến thức tổng quát của thí sinh ở khu vực điểm thấp để phục vụ xét tốt nghiệp.

GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: Báo GD&TĐ)
GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT (Ảnh: Báo GD&TĐ)

PV: GS có nhận xét gì về kết quả thi và phổ điểm các môn thi năm 2019

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Hầu hết phổ điểm các môn thi đều lệch phải, nghĩa là số thí sinh có điểm trung bình trên 5 điểm nhiều hơn số thí sinh có điểm trung bình dưới 5 điểm. Đề thi có tính phân hóa tốt ở khu vực điểm cao để phục vụ xét tuyển đại học đồng thời cũng kiểm tra được kiến thức tổng quát của thí sinh ở khu vực điểm thấp để phục vụ xét tốt nghiệp. Kết quả cao của thí sinh năm nay có thể là do đề thi nhẹ nhàng hơn nhưng nguyên nhân sâu xa là chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng được cải thiện.

Hai môn Sử và Ngoại ngữ vẫn có phổ điểm lệch trái như những năm trước mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực để cải thiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên kết quả thi của những thí sinh thực sự quan tâm đến hai môn này để xét tuyển vào đại học cũng rất cao. Điều này cho thấy kết quả của hai môn này để phục vụ tuyển sinh là tốt nhưng việc dạy và học hai môn này để giáo dục toàn diện chưa đạt được kỳ vọng mặc dù đã có rất nhiều ý kiến đề xuất giải pháp.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa
 Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh minh họa

PV: Theo Giáo sư làm thế nào để cải thiện chất lượng môn Lịch sử?

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Môn Lịch Sử là môn thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội, không thể thiếu trong giáo dục công dân toàn diện. Hãy so sánh kết quả thi của môn Sử với kết quả thi môn Địa và môn Công dân, cũng là các môn khoa học xã hội. Nếu nói rằng học sinh quay lưng với môn xã hội thì không đúng vì môn Địa và môn Công dân kết quả thi tốt, thậm chí môn Công dân tốt nhất trong các môn. Khi đưa môn Công dân lần đầu tiên vào kỳ thi quốc gia, anh em làm qui chế ở Bộ cũng rất lo. Các trường phổ thông cũng nêu quan điểm rất ngại đưa môn xã hội này vào vì sợ thí sinh làm không tốt ảnh hưởng đến kết quả chung. Thế nhưng mấy năm nay chúng ta đều thấy môn này có kết quả thi tốt. Môn Địa lý tuy cũng có nhiều dữ liệu khô khan nhưng thí sinh vẫn chí thú và làm tốt bài thi.

Vậy thì lý do gì đã làm cho kết quả thi môn Lịch Sử luôn ở mức thấp? Qua theo dõi kết quả thi nhiều năm tôi thấy môn Công dân thí sinh thi tốt nhờ những kiến thức môn học rất thực tế, liên quan trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày. Môn Địa lý thì không yêu cầu thí sinh phải nhớ chi tiết số liệu mà dựa vào Atlas địa lý để nhận định, phân tích, nhận xét, đánh giá những vấn đề mà câu hỏi đặt ra.

Kinh nghiệm của hai môn này rất có ích để đổi mới dạy, học và thi môn Lịch Sử. Thay vì bắt thí sinh phải nhớ quá nhiều ngày tháng, dữ liệu lịch sử như hiện nay, chúng ta nên yêu cầu học sinh nhận định, phân tích, trả lời những vấn đề liên quan đến các sự kiện lịch sử thực tiễn nước nhà dựa trên cơ sở dữ liệu được cung cấp (như Atlas địa lý). Việc học thuộc và nhớ những chi tiết ngày nay đâu còn cần thiết, chỉ cần một vài từ khóa và chiếc điện thoại thông minh là có thể tìm kiếm được ngay. Điều quan trọng là suy luận, phân tích, nhận định từ những dữ liệu đó.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

PV: Với kết quả thi như đã công bố, theo GS, công tác xét tuyển vào các trường Đại học sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?

GS.TSKH Bùi Văn Ga: Khi không còn qui định điểm sàn và các trường đã được tự chủ sử dụng các phương án tuyển sinh khác nhau thì nguồn tuyển của các trường phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký dự thi có nguyện vọng xét tuyển vào đại học. Phổ điểm chỉ có ảnh hưởng đối với các trường tốp trên.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT thì năm nay có 653.000 thí sinh thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tuyển vào đại học trên tổng chỉ tiêu Đại học là 483.000. Trong số 653.000 thí sinh trên có một số em không đỗ tốt nghiệp, một số em đi học nước ngoài, một số em chọn đi học nghề hay đi lao động, thậm chí một số em đỗ vào trường tốp trên nhưng từ chối nhập học vì nhiều lý do khác nhau. Nếu trừ số thí sinh này ra thì số thí sinh còn lại cũng xấp xỉ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

Những trường có uy tín, chất lượng luôn diễn ra sự cạnh tranh gay gắt đối với những thí sinh có kết quả thi cao. Khi phổ điểm của các tổ hợp xét tuyển dốc mạnh phía tay phải thì việc lựa chọn điểm trúng tuyển của các trường tốp đầu sẽ có chút ít khó khăn. Chỉ cần tăng nửa điểm sẽ có nhiều thí sinh trượt, giảm nửa điểm sẽ có nhiều thí sinh đậu nên việc cân chỉnh số lượng trúng tuyển cho đúng với chỉ tiêu sẽ khó khăn. Khi đó cần sử dụng đến các tiêu chí phụ.

Những trường tốp giữa không thiếu hụt nguồn tuyển do năm nay phần lớn thí sinh có kết quả thi nằm trong khoảng 18-24 điểm của 3 môn. Tuy nhiên những trường chưa có uy tín, các trường ở các địa phương xa các trung tâm kinh tế lớn ngày sẽ càng khó khăn trong tuyển đủ chỉ tiêu.

Xin cảm ơn GS

"Tyển sinh bây giờ là sự cạnh tranh rất lớn giữa các trường. Vì thế để phát triển bền vững, các trường không còn cách nào khác hơn là nâng cao chất lượng đào tạo và xây dựng uy tín trong xã hội" - GS.TS Bùi Văn Ga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.