Phát huy hiệu quả nguồn lực khi chuyển sang giai đoạn chống dịch mới

GD&TĐ -Trong trường hợp chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, Việt Nam có thể phát huy nguồn lực và hiệu quả phòng ngừa các dịch bệnh khác.

Hơn 95% dân số Việt Nam tiêm phòng ít nhất 2 mũi vắc-xin Covid-19.
Hơn 95% dân số Việt Nam tiêm phòng ít nhất 2 mũi vắc-xin Covid-19.

Hiện, dịch cúm, sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp.

Cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa

Vừa qua, tại buổi thảo luận tổ ở Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đề nghị Chính phủ tuyên bố chuyển sang giai đoạn chống dịch mới với quy định cụ thể, thay thế các chỉ thị, hướng dẫn trước đây. Việc này nhằm hạn chế tốn kém nguồn lực, nhưng vẫn đảm bảo sẵn sàng nếu Covid-19 bùng phát hoặc dịch bệnh khác xuất hiện.

Thực tế, Việt Nam đã giảm mức độ phòng chống Covid-19. Nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỷ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm, các đơn vị điều trị Covid-19 ngày càng giảm. “Chúng ta cũng thấy rõ trong hội trường Quốc hội, không ai đeo khẩu trang. Trong khi nếu theo quy định phòng chống đại dịch thì phải đeo”, ông nói.

Giám đốc Bệnh viện Đại học Y phân tích, khi chuyển sang giai đoạn chống dịch mới, bệnh nhân Covid-19 sẽ được khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế như bệnh lý thông thường. Các bệnh viện sẽ chủ động thanh toán, không dùng tiền ngân sách như hiện nay.

Để chống dịch, nhiều tỉnh đã chi khoản tiền lớn mua thuốc, trang thiết bị, vật tư dự phòng. Tuy nhiên, thuốc, vật tư tiêu hao này đều có hạn sử dụng, cần chuyển nguồn sử dụng, điều trị bệnh lý khác trước khi hết hạn. Các trang thiết bị hiện đại được mua để chống dịch như máy thở ECMO, lọc máu, X-quang di động... cũng cần thống kê, phân bổ để tránh nơi thừa, nơi thiếu.

“Tôi đi kiểm tra một số tỉnh miền núi phía Bắc thấy nhiều nơi lúc đại dịch chưa kịp mua máy móc hiện đại, trong khi các tỉnh miền Nam có nhiều máy được mua hoặc chuyển từ nơi khác vào, cần phân bổ để sử dụng hiệu quả”, ông nói.

Quan điểm xem Covid-19 là bệnh thông thường và thích ứng với thời kỳ hậu Covid-19 được PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu nêu từ đầu năm, sau khi Việt Nam phủ đủ hai liều vắc-xin diện rộng. Ông cho rằng, cần xem Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa. Đồng thời, xử lý Covid-19 như các bệnh lý chuyên khoa khác.

Tháng 6 vừa qua, phát biểu tại Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu tiếp tục đề xuất chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng, tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ nguyên nhân gây bệnh) sang nhóm B (bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong).

Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu kinh nghiệm các nước đã xem Covid-19 là bệnh đặc hữu như Thái Lan, để chuyển bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang B, trong đó có Covid-19.

Không nên cố chờ biến chủng mới

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, hiện nay, Omicron vẫn là biến thể lưu hành chính trên toàn thế giới, chiếm 99,7% các trình tự được báo cáo. Biến thể phụ Omicron BA.5 và các dòng phụ tiếp tục chiếm ưu thế trong số mẫu được giải trình tự gen.

Tại Việt Nam, số ca mắc tiếp tục có xu hướng giảm. Trong 7 ngày gần đây, cả nước ghi nhận 6.289 trường hợp mắc, giảm 23,4% so với tuần trước đó và 4 trường hợp tử vong. Số mắc trung bình 7 ngày qua là 688 ca/ngày.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Phạm Hùng Vân - chuyên gia dịch tễ, nguyên giảng viên khoa Vi sinh Đại học Y dược TPHCM bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.

“Các bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp hiện nay là cúm A, cúm B, cúm hay các virus hô hấp khác. Không còn bao nhiêu là SARS-CoV-2 nữa. Hơn nữa, con số tại Việt Nam chỉ trên dưới 11 triệu người nhiễm Covid-19 là rất thấp xa thực tế. Phải nói là có trên 95% dân số đã nhiễm Omicron và chúng ta đã có được miễn dịch cộng đồng để giúp không bị nhiễm”.

TS Vân lưu ý, vắc-xin không tạo được miễn dịch cộng đồng mà chỉ giúp người nhiễm không bị nặng. Trong khi đó, hiện nay, đã có hơn 95% dân số tiêm phòng ít nhất 2 mũi vắc-xin Covid-19. Vì vậy, sẽ có rất ít người nhiễm Covid-19 phải nhập viện.

“Hơn nữa, biến chủng lưu hành hiện nay là Omicron. Dù tốc độ lây lan cao, nhưng ít có khả năng xuống đường hô hấp dưới (phổi). Nhờ vậy, có thể nói, Omicron là một vắc-xin của thiên nhiên giúp chúng ta thoát đại dịch”, TS Vân chia sẻ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, chúng ta đã chờ đợi sự đột biến của chủng Omicron 10 tháng. Điều đó đồng nghĩa kéo theo 10 tháng áp dụng chính sách phòng chống dịch nghiêm ngặt (cho bệnh truyền nhiễm nhóm A). Trong khi đó, tính chất dịch không thay đổi, thậm chí dịch ngày càng ít nguy hiểm hơn, ít tác động tới sức khỏe người dân hơn (không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới).

“Vậy chúng ta sẽ chờ đợi sự đột biến của chủng virus này đến khi nào? Chờ đợi mãi cũng đang gây ra những hậu quả “âm tính” đối với hiệu quả phòng chống dịch. Vì vậy, ngành y tế cần phải sớm thay đổi cách tiếp cận với dịch Covid-19 để phù hợp với tình hình dịch hiện nay.

Qua đó, phát huy nguồn lực và hiệu quả phòng ngừa cho các dịch bệnh khác nữa. Hiện, chúng ta không chỉ có dịch Covid-19, dịch cúm, sốt xuất huyết cũng đang rất nghiêm trọng. Thậm chí, số mắc và tử vong do các dịch này còn lớn hơn Covid-19”, TS Hùng chia sẻ.

Mới đây, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trong phiên họp Chính phủ tháng 10 rằng, Việt Nam được đánh giá là xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch theo xếp hạng tháng 8 của Nikkei, đứng thứ 7 thế giới về tỉ lệ tiêm liều nhắc lại, thứ 5 về số liều vắc-xin trung bình mỗi người dân nhận được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ