Ít người bệnh nặng
Đầu tháng 10, Chính phủ đánh giá dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên cả nước. Đồng thời, ban hành quy định về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tuy nhiên, thời gian qua, số ca nhiễm tăng cao tại các tỉnh thành. Gần đây, Sóc Trăng ghi nhận gần 200 ca mắc mới, có ngày lên 271 ca.
Trong khi đó, Phú Thọ ghi nhận 128 ca sau 7 ngày... Cà Mau là một trong những địa phương ghi nhận số ca nhiễm thấp nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ ngày 1/10 đến nay, số ca mắc tại khu vực này đã vượt 1.000 trường hợp.
Từ đầu tháng 10 đến nay, sau khi nới lỏng giãn cách, các tỉnh đón hàng trăm nghìn lao động về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Số liệu từ Tổng cục Thống kê sáng ngày 12/10 cho biết, tính từ tháng 7 - 15/9, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch.
Thống kê chưa đầy đủ của Bộ Y tế, trong 10 ngày đầu tháng 10, cho thấy, có hơn 1.000 ca nhiễm là người về các địa phương từ những vùng dịch. Hiện, dịch hạ nhiệt tại một số “điểm nóng” như TPHCM, Bình Dương.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), tỷ lệ tiêm chủng là tiêu chí quyết định tất cả. Bởi, trong bối cảnh hiện nay, ai cũng hiểu rằng, muốn mở cửa phải có vắc-xin, hoặc chờ hết Covid-19.
Tuy nhiên, tỷ lệ người lớn tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi không quan trọng bằng tỷ lệ người có nguy cơ tiêm đủ liều. Bởi, càng nhiều người được chủng ngừa, Covid-19 sẽ càng khó lây hơn. Đặc biệt, khi có càng nhiều người nguy cơ được tiêm phòng vắc-xin, sẽ càng ít người bệnh nặng.
Số ca nhiễm “không quan trọng”
Các địa phương sẽ căn cứ danh sách người dân trên địa bàn đã tiêm mũi 1 trên hệ thống tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Từ đó, chủ động mời người dân đã đến hạn tiêm mũi 2 đến điểm tiêm theo kế hoạch của địa phương.
Chuyên gia cho biết, khi đã trở thành “virus người”, SARS-CoV-2 cũng tương tự các bệnh lý nhiễm trùng lây lan khác. Do đó, cần chú trọng tới vấn đề như: Bệnh lây cho ai? Ai bị lây sẽ trở nặng và phải đi bệnh viện? Ai bị nhiễm sẽ lây thêm cho người khác? Theo bác sĩ Khanh, nếu Covid-19 lây cho người không có bệnh nền, mọi người không cần lo lắng.
Trong khi đó, việc ai lây thêm cho người khác mới là yếu tố quan trọng. Do đó, dù số ca bệnh trên 100 nghìn dân một tuần cũng không quá lo lắng, nhưng phải xem xét đến những người mắc là ai.
“Nếu số ca này không cần nhập viện thì càng tốt, vì tạo thêm miễn dịch cộng đồng tự nhiên”, bác sĩ Khanh cho biết.
Theo chuyên gia này, năng lực điều trị ngành y tế là theo dõi tại nhà và điều trị bệnh nặng. F0 không triệu chứng hoặc bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà. Trong khi đó, trường hợp nặng cần nhập viện. Song, điều quan trọng không phải số ca mắc Covid-19 là bao nhiêu, mà là khối điều trị không quá tải.
“Tiêu chí nào thì cũng đừng ghép yếu tố quá “sợ hãi”, trong khi chúng ta đã có đủ vũ khí, lý thuyết cũng như thực tế của những nước đi trước. Đừng hoảng loạn với Covid-19 như một thời kỳ hoảng loạn với virus gây bệnh HIV”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Với những người từng là F0, chuyên gia này khuyến cáo, mọi người thực hiện 5K. Tuy nhiên, không nên đọc nhiều tin tức về hậu Covid-19 và tái nhiễm. Trong khi đó, các F0 cần biết rằng, hiện tại, bệnh viện không quá tải, phác đồ điều trị chuẩn. Như vậy, cần bình tĩnh chờ đợi để không quá lo lắng.
Bác sĩ Khanh cho biết, nhiều người chưa là F0 thường lo lắng, không biết xung quanh mình có ai mang mầm bệnh không. Tuy nhiên, nếu đã tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin, mọi người cần bình tĩnh. Trường hợp khác là những người này có thể đã là F0 nhưng không biết.
“Bởi, khi bệnh xâm nhập vào cộng đồng, nguyên tắc của bệnh lý đa số không triệu chứng thì sẽ giống như “tảng băng chìm”, chuyên gia nhận định.