Tuy nhiên, việc bảo vệ và phát huy các giá trị của “kho tàng lịch sử” này trong cuộc sống hiện đại luôn là vấn đề trăn trở của những nhà quản lý.
Những tài sản quốc gia quý hiếm
Di sản tư liệu là thuật ngữ được sử dụng bởi Chương trình Ký ức thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm chỉ những tư liệu, tài liệu có giá trị đặc biệt và có tầm ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới.
Qua nguồn sử liệu này, công chúng có thể hiểu thêm về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước hay từng vùng, miền, dân tộc, ngành nghề...; những dấu son rực rỡ của từng thời kỳ hay cách thức người xưa vượt qua khó khăn, thử thách.
Di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn là một ví dụ điển hình. Được UNESCO công nhận vào năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn chứa đựng khối sử liệu đồ sộ tạc trên gỗ với hơn 34.000 tấm, phản ánh mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quan hệ quốc tế… trong một giai đoạn lịch sử quan trọng.
Không chỉ có vậy, di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn còn lưu giữ bằng chứng quan trọng về địa lý, có ý nghĩa khẳng định chủ quyền quốc gia một cách trực tiếp và tin cậy như Bản khắc nội dung quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi (Việt Nam) hay bản khắc cổ “Nam quốc sơn hà”.
Tiếp đó, 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn cũng lần lượt được vinh danh bởi các giá trị mang tính biểu trưng của tư liệu thế giới. Đây đều là những di sản có giá trị nổi bật với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế và sức ảnh hưởng sâu rộng.
Có thể thấy, di sản tư liệu ở Việt Nam là cả một kho tàng phong phú và độc đáo trên nhiều lĩnh vực, do đó, vấn đề lớn nhất đặt ra là phát huy giá trị của những di sản tư liệu thế nào trong cuộc sống hiện đại.
Để di sản mãi trường tồn
Tiếp tục phát huy giá trị của khối tài liệu quý giá của di sản tư liệu Mộc bản triều Nguyễn, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu, lập phương án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phù hợp để lưu giữ an toàn và phát huy tốt nhất giá trị của khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bảo tàng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn tài liệu để tổ chức trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam, đặc biệt là tuyên truyền, giới thiệu những nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng trong nội dung này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan, thực hiện xã hội hóa một phần các hoạt động khai thác, quảng bá, phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn nói riêng, các tài liệu lưu trữ có giá trị nói chung.
Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, kiến nghị: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn không chỉ là nguồn sử liệu tin cậy để nghiên cứu, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là bằng chứng khoa học về chủ quyền quốc gia.
Các ban, ngành liên quan cần có kế hoạch giới thiệu, phổ biến một cách chân thực nội dung thông tin lưu trữ trong di sản tại các hội nghị, diễn đàn ở trong và ngoài nước, góp tiếng nói vào công cuộc bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Hiện tại, hằng năm, các trung tâm lưu trữ đều cử các đoàn cán bộ về các địa phương để hướng dẫn người dân bảo quản tư liệu của dòng họ, nơi thờ tự, đồng thời khuyến khích người dân ký gửi tài liệu cho các trung tâm để bảo đảm an toàn và phát huy tốt nhất giá trị tài liệu.