Phạt nặng xe không chính chủ: Liệu có khả thi?

Phạt nặng xe không chính chủ: Liệu có khả thi?

(GD&TĐ) - Từ ngày 10/11, nhằm cụ thể hóa Nghị định 71/2012/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 71) ban hành ngày 19/9/2012 của Chính phủ, cảnh sát giao thông (CSGT) cả nước áp dụng xử phạt 6-10 triệu đồng đối với chủ phương tiện ô tô và 1 triệu đồng đối với chủ phương tiện mô tô, xe máy mua bán, trao đổi nhưng không tiến hành thủ tục sang tên, đổi chủ.

Trong bối cảnh số người đi xe gắn máy không chính chủ ở nước ta quá lớn, xe máy lại là phương tiện giao thông chủ đạo của người dân nên quyết định xử phạt theo Nghị định 71 đối với xe máy đang trở thành vấn đề quan tâm đặc biệt của dư luận.

Xung quanh quyết định này, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Nếu đi xe của bố, của vợ hay của bạn thì sẽ xử lý ra sao? Thực tế đang tồn tại những chiếc xe đã qua nhiều lần đổi chủ, người đang sở hữu cũng chẳng biết được chủ chính của nó thì sẽ xử lý ra sao? Và nữa, phần lớn sinh viên ở các thành phố lớn đang sử dụng xe của bố mẹ, nếu bị phạt 1 triệu đồng (mà phạt liên tục) liệu túi tiền của các em có khả năng đáp ứng?...

Trao đổi với báo chí, ông Đào Vịnh Thắng- Trưởng phòng CSGT công an Thành phố Hà Nội khẳng định: "Ngay sau khi Nghị định 71 được ban hành, từ giữa tháng 10, Phòng CSGT CATP đã chủ động tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. Kế đến, đơn vị cũng đã tập huấn cho cán bộ chiến sĩ hiểu, nắm chắc nội dung nghị định, để áp dụng, thực thi hiệu quả công tác xử lý, đảm bảo an toàn giao thông".

Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng, đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến cơ quan đăng ký, làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và chịu mức xử lý theo quy định.

Những ngày đầu, CSGT sẽ nhắc nhở chủ phương tiện giao thông về các lỗi vi phạm mới vừa được sửa đổi bổ sung, sau đó sẽ xử phạt theo đúng quy định.

Ảnh chỉ có tính chất minh họa/internet
Ảnh chỉ có tính chất minh họa/internet

Vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều

Vẫn biết, việc sang tên đổi chủ các phương tiện giao thông là hết sức cần thiết nhằm tránh thất thu thuế cho Nhà nước, quản lý tốt các phương tiện giao thông, góp phần giải quyết các vụ án hình sự, tai nạn giao thông một cách nhanh chóng, chính xác.

Tuy nhiên, số xe máy cũ "không chính chủ" đang hoạt động với số lượng khá lớn và lực lượng CSGT cũng khó có thể xử phạt được triệt để.

Trở lại câu hỏi con mượn xe của bố, vợ đi xe của chồng hay ai đó mượn xe của bạn, đi xe của cơ quan v.v… sẽ xử lý ra sao, các quan chức giao thông cho rằng, những trường hợp ấy, CSGT bằng nghiệp vụ sẽ có cách thu thập bằng chứng, nếu đúng như vậy sẽ không bị xử phạt. Tuy nhiên, trên thực tế khi tham gia giao thông, mật độ xe rất đông, nếu cứ giữ xe không chính chủ lại để thẩm vấn thì cả Hà Nội rất có thể sẽ trở thành bãi xe khổng lồ làm ách tách giao thông?!.

Với những người mượn xe, nếu cứ phải đem theo sổ hộ khẩu gia đình hay giấy tờ tùy thân của chủ phương tiện để tránh bị phạt thì rất phiền hà. Hơn nữa những người sử dụng xe cũ, không chính chủ đa phần thuộc tầng lớp nghèo. Với những gia đình đông người chỉ đủ khả năng mua được 1 đến 2 chiếc xe máy làm phương tiện đi lại, quyết định xử phạt với xe không chính chủ thực sự ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của họ. Một câu hỏi được đặt ra: Quyết định xử phạt nặng đối với xe không chính chủ có vẻ như đang đánh vào dân nghèo?

Quyết định xử phạt xe không chính chủ làm cánh sinh viên lo lắng. Thực tế cho thấy, đa số sinh viên đang phải sử dụng xe thuộc quyền sở hữu của bố mẹ và những người thân. Giờ đây, mức phạt 1 triệu với họ là số tiền có thể chi tiêu trong cả tháng.

Mở đường cho CSGT thêm tiêu cực?

Từ 10/11/2012, thay vì xác định "hai năm rõ mười" là phạm luật hay không phạm luật như trước đây, CSGT phải làm thêm công việc "thẩm định" xem người điều khiển phương tiện giao thông "không chính chủ" có quan hệ với chủ xe như thế nào để quyết định phạt hay không phạt thì vất vả cho các anh ấy quá! Làm việc trong điều kiện thời tiết ngoài trời khắc nghiệt lại phải đối mặt với mật độ giao thông dày đặc, ô nhiễm môi trường đến mức báo động ở các thành phố lớn, liệu CSGT có đủ kiên nhẫn để nghe trình bày về mối quan hệ giữa người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện giao thông? Và nữa, nếu bạn đang bận việc, liệu có đủ kiên nhẫn để đợi CSGT "tiến hành thủ tục thẩm định"?

Có nên biếu các đồng chí CSGT "mấy đồng uống nước" để các đồng chí tha cho, vừa đỡ khổ cho các bác ấy, lại đỡ mất thời gian cho mình…?

Những năm gần đây, việc xe tải, xe khách phải nộp phí cho CSGT trên mọi cung đường trong cả nước đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Việc các đơn vị CSGT "khoán" chỉ tiêu phạt cho cán bộ chiến sĩ của mình cũng không phải là chuyện chỉ nghe được một lần. Liệu quyết định phạt nặng xe không chính chủ có gián tiếp mở đường cho CSGT thêm tiêu cực?

Anh Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ